Rạn san hô James Shoal, bên bờ biển Malaysia
Trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, trong thời gian gần đây, Malaysia luôn cố tránh trực diện với Trung Quốc. Thế nhưng lập trường đó như vẫn không giúp Kuala Lumpur tránh khỏi việc bị Bắc Kinh khiêu khích. Ít ra đây là kết luận có thể rút ra được từ sự kiện Hải quân Trung Quốc không ngần ngại đến phô trương thanh thế hôm qua 26/03/2013, ngay tại một rạn san hô ở vùng cực nam Biển Đông mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc yêu sách.
Hành trình cũng như hoạt động của đội tàu thuộc một lực lượng đặc nhiệm đổ bộ được trang bị đầy đủ vũ khí, đã được báo chí Trung Quốc quảng bá rầm rộ. Tiểu hạm đội gồm 4 chiến hạm do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) dẫn đầu, đã đến khu vực rạn san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, cách Brunei gần 200 km, nhưng cách xa bờ biển Trung Quốc đến 1.800 km, và nằm gần sát đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biẻn Đông.
James Shoal, là một rạn san hô ngầm ở khoảng 22 mét dưới mặt nước ở phía nam Biển Đông, được Malaysia đòi chủ quyền dưới tên gọi Beting Serupai theo tiếng Mã Lai, nhưng bị Trung Quốc tranh chấp dưới tên tiếng Hoa là Tăng Mẫu ám sa/Chiêm Mỗ sa (Ceng mu an).
Trong một bản tin công bố hôm qua, Tân Hoa Xã đã mô tả cảnh quân lính Trung Quốc cũng như thủy thủ đoàn tập hợp trên boong tàu Tỉnh Cương Sơn, một trong 3 chiếc tàu đổ bộ của Trung Quốc có chiều dài 200 mét, để cam kết « bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền đất nước và phấn đấu thực hiện giấc mơ một nước Trung Quốc hùng mạnh ».
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong số đề ngày 27/03/2013, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp Gary Li, thuộc hãng tư vấn IHS Fairplay tại Luân Đôn, nhận định : « Đây là thông điệp mạnh mẽ khác thường : Lực lượng đặc nhiệm này được gởi đi, trong khuôn khổ một vai trò tác chiến mới, khác với các vụ tuần tra trước đây của Hải quân Trung Quốc trong khu vực ».
Nhà phân tích ghi nhận là lần này « không phải chỉ là một vài chiếc tàu, thâm nhập vào chỗ này hay chỗ khác, mà là nguyên một chiếc tàu đổ bộ loại thiện chiến, chở theo thủy quân lục chiến cùng thuyền cao tốc chạy trên đệm hơi, được những tàu hộ tống hạm thuộc loại tốt nhất trong hạm đội Trung Quốc đi theo ». Không chỉ thế, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ này còn được chiến đấu cơ phản lực đi theo bảo vệ.
Đối với ông Gary Li, một hành động phô trương lực lượng như vậy – cả về số lượng lẫn chất lượng – chưa từng diễn ra ở một khu vực xa xôi tận miền cực nam Biển Đông này.
Theo báo South China Morning Post, hình ảnh lưu truyền trên mạng Internet cho thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc ào ạt đổ bộ lên bờ biển, với sự hỗ trợ của tàu chạy bằng đệm hơi và trực thăng xuất phát từ chiếc Tỉnh Cương Sơn. Cuộc tập trận trải dài trong nhiều ngày, trong đó lực lượng đổ bộ đã ghé qua tất cả các đảo mà Trung Quốc đã giành được ở Trường Sa, trong đó có các đảo/đá đánh chiếm của Việt Nam cách đây 25 năm.
Thông tin về vụ tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn xuất hiện trong vùng James Shoal tối hôm 26/03 đã khuấy động giới chức quân sự trong khu vực. Một tùy viên quân sự theo dõi sát tình hình đánh giá rằng đó quả là một hành động phô trương chủ quyền khiến ai cũng phải bàn tán.
Đối với quan sát viên này : « Trường Sa là một chuyện, nhưng thị uy tại khu vực James Shoal lại là một chuyện khác hẳn. Một lần nữa Trung Quốc cho thấy là họ không ngại ngùng gì trong việc gởi một thông điệp đến cả vùng Đông Nam Á, trong năm mà Brunei làm chủ tịch ASEAN »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét