Các cơ quan theo dõi của nhiều nước đã phát hiện ra biến động địa chấn tại cơ sở thử hạt nhân dưới đất Punggye-ri vào lúc 11:57 giờ sáng giờ địa phương (02:57 GMT) sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hoa Kỳ ghi nhận một trận động đất nhỏ 4,9 độ Richter xảy ra và người dân Trung Quốc vùng sát biên giới với Bắc Triều Tiên cũng cảm thấy địa chấn.
Quan chức cao cấp của Hàn Quốc Chun Young-woo nói: "Đây là đe dọa không thể chấp nhận được cho an ninh của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, đồng thời là thách thức đối với toàn thể cộng đồng quốc tế."Cả Nam Hàn và Nhật Bản đều đã nhanh chóng họp khẩn các nhóm an ninh quốc gia ngay sau đó.
Còn Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama hôm thứ Ba 12/2 đã ra tuyên bố gọi "đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, xảy ra sau vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo 12 tháng 12".
Kiên quyết phản đối
Nhưng nước có thể có tác động nhiều nhất đối với Bình Nhưỡng vẫn là Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh ra tuyên bố nói:
"Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, bất chấp phản đối quốc tế rộng khắp, đã lại một lần nữa thử hạt nhân, điều chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối.
Lập trường kiên định của Trung Quốc là thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ngăn ngừa phổ biến vũ khí nguyên tử cùng duy trì hòa bình và ổn định ở vùng đông bắc Á."
Trong khi Trung Quốc được cho là sẽ không bỏ nước láng giềng đồng minh cộng sản, có vẻ như Bắc Kinh cũng đang phải đánh giá lại mối quan hệ với Bình Nhưỡng, một năm sau khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền.
Theo bình luận của báo Time từ Hoa Kỳ hôm 12/2/2013 về vụ nổ nguyên tử mới nhất tại Bắc Hàn, câu hỏi hiện nay với lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc là Bắc Kinh sẽ còn phải chịu đựng và ủng hộ chính sách gây khó khăn, ngứa ngáy của nước đồng minh bao lâu nữa.
Tạp chí Time trích lời ông Richard Bush, Giám đốc Trung tâm Đông Bắc Á của Viện Brookings ở Washington D.C. nói rằng:
“Có thể Kim Jong-un nghĩ Tập Cận Bình sẽ chiều chuộng ông ta, và có thể muốn thử gây nắn gân Trung Quốc.”
Dù vậy, hiện cũng chưa có dấu hiệu ông Tập Cận Bình, người lên nắm chức Chủ tịch nước vào tháng 3 năm nay, sẽ có hành động gì mạnh mẽ.
Theo BấmBBC Tiếng Trung tại London, tuyên bố hôm nay của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn giống như tuyên bố lần trước, khi Bắc Hàn thử hạn nhân năm 2009.
Điều này có thể là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc chưa biết cần phải làm gì.
Các nhà phân tích thời gian quan cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh khá thất vọng trước cách hành xử của Bình Nhưỡng: vừa nhận viện trợ năng lượng (dầu lửa) từ Trung Quốc, vừa không chịu áp dụng cải cách kinh tế từng bước một.
"Nếu Bắc Hàn củng cố một chính sách đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc, thì sẽ bị Trung Quốc chống lại"
Scott Snyder
Đặc khu kinh tế bên sông Áp Lục, một dự án tại Bắc Hàn theo mô hình "Khai phóng" của Trung Quốc chỉ được cắt băng khai trương rầm rộ rồi để đến nay vẫn là bãi đất trống lạnh lẽo.
Còn tác giả Scott A. Snyder trong một bài đăng trên trang của BấmCouncil for Foreign Relationshôm 5/2, trước khi xảy ra vụ thử hạt nhân, đã dự đoán hai khả năng phản ứng của Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc coi vụ thử là bằng chứng về cuộc tranh giành quyền lực tại Bắc Hàn thì họ sẽ không thay đổi mấy chính sách hiện nay, vì lo ngại trừng phạt mạnh sẽ khiến Bắc Hàn bất ổn,"
"Nhưng nếu Trung Quốc coi vụ thử là bằng chứng Bắc Hàn củng cố một chính sách đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc, thì rất có khả năng Trung Quốc sẽ liên kết chặt hơn với cộng đồng quốc tế để chống lại Bắc Hàn."
Trước mắt, Trung Quốc có vẻ như tạm thời để các mạng xã hội "xả giận" bằng cách không xóa các bình luận phê phán Bắc Hàn.
Nhưng dù có bị thách thức, Trung Quốc cũng không muốn một năm chuyển giao quyền lực quan trọng bị mất ổn định vì các động thái của Bắc Triều Tiên.
Vấn đề là liệu ông Kim Jong-un có đồng ý với phương án đó hay không.
Tin mới nhất từ Bắc Kinh cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì vừa triệu tập Đại sứ Bắc Hàn đến để tỏ thái độ về vụ thử hạt nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét