Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

CÁI LẰN RANH MONG MANH SƯƠNG KHÓI


Nguyễn Minh Nhị - Công luận đang lên án và báo nguy về hiện tượng giả dối (nói dối – nói dóc) đang làm lung lay nền tảng đạo đức xã hội. Báo Tuổi trẻ hỏi ý kiến tôi về việc này. Tôi từ chối vì tự thấy mình cũng từng có “nói dối”. Sau khi “từ chối”, tự nhiên tôi thấy đó là lý do có những dòng sau đây.
Nói dối có nguồn gốc xã hội sâu xa hàng ngàn năm, xuất phát từ phản ứng tự vệ của con người trong ngàn năm bị kẻ thù tàn bạo, nham hiểm và đầy giả dối luôn luôn mưu mô tiến hành đồng hóa dân tộc ta. Không nói dối làm sao tồn tại để phục hồi dân tộc – quốc gia cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI. Dưới chế độ thực dân, đế quốc dân ta lại tiếp tục nói dối để tự bảo vệ bản thân, bảo mật tổ chức. Nói dối với kẻ thù, với người quen mà mình chưa tin là “nói dối lành tính“, nói dối do hoàn cảnh, như trời đang mưa lại xuất hiện sương mù để dự báo sẽ có nắng ráo. Đó là “Dóc phản vệ”. Nói dóc với kẻ thù thì cũng dễ nói dóc với người khác, kể cả người thân. Đó là điều dễ hiểu. Thời bao cấp, nhà ăn thịt gà nhưng sợ hộ bên cạnh biết sẽ nhận xét nên mới có việc dùng kéo cắt thịt thay vì để trên thớt dùng dao chặt thịt. Bây giờ quen rồi, dùng kéo cắt thịt, làm cá… đâm ra tiện lợi. Đó là “phản ứng phụ” của liều thuốc “phản vệ” không có gì lạ.

Cái lạ và đáng suy nghĩ, báo nguy là trong chế độ ta, những cái giả dối từ lời nói đến việc làm bắt nguồn từ thượng tầng chi phối. Trong Cải cách ruộng đất ở miền Bắc trước kia, không có địa chủ theo quy định phần trăm trên đầu nông hộ cũng phải “tìm” cho ra tên cụ thể cho đạt chỉ tiêu. Thi đua là yêu nước, nhưng vì muốn mình yêu nước nhiều hơn người khác thì phải tô hồng, vo tròn (nói dối) thành ra thi đua chệch hướng hoài mà gò lại không được. Bộ Giáo dục từ “nói không với bệnh thành tích” thì thi tốt nghiệp phổ thông năm ấy chỉ đậu 50 – 70%. Lại thi đua, tăng dần lên, năm nay đạt từ 90 đến 100% (?). Học bổ túc, học tại chức làm gì bằng học phổ thông, học chính quy. Vậy mà bằng nào cũng có giá trị như nhau! Trong hoàn cảnh chiến tranh hay khi dân ta mới thoát nạn mù chữ thì chủ trương và chánh sách ấy hoàn toàn phù hợp. Thế hệ ấy (ông, cha) nay không về hưu thì cũng thành thiên cổ, vậy mà con cháu tiếp tục làm vậy nữa thì trách sao nó không lùn xuống so với ông cha chớ đừng nói với hội nhập với người ta ở thế kỷ XXI! Cơ quan chủ trương có thể bảo lưu và buộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc “san bằng trí tuệ” này, nhưng anh thu nhận được bao nhiêu lao động, số còn lại ai thu? Mà ngay như đã có tỉnh, có cơ quan họ chủ trương công khai (nhưng phần nhiều là bí mật) là không tuyển số đó, vậy mà cũng chưa thức tỉnh. Còn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài thì cái bằng tốt nghiệp đối với họ chỉ là “chứng chỉ” để vào cửa phỏng vấn hoặc thử việc thôi. Có tin ở Bình Dương công khai không nhận lao động 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nghe đau lòng quá nhưng bắt tội doanh nghiệp được không? Còn nạn bằng giả làm sao mà chấm dứt được ít nhất là trong mười năm tới, khi mà quy hoạch cán bộ phải có mấy bằng mới đủ chuẩn, mà bằng nào cũng có giá trị như nhau. Bây giờ lợi dụng “kinh tế thị trường”, nói dối đi đôi với làm dối thì hốt bạc vô biên nên biết bao dự án gây thiệt hại ngân sách, tàn phá môi trường, đánh vào lòng dân rất thê thảm… Đây thật sự là những “đám khói đồng” do người đốt chớ không phải là “màn sương mù” như nói bên trên. Một hiện tượng hai bản chất như hai số giống nhau nhưng mỗi số mang dấu + (dương) – (âm) khác nhau. Cái lằn ranh mong manh giữa sương và khói ấy nếu không sớm nhận ra thì “khói đốt đồng” sẽ ngày càng đen kịt che hết ánh sáng mặt trời thì mầm đạo đức sao còn đất sống?
Cái lằn ranh mong manh ấy chỉ có cấp vĩ mô mới có quyền nhận ra và mới có quyền điều chỉnh. Mọi quan hệ xã hội và gia đình: cha con, thầy trò, anh em, bạn bè, cấp trên cấp dưới… đều theo hướng điều chỉnh đó. Nếu ai cũng tự kiểm thấy mình có ít nhất một lần nói dối thì cũng không nên đổ lỗi dần lân, nào là do nhà trường, do gia đình, do xã hội… Đều đúng cả, nhưng theo tôi là không trúng. Vì không trúng nên bao nhiêu liều thuốc đặc trị rồi, con bệnh càng lờn thuốc nên càng ranh ma hơn như “cải cách giáo dục” mấy lần rồi mà Hội nghị TW 5 vừa rồi chủ trương “phải đổi mới toàn diện và triệt để”; học tập Bác qua mấy nhiệm kỳ đại hội rồi mà sao người không làm theo Bác “bị lộ” càng nhiều hơn để Hội nghị TW 4 phải ra Nghị quyết đánh động toàn Đảng, toàn dân?
Long Xuyên, ngày 10/10/2012
N.M.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: