Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Lối ra có lợi nhất cho đất nước cho dân tộc Tô Văn Trường


Tài nguyên được xem là vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Trong điều kiện của nước ta, việc khai thác nguồn khoáng sản bô xít dồi dào còn tiềm ẩn để phát triển kinh tế có thể xem như là một cố gắng của Đảng và Chính phủ nhằm tăng thu ngân sách, đầu tư cho Xã hội với nhiều vấn đề nổi cộm về Giáo dục, Y tế, An sinh còn thiếu vốn liếng trầm trọng hiện nay.

Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có 2 mặt được và mất. Đây là bài toán “trade off” đánh đổi,  đòi hỏi phải làm sao cho cái được lớn nhất và cái mất là ít nhất. Làm việc thì đương nhiên có thành công và có thất bại, có công và kể cả có tội hay gọi là “lỗi” cho nhẹ. Việc khai thác bô xít đòi hỏi phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học, cụ thể hóa việc khai thác tài nguyên một cách thiết thực, hiệu quả, phải gắn liền quy hoạch chiến lược và quy hoạch ngắn hạn một cách toàn diện, chặt chẽ vì cuộc sống của nhân dân và cũng vì thế hệ  tương lai của con cháu chúng ta. Thực tế cho thấy sau thời gian dài thực thi, dự án thí điểm bô xít Tân Rai-Nhân Cơ đã bộc lộ hết các bất cập về chính trị kinh tế xã hội và môi trường, việc tính toán chưa được cẩn thận, toàn diện và trong cách tiếp cận với các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân còn nhiều khuyết điểm, hạn chế.   

Có thể nói dự án bô xít là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam chính vì nó liên quan đồng thời cả ba vấn đề sinh tử của đất nước: kinh tế, môi trường và quốc phòng an ninh. Ấy là chưa kể văn hóa Tây Nguyên bị bào mòn, bị xâm hại đến thế nào. Lối ra rẻ nhất và cũng là có lợi nhất cho đất nước là đình chỉ và tiến tới xóa sổ dự án bô xít Tây Nguyên.

Quả thật, chuyện dự án bô xít Tây Nguyên gây nên sự bức xúc trong nhân dân, đã lên đến đỉnh cao trào và là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước. Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân. Kết quả thăm dò của Diễn đàn kinh tế Việt Nam VNR500 và báo Dân Trí có đến 96% người dân đồng ý dừng dự án bô xít Tây Nguyên. Đấy là con số sống động phản ánh ý dân, lòng dân không thể bỏ qua trong một xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền.

Những bài nóng hổi tính cách mạng, khẳng định bản lĩnh, vai trò lịch sử và tấm lòng vì nước vì dân của những người đứng đầu nhà nước vẫn còn đó. Quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ ngay trước thời điểm nổ sung đã ấn định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương trung thực, dũng cảm, khẳng định trách nhiệm sắt đá với công sức và xương máu của nhân dân, của chiến sỹ bộ đội đã được hậu thế ghi tiếng thơm mãi mãi vào sử sách. Người dân luôn nhớ Tổng bí thư  Trường Chinh đột phá tư duy, dám lật ngược vấn đề, truy đến cùng những hạn chế của mình và hệ thống bấy lâu nay để vạch lối thoát cho Đảng, cho đất nước – viết lại Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI và quyết liệt tổ chức đổi mới, sau đó khẳng khái bàn giao lại cho thế hệ kế cận. Ngày nay toàn Đảng nhớ ơn ông, coi ông là ví dụ sinh động về con người vì nước vì dân, vượt lên hạn chế bản thân, hạn chế thời đại để phản tỉnh kịp thời trước tụt hậu và bế tắc của hệ thống, đưa đất nước sang trang mới và hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chia tay đỉnh cao quyền lực thanh thản, ung dung.

Sau những chuyến đi thị sát tình hình, nghe báo cáo cụ thể từ các chuyên gia, các địa phương, Thủ tướng đã có quyết định sáng suốt tuyên bố quyết định không làm cảng Kê Gà. Nỗ lực giải quyết hậu quả và trọn vẹn vấn đề bô xít là một cố gắng được trông đợi của nhiều tầng lớp nhân dân bởi tính hệ trọng của nó. Trong tình hình khó khăn hiện nay, còn rất nhiều vấn đề khác cần đến sự tỉnh táo, quyết liệt và nỗ lực vì nước vì dân như thế của Thủ tướng.

Nếu bây giờ dừng dự án bô xít được và mất gì? Dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây nguyên, thì Nhà nước (tức là tất cả mọi người dân Việt Nam) đành phải chịu thiệt hại phải trả tiền đã đầu tư. Đấy là khoản mất không mà người ta đã không tính toán cẩn trọng gây ra, nhưng cả dân tộc phải chịu và nên chịu. Thà chịu đau, nhưng còn hơn là sẽ phải chịu tổn thất nhiều hơn rất nhiều do lỗ, do tổn hại môi trường, an ninh quốc gia, và lòng tin của người dân. Cái mất là mất tiền đã đầu tư vào dự án, làm thất vọng những người trong cuộc, ủng hộ dự án, kể cả đối tác và quyền lợi của một số nhóm lợi ích. Cái được mà ai cũng nhận thấy là được lòng dân, không tiếp tục đổ tiền, lãng phí  tiền thuế của dân vào một dự án không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường, bất an về xã hội, phá hỏng nền văn hóa Tây Nguyên. Cái được ở đây còn là dịp để Đảng và Chính phủ dẹp loạn tham mưu và làm ẩu của nhóm người không nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Rà soát mục tiêu phát triển dự án, nếu quyền lợi dân tộc và đất nước được minh bạch và bảo đảm thì cũng là dịp cho những người lãnh đạo được vẻ vang với nhân dân.

Cách đây 3 năm trong bài “Được và Mất” dựa trên các luận cứ phân tích  khoa học và thực tế, tôi đã kết luận “Lối ra rẻ nhất và cũng là có lợi nhất cho đất nước cho dân tộc là đình chỉ và tiến tới xóa sổ dự án bô xít Tây Nguyên.”.  Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực. Thiết nghĩ lúc này, việc cần làm không phải là  tập trung phê phán ai, mà trên hết hãy tin tưởng và khích lệ Đảng và Chính phủ cùng xã hội một lần nữa cầu thị và trách nhiệm, cùng nhau nhìn thằng vào các kết luận độc lập trên các mặt khoa học và công nghệ, kinh tế và tài chính, văn hoá và xã hội đã được vạch ra, làm rõ quyền lợi trước mắt và lâu dài của dân tộc và đất nước, của đồng bào Tây Nguyên để kịp thời điều chỉnh lại đúng đắn dự án phiêu lưu đã qua đồng thời sửa chữa, hoàn thiện lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội sao cho thực sự bền vững, hiệu quả đáp ứng mong đợi của nhân dân cho giai đoạn từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

(Blog Người lót gạch)

Không có nhận xét nào: