Với tham vọng trở thành cường quốc trên biển, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện “chiến lược biển xa”, mở rộng ảnh hưởng tới khắp các vùng biển từ Thái Bình Dương, qua Ấn Độ Dương đến Đại Tây Dương quanh các chuỗi đảo ngọc trai. Một khi trở thành “gã khổng lồ” trên biển, Trung Quốc sẽ tạo thành mối đe dọa đối với địa vị siêu cường duy nhất của Mỹ.
Phải chăng cũng vì lý do này mà ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến công du Châu Á trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á sắp diễn ra tại Campuchia vào tháng 11 tới đây.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu chỉ là một cường quốc trên đất liền, Trung Quốc sẽ không tạo ra được mối đe dọa thực chất đối với vị thế chủ đạo thế giới của Mỹ vì nếu có là cường quốc trên đất liền thì cùng lắm Trung Quốc cũng chỉ trở thành một nước lớn ở khu vực Châu Á, sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc không thể sánh với Mỹ; ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc sẽ bị hạn chế trên đất liền, không thể vươn ra đại dương, như vậy không thể tạo thành mối đe dọa đối với hoạt động trên biển của Mỹ nói chung và không đe dọa ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Biển Đông nói riêng. Với nhận thức đó, Mỹ hiểu rõ những hành động leo thang của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, từng bước vươn tới khu vực biển xa hạn chế tầm hoạt động của hải quân Mỹ. Do vậy, Mỹ không thể ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông; đã đến lúc Mỹ phải ra tay để ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc trước kế hoạch ngang ngược này.
Tàu chiến Mỹ tập trận với Philippines. Ảnh: Internet.
Mặc dù vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, song thực chất Mỹ đã đứng về phía những nước láng giềng của Trung Quốc trong việc tranh chấp các vùng biển đảo này.
Từ đầu tháng 8/2012, Mỹ đã nhiều lần phát biểu công khai phê phán hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Mỹ đã 5-6 lần phát biểu về vấn đề Biển Đông, trong đó nổi bật là Tuyên bố ngày 3/8/2012. Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai bày tỏ thái độ về Biển Đông với một tần suất nhiều như vậy. Nhiều nhà phân tích nhận định đang có sự thay đổi lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông và tranh giành chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đang trở lên quyết liệt hơn. Ngoài việc Mỹ - Trung đấu khẩu về vấn đề Biển Đông; cả hai nước đều đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nội dung về vấn đề Biển Đông luôn được đề cập đến trong các cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa hai nước này với các nước Đông Nam Á.
Trung tuần tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có chuyến công du ba nước ASEAN ven Biển Đông (Indonesia, Brunei và Malaysia) để vận động các nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, không nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới. Đặc biệt, mới đây Trung Quốc đã đón tiếp long trọng Thủ tướng Campuchia Hunsen trên đường từ Iran (dự Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết) trở về ghé qua Tân Cương, Trung Quốc; đích thân Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đến Tân Cương để đón tiếp, cám ơn Campuchia đã ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại các hội nghị ở PhnomPenh tháng 7 vừa qua, đồng thời cam kết những khoản tài chính lớn (khoản vay ưu đãi 500 triệu USD) cho Campuchia nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia trên vấn đề Biển Đông tại các hội nghị cấp cao ở PhnomPenh vào tháng 11 tới.
Đáp lại những hoạt động ngoại giao dồn dập của Trung Quốc đối với các nước ASEAN, Mỹ cũng triển khai mạnh các hoạt động ở Châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm Indonesia ngày 03-04/9/2012 để trao đổi về vấn đề Biển Đông. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia - Marty Natalegawa tại Thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhắc lại quan điểm, Mỹ "có lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Bà Hillary thúc giục "các nước trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp, không cưỡng ép, hăm họa, không đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng vũ lực", đồng thời yêu cầu các bên đẩy mạnh hợp tác xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, bà Clinton nói: "Tôi cho rằng chúng ta có thể đạt được bước tiến về vấn đề Biển Đông trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và chắc chắn điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước". Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Indonesia ngày 4/9, bà Clinton cũng nhấn mạnh: "Mỹ có lợi ích quốc gia khi tất cả các nước duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do đi lại trên Biển Đông".
Ngày 04-05/9/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới thăm Trung Quốc, một trong những nội dung quan trọng tại các cuộc yết kiến và hội đàm là vấn đề Biển Đông. Những phát biểu của bà Clinton về vấn đề Biển Đông tại Indonesia đã làm cho phía Trung Quốc không hài lòng. Ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “hy vọng Mỹ sẽ thúc đẩy các lợi ích tối cao là hòa bình, ổn định và tôn trọng sự lựa chọn của các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông và thực hiện các cam kết của mình không can dự vào các cuộc xung đột chủ quyền trên biển trong khu vực”.
Tại Bắc Kinh, bà Clinton truyền tải tới Trung Quốc thông điệp “đừng nên làm quá” trong vấn đề biển Đông; khẳng định lập trường của Mỹ “những tranh chấp ở vùng biển này phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế”. Theo một số nguồn tin, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì dự kiến diễn ra trong 1 tiếng rưỡi, nhưng cuối cùng đã kéo dài 4 giờ đồng hồ, đến tận 1 giờ sáng hôm sau. Nguồn tin này còn cho biết do Bà Clinton giữ thái độ cứng rắn, kiên quyết không chịu nhượng bộ Bắc Kinh khi bàn về vấn đề biển đảo xung quanh Trung Quốc (Biển Đông và vấn đề quần đảo Senkaku ở Đông Hải) nên Bắc Kinh đã huỷ bỏ cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào ngày 05/9/2012.
Ngày 06/9/2012, bà Hillary Clinton cũng thăm Brunei, nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2013, Biển Đông cũng là một đề tài quan trọng trong các cuộc trao đổi giữa Bà Clinton với Lãnh đạo Brunei; bà Clinton thúc giục các nước ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trước đó, ngày 23/8/2012 trong chuyến đi tại Hà Nội để tham vấn về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Đại sứ Mỹ tại ASEAN David L.Carden nhấn mạnh an ninh hàng hải, tự do hàng hải trên vùng biển này quan trọng đối với Mỹ và các nước Châu Á – Thái Bình Dương; nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của LHQ; yêu cầu các bên làm rõ phạm vi yêu sách chủ quyền của mình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh những hoạt động ngoại giao kể trên, Mỹ cũng đang triển khai các kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Châu Á như đẩy nhanh tiến trình triển khai lính thủy đánh bộ ở Đác-Uyn của Úc; tăng cường sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Đáng chú ý là ngày 4/9/2012, Kyodo News dẫn lời một quan chức quân đội cấp cao của Philippines cho biết Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ lập một “đồn chỉ huy tiền tiêu” trên đảo Palawan, hướng mặt ra biển Đông. Quan chức trên nói: “Khoảng 50-60 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đồn trú tại một doanh trại của lính thủy đánh bộ Philippines ở thị trấn Samariniana, tây nam Palawan, coi đó là một sở chỉ huy tiền tiêu ở khu vực này”. Theo đó, đường băng 1,1 km bên trong khu đồn trú sẽ được kéo dài thành 2,4 km từ đầu tháng 9 để phục vụ máy bay vận tải quân sự cỡ lớn của Mỹ. Ngoài Samariniana, quân đội Mỹ còn xem xét phát triển các căn cứ hoạt động chung ở các khu vực khác trên đảo Palawan. Kế hoạch triển khai lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Philippin rõ ràng là nhằm đáp trả việc Trung Quốc thành lập cơ quan chỉ huy quân sự của cái gọi là “thành phố Tam Sa,” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi giữa tháng 7 vừa qua
Cùng với những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trong 1 tháng qua, việc Mỹ đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, để trao đổi về vấn đề Biển Đông với các nước và việc tăng cường sự hiện diện quân sự trên thực địa cho thấy, Mỹ đang lo ngại những hành động lất át các nước láng giềng ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung, thách thức vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Những động thái của Mỹ xung quanh vấn đề Biển Đông thời gian gần đây đang dần thể hiện sự điều chỉnh quan điểm của Mỹ trên vấn đề Biển Đông theo hướng cứng rắn hơn. Một điều cần nhấn mạnh thêm là Cương lĩnh tranh cử Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà cũng lên án mạnh mẽ Trung Quốc "gây mất ổn định trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông". Điều này cho thấy nội bộ Mỹ có sự thống nhất cao giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà trong việc phản đối những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trong chính sách ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc nói chung./.
Thu Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét