Nguyên Thảo (VnEconomy) – Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 đã hỗ trợ mỗi cháu học sinh đang học tại các trường miền núi 120 nghìn đồng/tháng ăn trưa. Hơn một năm sau, thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành quyết định vẫn chưa có.
Ảnh Thanh Hải
Chiều 22/3 vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Lê Minh Thông đã nhắc đến một số bức thư ngỏ mà theo lời ông là đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Tác giả các bức thư này chính là TS. Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt” dành cho trẻ em vùng cao, một chương trình thiện nguyện được bắt đầu khi ông Tuấn tận mắt chứng kiến cảnh đói ăn thiếu mặc của hàng nghìn trẻ em tuổi mầm non.
Lý do khiến ông Tuấn phải viết đến hai lá thư là sự quá chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung quan trọng. Một là trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn…được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Hai là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo trong biên chế.
Thế nhưng, sau hơn một năm quyết định nói trên có hiệu lực, thông tư hướng dẫn vẫn… chưa có. Bởi thế, theo lời ông Tuấn thì “hàng chục vạn bé mầm non 3-4 tuổi, cả hơn chục vạn giáo viên mầm non diện hợp đồng lao động vẫn khắc khoải “sống để yêu thương” với đồng lương ngang bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu”.
Trả lời chất vấn về “trách nhiệm của Bộ trưởng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chậm trễ thi hành quyết định của Thủ tướng và giải pháp nào để đẩy nhanh việc này” của đại biểu Thông, ông Luận giải thích, vì đây là thông tư liên bộ (bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), nên “nó có những nội dung khó khăn phức tạp, nhưng để chậm như vậy thì nó là một thiếu sót”. Bộ trưởng thừa nhận như vậy, song ông cũng không nói đến khi nào “thiếu sót” này sẽ được khắc phục.
Ông Luận cũng cho hay, cách đây hai tuần khi họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về cải cách hành chính, ông đã đề nghị cơ chế phân công soạn thảo văn bản sắp tới nên giao cho một cơ quan chủ trì quyết định, còn phối hợp với ai thì tuỳ bộ đó, nếu nhầm, nếu sai, nếu thiếu thì cơ quan chủ trì sẽ chịu trách nhiệm. Ông cũng không quên nhấn mạnh việc “không ai phải chịu trách nhiệm” nếu vẫn duy trì cơ chế phối hợp như hiện tại.
Có lẽ vì tin là quá khó, nên cũng không vị đại diện cho dân nào “truy” tiếp là đến bao giờ sẽ có thông tư, và nguyên nhân chính của sự chậm trễ hiện đang nằm ở bộ nào. Vì cho dù có đến ba bộ phối hợp, thì vẫn có địa chỉ rõ ràng chứ đâu phải vô danh.
Tuy nhiên, sau giờ giải lao của phiên chất vấn, Bộ trưởng Luận bỗng “xin bổ sung thêm” là thông tư để thực hiện Quyết định 60 đã được ban hành cách đây hai tuần.
Như vậy, có giả thiết đặt ra là do không trực tiếp ký thông tư nên Bộ trưởng không biết là thông tư này đã được ban hành trước phiên chất vấn tới hai tuần? Bởi, đó lẽ ra phải là thông tin đầu tiên được ông khẳng định khi đại biểu chất vấn về giải pháp để đẩy nhanh việc thi hành Quyết định 60.
Cho dù là thế, hay vì lý do lòng vòng ba bộ như ông giải thích, thì câu hỏi được ông Tuấn viết trong bức thư thứ hai là “dẫu để ra thông tư hướng dẫn thì phải thương thuyết với nhiều ngành, nhưng chậm trễ đến thế có quá vô tình không?”, không phải là không có lý.
Câu hỏi về sự “vô tình” với công việc “cha chung không ai khóc” càng được xoáy sâu hơn khi theo dõi tiếp phần trả lời chất vấn sau đó của vị “tư lệnh” ngành giáo dục. Khi đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Luận cho biết mô hình trường thực nghiệm do GS. Hồ Ngọc Đại đã khởi xướng có áp dụng được trong thực tiễn giáo dục hay không?
Ở câu trả lời, Bộ trưởng Luận đánh giá đây là mô hình tốt, nhưng vướng luật, song chính ông đã quyết định cho áp dụng chương trình này ở 35 tỉnh.
“Khi tôi ký rồi, GS. Đại hỏi tôi: anh không sợ à? Tôi bảo, em cũng sợ, nhưng em cũng làm đúng điều Bác Hồ dạy, việc gì có lợi cho dân thì khó cũng cố làm, cố làm xem sao!”, ông Luận kể.
Đến đây, có lẽ chữ “vô tình” không nên chỉ xuất hiện ở câu hỏi dành riêng cho Bộ trưởng Luận. Bởi rõ ràng, việc “vượt rào” để triển khai một công việc do mình ông chịu trách nhiệm, dù “sợ” nhưng có lợi cho cái chung ông vẫn làm. Còn việc cùng ngồi lại để ra được thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng phải chờ đến hơn một năm trời đằng đẵng. Chỉ đến khi thư ngỏ của ông Tuấn được các phương tiện thông tin đăng tải mới “góp phần thúc đẩy các bộ, ngành khẩn trương khắc phục sự chậm trễ này”, như chính thừa nhận tại phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến ông Tuấn.
Và, có lẽ cũng cần thêm một câu hỏi nữa, nếu ông Tuấn không quyết liệt đến mức “xin phép hai tuần một lần trao đổi tiếp với Bộ trưởng” cho đến khi thông tư nói trên ra đời, thì sự “vô tình” sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét