Hội nghị trung ương 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6 đang sắp đi vào cao trào và chuẩn bị kết thúc. Hội nghị lần này đặc biệt thu hút sự theo dõi của toàn dân và chính giới trong cũng như ngoài nước. Nhưng thông tin hội nghị của đảng hầu như không được cập nhật trên báo chí. Vì vậy dự luận lại càng trông đợi vào những ngày kết thúc. Liệu có sự đột phá mới về nhân sự hay không? Liệu đảng cộng sản có dám nhìn vào sự thật và xử lý những đòi hỏi cấp bách về công tác đảng hay không? Đó là những câu hỏi được người theo dõi tự đặt ra cho mình.
Hơn hai mươi năm qua đất nước đã bước chặng đường dài dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhưng chưa bao giờ vai trò lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản lại bị thử thách như lần này. Những năm 90 hệ thống CNXH ở Đông Âu sụp đổ. Hệ tư tưởng của các đảng cộng sản thế giới bị khủng hoảng trầm trọng. Đảng cộng sản ở các đất nước đó bị phân hóa và biến thành các đảng đối lập nhỏ lẻ. Hầu hết ở các nơi đó đảng cộng sản không còn là một đảng đại chúng nữa.
Đảng cộng sản cầm quyền chỉ tồn tại và tiếp tục duy trì sự lãnh đạo độc tôn của mình ở những nơi ngoài lục địa Âu châu như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cu Ba.
Tuy bị lung lay về ý chí nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn chèo lái sự nghiệp của đảng và lãnh đạo đất nước vượt qua cơn nguy khốn về khoảng trống hệ ý thức không thể tưởng tượng nổi.
Qua hai thập kỉ qua diện mạo đất nước có nhiều thay đổi và cũng đạt được nhiều thành tựu tích cực, nhất là về mặt kinh tế. Việt Nam đã từ bỏ cơ chế kinh tế bao cấp, chấp nhận nền kinh tế thị trường và ngày càng chuyển mình sang cơ chế thị trường tự do. Việt Nam vẫn duy trì kinh tế nhà nước làm chủ đạo, nhưng cũng đã thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế chung. Cho đến nay các doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp một phần quan trọng cho kinh tế Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam đã từng tự hào về thành công của mình và trên cơ sở đó tiếp tục khẳng đinh vai trò lãnh đạo toàn diện đối với đất nước.
Thế nhưng chính sách phát triển đất nước của đảng cộng sản Việt Nam đã bộc lộ nhiều mặt trái của nó. Thời kỳ phát triển kinh tế nhanh đã chấm dứt. Việt Nam đang lay hoay đối phó với suy thoái kinh tế trầm trọng. Nền giáo dục xuống cấp, lệch chuẩn quốc tế. Ngành y tế thành một thị trường mở hỗn loạn. Đặc biệt đạo đức công dân sa sút nghiêm trọng.
Tuy Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong quan hệ với các nước trong khu vực ASEAN và phương Tây, nhưng Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Mặt khác Việt Nam rất lúng túng trong việc bảo vệ người dân, bảo vệ lãnh thổ của mình. Mối đe dọa xung đột về tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam lại chính từ nước láng giềng Trung Quốc.
Điều nguy hiểm hơn là giữa người dân và chính quyền không còn sự đồng thuận về ý chí và từ đấy các chính sách của nhà nước không nhận được sự ủng hộ của người dân. Những tầng lớp nhân nhân mà đảng cộng sản dựa vào để có quyền lực lãnh đạo như ngày nay là nông dân và công nhân thì chính lại là tầng lớp bị thua thiệt nhất trong vòng 20 năm qua. Họ không được hưởng một chút lợi nào khi kinh tế đất nước phát triển.
Chính những điều đó mà vai trò lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản đang bị thách thức mạnh. Nó là những mối hiểm họa đó đang đe dọa „ sự tồn vong của Đảng“ ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra điều đó.
Những người lãnh đạo đảng cũng đang trăn trở. Họ muốn đảng hùng mạnh trở lại để nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo đất nước như từ trước đến nay. Họ muốn cải tổ lại đường lối của đảng. Nhưng hai mươi năm qua đảng đã tạo ra một thế hệ cán bộ khác xa nguồn gốc mục đích của mình. Chính số này là lực cản lớn nhất cho đảng và cho đất nước.
Nguyên nhân chính là ở chỗ đảng cộng sản Việt Nam không dám mạnh dạn đổi mới tư duy của mình. Như ông Nguyễn Phú Trọng trước sau khẳng định đảng cộng sản Việt Nam vẫn kiên định đi theo con đường CNXH. Nhưng thực tiễn thế giới đã chứng minh, hệ thống CNXH và tư tưởng của nó đã sụp đổ. Những hệ ý thức của tư tưởng cộng sản ở những nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba không còn mang màu sắc của chủ nghĩa Marx- Lenin nữa. Ở đó chế độ CNXH đã biến thành chế độ toàn trị do một đảng duy nhất cầm quyền.
Ở Việt Nam đảng cộng sản ra sức bảo vệ vị trí độc tôn của mình, lấy tiêu chí đi theo con đường tiến lên CNXH làm mục đích, nhưng thực tế xã hội phải phát triển theo con đường kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường là một đặc điểm lớn nhất của chủ nghĩa tư bản. Như vậy giữa lý thuyết định hướng và thực tế phát triển kinh tế ngày càng xa rời nhau, mâu thuẫn với nhau.
Với vai trò độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản , xã hội Việt Nam đã nảy sinh ra một tầng lớp cán bộ quản lý nhà nước có tính đặc thù. Đó là những người đứng trong hàng ngũ đảng để chiếm lĩnh các vị trị quan trọng trong cơ chế nhà nước, nhưng thực thi công việc thì theo cơ chế thị trường. Chính cơ chế tư duy nửa vời này đã làm cho họ biến chất. Về mặt tư tưởng họ được định hướng theo CNXH, phục vụ toàn tâm toàn ý, không vụ lợi cho cộng đồng. Nhưng điều hành thực tế thì chạy theo lợi nhuận của „ chủ nghĩa tư bản trần trụi“. Họ không thành công đưa đất nước tiến lên như nhân dân kỳ vọng mà còn gây ra nhiểm thảm họa cho đất nước. Cơ chế độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản đã khống chế sự phát triển dân chủ ở xã hội Việt Nam. Lớp người trong đảng có vị trí lãnh đạo tha hồ làm mưa làm gió, mặc sức hoạch định cho mưu lợi của mình và tầng lớp của mình, hơn nữa họ đã tạo ra một cơ chế bền vững để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính từ đó đã nảy sinh ra các quốc nạn như tham ô, tham nhũng, lãng phí, công quyền, quan liêu hành chính, xa rời nhân dân lao động…
Người dân nhìn nhận về đảng không còn là một tổ chức chính trị, nơi tập trung người lao động và bảo vệ quyền lợi cho họ như ngày xưa nữa, mà là một tổ chức quyền lực bao trùm cả nhà nước.
Đảng đã biến chính quyền nhà nước thành một bộ máy cai trị nhân dân, làm người dân xa rời đảng và cảm thấy đảng cộng sản ngày càng đối lập với nguyện vọng của họ.
Câu hỏi đặt ra cho chính đảng cộng sản ở Việt Nam là tương lai sẽ ra sao nếu số đông quần chúng không còn ủng hộ đảng?
Thực sự ông Nguyễn Phú Trọng muốn gì?
(Còn tiếp…)
Dân Choa
(Quê choa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét