Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Giá xe hơi tại Việt Nam vẫn đắt gấp 3-4 lần thế giới

HÀ NỘI (NV) - Nước nghèo, lợi tức đầu người rất thấp nhưng giá bán xe hơi tại Việt Nam lại cao gấp ba gấp bốn lần giá những chiếc xe cùng loại bán ở những nước khác trên thế giới.
Xe của hãng Mercedes Benz trong một cuộc triển lãm ở Hà Nội hôm 27 tháng 9, 2012. Giá xe hơi tại Việt Nam mắc gấp 3-4 lần giá xe trên thế giới. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

“...Người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe đắt gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với thế giới...” báo Diễn Ðàn Doanh Nghiệp ngày 10 tháng 10, 2012 thuật lời ông Andreas Klingler, tổng giám đốc công ty Porsche Việt Nam.
Chỉ từ cuối tháng 9, 2012 đến nay có một số bài viết trên hệ thống truyền thông “lề phải” trong nước nêu ra tình trạng số lượng xe bán được ngày một giảm sút nghiêm trọng trong khi khắp thế giới đều gia tăng mạnh mẽ.


Tuần lễ vừa qua có một cuộc triển lãm xe hơi ở Hà Nội chỉ có 13 hãng xe đem một ít mẫu tới giới thiệu, một con số lẻ so với những cuộc trưng bày giới thiệu xe hơi mới tổ chức ở những nước khác.
Vào dịp này, Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Việt Nam (thật ra chỉ là lắp ráp một số bộ phận) đưa ra thống kê nói số lượng xe hơi bán ở Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2012 giảm mất 30% so với cùng thời gian này năm ngoái.
Dự đoán cả năm, số lượng xe bán được chỉ bằng khoảng 50% của năm 2011.
Ngược lại, các thống kê nói thị trường thế giới cùng thời gian này tăng trưởng 30%. Riêng thị trường xe hơi ở Á Châu nói chung tăng tới 40% trong khi khu vực ASEAN tăng tới 151%, Thái Lan tăng 208%.
Các công ty ngoại quốc đầu tư sản xuất xe hơi tại Việt Nam đã kêu ca suốt từ nhiều năm qua những vấn nạn mà họ gặp phải gồm đủ mọi thứ. Trong đó, hai vấn nạn nặng nhất là 5 loại thuế và “phí” tới 9 loại, đẩy giá xe lên hàng đắt nhất thế giới. Ðường xá chật hẹp lại đầy hố trâu hố bò, thiếu chỗ đậu ở các đô thị là những nơi nhiều người có khả năng mua, gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam.
Trên trang mạng của hãng xe hơi Toyota lắp ráp ở Việt Nam, người ta thấy quảng cáo chiếc xe Camry căn bản bán với giá 982 triệu đồng (tức gần $50,000 USD) gồm cả thuế trong khi chiếc xe này ở Mỹ được bán trên dưới $21,000 USD gồm cả thuế. Chiếc xe Camry 2.5 được rao bán với giá cả thuế tới 1 tỉ 241 triệu đồng (hay khoảng $62,000 USD) trong khi ở Mỹ có thể mua được với giá khoảng $23,000.
Chiếc xe nhỏ và rẻ tiền Cruze của Chevrolet quảng cáo bán ở Việt Nam với giá gần 507 triệu đồng tới 637 triệu đồng (tức khoảng hơn $25,000 USD đến $32,000 USD), bán ở Mỹ với giá hơn $17,000 USD.
Nhưng chiếc xe hơi thể thao Porsche kiểu Boxster bán tại Việt Nam hồi năm ngoái đã thấy rao bán từ 2.8 tỉ đồng đến 3.94 tỉ đồng (khoảng $140,000 USD đến $197,000 USD) trong khi thấy một hãng ở Mỹ quảng cáo bán với giá từ $70,000 USD đến $81,000 USD.
Lợi tức đầu người tại Việt Nam năm 2011 trung bình được $1,300 USD, theo con số của Bộ Công Thương CSVN trong khi lợi tức đầu người ở Mỹ là $41,500. Lợi tức đầu người trung bình ở Mỹ cao gấp 31 lần so với Việt Nam, giá xe hơi lại rẻ hơn Việt Nam nhiều.
Báo Diễn Ðàn Doanh Nghiệp hôm Thứ Sáu thuật lời ông Bùi Ngọc Huyên, tổng giám đốc công ty lắp ráp Vinaxuki kêu là hai bộ tài chính và công thương có chính sách ngược nhau đối với kỹ nghệ xe hơi. Một bộ thì áp đặt nhiều loại thuế và phí thật nặng trong khi bộ kia thì khuyến khích. Không những thế, theo đại diện hãng xe Audi, “phí trước bạ” ở Sài Gòn là 15% trong khi ở Hà Nội lại tới 20%.
Rất nhiều người đến xem và thử xe để thỏa mãn giấc mơ làm chủ một chiếc xe hơi. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Ngày đầu tháng 10, tờ Ðại Ðoàn Kết thuật lời chủ tịch kiêm tổng giám đốc Mercedes Benz Việt Nam, ông Michael Behrens “dẫn ra các loại thuế, phí đánh vào ô tô từ năm 2003 đến nay và thắc mắc rằng, ông không thể hiểu nổi tại sao lại có những loại thuế, phí đó. Chính sách thuế, phí đối với ô tô của Việt Nam thiếu sự minh bạch và ổn định - điều tối kỵ để phát triển một ngành công nghiệp ô tô”.
Các loại thuế và “phí” khác nhau theo nhau leo thang làm cho cả hãng xe cũng như người tiêu thụ rượt đuổi hụt hơi nên mỗi ngày một co cụm thay vì phát triển như những nước khác trong khu vực.
Năm 2004, chế độ Hà Nội công bố quyết định “phê duyệt kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm, tầm nhìn đến năm 2020” tiến đến sản xuất nội địa thay vì chỉ lắp ráp. Nay thì đang đi giật lùi. (T.N.)

Không có nhận xét nào: