Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Biển Đông “tiên hạ thủ vi cường”?


Trung Quốc tăng tốc “xâm lược Đông”


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) – Nhớ lại hồi năm ngoái – Sau hơn 20 năm “Nhà nước, đảng ta” lãnh hội sâu sắc “bài học” hữu nghị thắm thiết từ “đồng chí” Trung Quốc, hào phóng tung hàng chục sư đoàn “giáo viên” cầm “bút, viết AK 47” vượt Bắc biên giới vào nước ta “dạy học”. Với kết quả, gần 100.000 “học sinh” quân, dân ta dọc các tỉnh biên giới sau khi “học thuộc lòng” xác bỏ lại, còn hồn thì kéo nhau xếp hàng vào lăng Ba Đình trả bài cùng “Bác” xin tá túc vì không ai thờ tự giỗ quảy.
Không biết có phải để kỷ niệm “học kỳ” đáng nhớ ấy không mà ngày 10/7/2012 – Phó Thủ Tướng “nhà nước đảng ta” Nguyễn Thiện Nhân chủ tọa Đại Hội đại biểu toàn quốc, qui tụ đại diện hội “yêu Trung Quốc” !? khắp các tỉnh thành về tham dự và lên kế hoạch triển khai “nhớ ơn TQ” cụ thể, tích cực trong “5 năm liền” Công tác “tri ân” ấy nó kéo dài liên tục “sẽ tổ chức các hoạt động tri ân các cá nhân, tổ chức và địa phương Trung Quốc, xuyên suốt trong 5 năm, sau đại hội này…(Lời PTT/Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong Hội Nghị ).
Rồi sau đó tới phiên Bộ quốc Phòng, ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng, nối gót tổ chức đại hội cho “quân dân VN nhớ ơn sâu sắc quân dân TQ” ?.
Chắc là quá thắm thiết “mặn mà, sâu nặng” như Biển Đông nên chưa giáp năm nó đã thi nhau nở “hoa” trên vùng biển nhà, (lúc trước cũng thường xuyên “nở” nhưng còn thưa) từ đầu năm đến nay tầng xuất dày hơn, từ hoa “rượt đuổi” cho hết xăng dầu, hoa hữu nghị phun “vòi rồng nước” cho ghe tàu ngư dân ta bơm ra tốn xăng dầu, không kịp thở, đến hoa “hải tặc” hành hung, tịch thu, phá hoại ngư cụ, giờ đây như “mãn khai” xuất hiện nở ra “hoa súng” ….
28-1, Tàu QNg 96679TS và tàu QNg 55535TS khi đang khai thác thủy sản gần đảo Đá Lồi đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 787 bắn thẳng vào cabin làm vỡ hai tấm kính, 23-3 tàu QNg 94590TS -17-3, tàu QNg 96399TS Ngày 13-3, tàu QNg 96417TS và tàu QNg 96382TS 11-3.(rượt đuổi tịch thu ngư cụ)
Mới nhất. Ngày 26-3, “hoa súng hữu nghị nở” trên tàu QNg 96382 của ngư dân Bùi Văn Phải (28 tuổi, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngải) Đạn súng tàu Trung Quốc bắn cháy cabin, suýt chết, khi đang hành nghề trên biển thuộc ngư trường truyền thống Hoàng Sa của VN.
Tàu QNg 96382 bị bắn “cháy nóc” của ngư dân Bùi Văn Phải
Đặc biệt từ đầu năm 2012 đế nay tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng cường độ, hung hăng, táo tợn và ngang ngược như “hải tặc”, không những gây hấn cướp cá, cướp nhiên liệu, phương tiện mà còn dùng vũ khí bắn phá tàu thuyền đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Nước đã thực sự “đổ lai láng” từ lâu rồi chứ không phải là “tràn ly”. Trung Quốc và VN chưa có xung đột vũ trang, nhưng Trung Quốc đã công khai sử dụng vũ khí với ngư dân VN hành nghề lương thiện, không có một tiền lệ trên biển nào như vậy. Thậm chí cho dù có tuyên bố chiến tranh thì các quốc gia cũng không được cố ý dùng vũ lực để gây nguy hiểm với dân thường của nhau (công pháp qui ước chiến tranh LHQ).
Điều tệ hại là: Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng về vụ căng thẳng mới nhất trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Trước các phóng viên hôm thứ Ba ngày 26/3, ông Patrick Ventrell phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: “Chúng tôi cực lực phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Nam,” ông Ventrell nói.
Thì trong nước: Báo Tiền Phong “nhà nước, đảng ta” hôm Chủ Nhật đã đưa tin tàu cá của ngư dân Quảng Ngải bị tàu Trung Quốc đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại đảo Hoàng Sa nhưng sau đó một ngày bài đã bị gỡ xuống?
Trong khi đó Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn tuyên bố việc tấn công các tàu cá Quảng Ngải tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN là việc làm hoàn toàn “chính đáng”. Bất chấp luật pháp quốc tế, ông Hồng Lỗi còn ngang ngược nói: “Các hành động của Trung Quốc là cần thiết và chính đáng. Dựa vào việc kiểm tra của các bên liên quan, lúc xảy ra vụ việc Trung Quốc không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho tàu cá VN”. ?? (Tân Hoa xã)
Không chỉ “ngang ngược”, mà trước đó TQ còn “bất thường” tăng cường hàng loạt tàu quân sự hiện đại dưới sắc màu “hải giám”, vũ trang “khủng” vào tuần tra biển Đông, có lúc gần vào lãnh hải đảo Trường Sa Việt Nam khiến “nhà nước, đảng ta” cũng “lạnh cẳng” phải điều động chiến đấu cơ SU-30MK2 từ sân bay Phan Rang ra tuần tra không phận Trường Sa.
Trên vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản cũng gay gắt không kém, máy bay thám sát và tàu ngư giám thường xuyên áp sát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) có lúc nhiệt độ “ngoại giao” trên đất liền và ngoài mặt biển như “nóng lên”.
Điều gì khiến “Đại Hán” gia tăng phương tiện, tầng suất và cường độ bạo lực trên hai vùng biển đảo tiếp giáp lãnh hải, nhưng không thuộc chủ quyền của mình như vậy ?
Trong mọi động thái “hành binh”, nếu không vì huấn luyện hay kiểm tra kỹ thuật phương tiện thì chắc chắn phải tiềm ẩn che giấu đâu đó là mục đích chiến thuật hay chiến lược quân sự nào đấy.
Hơn thập niên trước, Chính Phủ và quân đội Mỹ như phải “phân thây” nhiều mảnh, theo đuổi, đối phó, với nhiều sự kiện bức thiết “hao tài tốn của” rất lớn (Iraq, Afghanistan, Binladen,khủng bố quốc tế …v.v…) cộng với suy thoái kinh tế EU và chính trong nước Mỹ làm cho gánh nặng nợ nần tài chính như trói tay tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài (Bộ QuốcPhòng) – Nếu các quốc gia giàu có đồng minh vùng Vịnh cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản không chìa vai gánh vác đóng góp một phần “quân phí” thì Mỹ rất khó khăn để duy trì cái “ô răn đe quân sự” tại vùng Vịnh và Liên minh Mỹ Nhật Hàn.
Trong bối cảnh “quốc tế” đó “Đại Hán Trung Quốc” lạc quan cho rằng “gió đã xoay chiều” tình thế đã “việt vị” khả năng của quyền lực quân sự Mỹ trên thế giới. Nhờ bán rẻ sức lao động hàng tỷ người TQ cho Tư Bản nhập nội, tạo ra thặng dư ngoại hối gần 3 ngàn tỷ USD – Đại Hán “rung đùi” Vạch ra một kế hoạch 3 giai đoạn với tham vọng bành trướng “bá chủ thiên hạ” một phần lớn Châu lục quanh mình, trước khi chồm tay ra “toàn phần” thế giới, với ngân sách quốc phòng gia tăng hàng năm “tiềm ẩn” những con số làm “tái mặt” Mỹ và các quốc gia xung quanh Đại Hán, cứ thế mà vô tư “Đại Hán” diễn võ dương oai, thậm chí còn “cảnh cáo” Mỹ không nên “xía vào” Châu Lục, khu vực “như trời đã định” cho Đại Hán bằng các bản đồ “dự kiến” rất thực dân, quân phiệt :
Tham vọng dự kiến từng giai đoạn của Trung Quốc
Tuy nhiên, châm ngôn “gốc” của Đại Hán cũng có câu “ Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”, chỉ trong một thời gian ngắn những dữ liệu không do tại Thiên mà là “tại nhân” dưới đây đã đe dọa trực tiếp “khát vọng” của Đại Hán có mòi thành “ảo vọng”.

Dầu khí: ai nắm trong tay sẽ thắng.

Vài năm trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2016, Trung Quốc có thể sẽ vọt lên trở thành nền kinh tế có GDP lớn nhất thế giới. Nhưng bất ngờ đầu năm 2013 vừa qua, một số nhà tư vấn đầu tư Mỹ đã dự báo Mỹ đang khôi phục kinh tế và sẽ giữ vững vị trí quán quân của mình nhờ vào “hệ thống kỷ thuật khoan tìm dầu mỏ thế hệ mới” đã phát hiện ra những nguồn dầu khí khổng lồ trong nội địa Mỹ và khẩn trương bắt đầu khai thác.
Đột biến ấy dẫn đến điều gọi là “Re-made in America” (tạm dịch “sản xuất trở lại tại Mỹ”). Những mỏ dầu khí mới này không chỉ có trữ lượng khổng lồ, tỉ như mỏ Bakken với 167 tỉ thùng, tương đương lượng dầu tiêu thụ tại Mỹ trong một thế kỷ (với mức tiêu thụ hiện nay)… mà còn là những “mỏ công ăn việc làm” mới! Như mỏ Eagle Ford sẽ chắc chắn cung cấp 66 triệu thùng dầu và 48.000 chỗ làm mới. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu năng lượng đặt tại Washington, trữ lượng các mỏ dầu mới này là 1.000 tỉ thùng, (gấp bốn lần trữ lượng dầu của Saudi Arabia). (1)
Byron King, chủ bút chuyên san đầu tư Outstanding Investments, mới đây cũng hoan hỉ loan báo: “Hãy sẵn sàng cho một kỷ nguyên thịnh vượng mới đưa nước Mỹ trở lại đỉnh cao!”. Theo Byron King, đã qua rồi thời mà, theo một số người, nước Mỹ bị chôn sống trong gánh nợ, chìm lỉm suốt trong khó khăn và nạn thất nghiệp! Nay “giấc mơ Mỹ không chỉ còn đó mà còn có thể sớm sáng rực hơn bao giờ”. (2)
Vẫn còn hơi sớm để khẳng định (CP Mỹ coi đây là dữ liệu “khép kín” của quốc gia) song cũng có thể xác minh về các nguồn trữ lượng mới này nơi Bộ Năng lượng Mỹ, cụ thể là bản điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 5-2- 2013 vừa qua. Từ đó có thể thấy Trung Quốc thật sự khát khao dầu khí (trong khi Mỹ có thể sẽ dư thừa) hơn Mỹ trong 5 năm tới từ đó hiểu thêm tại sao Trung Quốc lại quá khát vọng làm chủ biển Đông (không hề đơn giản). Con đường trở thành “đệ nhất siêu cường” còn gập ghềnh, lắm chông gai, mà nếu “phiêu lưu” có khi “Đại Hán” sẽ trả giá vì lạc lối.
Không chỉ có vậy:

Mỹ thử thành công vũ khí khủng nhất thế giới

Phát ngôn bộ quốc phòng và của công ty Lockheed Martin thông báo đã thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser cỡ nhỏ (phiên bản ADAM (Area Defense Anti-Munitions) dùng để tiêu diệt 1 tên lửa ở khoảng cách 1,6 km trong vòng 3s… Khi đến khoảng cách khoảng từ 1,5 – 1,6 km tia Laze công suất 10 kW được phát ra quét từ một máy phát ở xa – Hệ thống được thử nghiệm từ đầu tháng 8/2012. Trong quá trình thử nghiệm, ADAM đã chính xác tiêu diệt máy bay UAV ở cự ly 1,5 km và 4 tên lữa ở cự ly gần 2 km.
Khi phát triển hoàn thiện qui mô lên công suất cao và rộng với tia Laze di chuyển quét linh hoạt như “Ra Đa” tìm mục tiêu thì đây là một thứ vũ khí tấn công lẫn phòng thủ “rất khủng” bằng tia laser mà Ngũ Giác Đài lao tâm khổ tứ theo đuổi gần 2 thập niên qua. (3)
1) – Hình ảnh đốm sáng trên quả tên lửa chính là chỗ tia Laze được 1 máy phát công suất lớn cách đó 1,6 km quét vào.
2) – Quá trình phá hủy từng phần của quả tên lửa bởi tia Laze công suất cao
3) – Quá trình nổ tung của quả tên lửa từ khi bị tia Laze công suất cao quét vào chỉ mất có 3s.
 

Và cũng mới đây, sát sườn Trung Quốc:

Đại Hán rúng động vì Công Xưởng quốc gia Nhật Bản, bàn giao cho Hải Quân nước này tàu ngầm AIP thứ 5.
Ngày 08/03 vừa qua, “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc đã đăng tải một thông tin “khiến nhiều người kinh ngạc” về tốc độ chóng mặt của Nhật trong lĩnh vực đóng tàu ngầm cực kỳ hiện đại kiểu AIP tối tân nhất hiện nay. Các tàu ngầm sử dụng công nghệ động lực AIP có tác dụng giảm bộc lộ radar của bức xạ tần số âm của động cơ và độ rung chấn nên cơ bản không cần ngói cách âm toàn thân. Hiện nay, ngoài Mỹ ra chỉ có vài nước như: Nhật, Đức, Pháp, Nga và Thụy Điển mới làm chủ được công nghệ này, các nước Australia và Ấn Độ cũng đang từng bước học hỏi hoặc tham gia các chương trình chế tạo liên hợp. Riêng Trung Quốc thì chưa có khả năng, đang dọ dẫm tiếp cận.
 Tàu ngầm AIP thứ 5 (505) Hải Quân Nhật Bản
 
Lễ Bàng Giao Tàu ngầm AIP
Tàu ngầm số hiệu 505 lớp “Soryu” từ nhà máy đóng tàu Kobe, trực thuộc công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries). Trong buổi lễ, đã tiến hành lễ trao quân kỳ cho chiếc tàu ngầm thứ 5 lớp “Soryu” này, nó cũng là chiếc tàu ngầm kiểu AIP thứ 5 mà Nhật Bản tự đóng (thứ tự từ 501 – 505).
Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định: “Hải quân Nhật có kế hoạch sản xuất 10 chiếc” và dự kiến đến năm 2015, Nhật sẽ có đủ 10 tàu ngầm loại này đưa khả năng “tác chiến ngầm” lên một tầm cao mới. Nhật giữ rất kín thông tin về số lượng các nhà máy Nhật Bản tham gia vào hạng mục tàu ngầm này và cũng không ai biết thực lực của mỗi nhà máy đến đâu nên kế hoạch này tưởng như là không tưởng trong tương lai gần, cho đế bất ngờ hôm nay.(4)
Hai mươi ngày sau (26/3). Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản tiếp nhận thêm hai máy bay tuần tra chống tàu ngầm “P-1” thế hệ mới, tiên tiên nhất thế giới hiện nay (khắc tinh của tàu ngầm, vì kỹ thuật “truy lùng” hiệu quả từ trên không của nó). Theo dự kiến, chúng sẽ được triển khai ở Căn cứ Không quân Atsugi, Quận Kanagawa, hoạt động vào cuối tháng này.
 
Phi cơ chống tàu ngầm “ P-1”
Chạy đua vũ trang như sức hút trong một vòng xoáy, mà các đối tượng liên quan khó cưỡng nằm ngoài quỷ đạo. Hơn nữa việc đóng mới một tàu ngầm “tối tân” không thể một sớm một chiều (thời gian “chạy thử ” đánh giá kỷ thuật và tác chiến vũ khí, thử nghiệm ở nhiều điều kiện khác nhau ngoài đại dương đã từ 1 đến 2 năm) Ngân sách rộng rãi, Trung Quốc không muốn là khách hàng chậm chân sau cùng, khi mình chưa có khã năng sản xuất.

Trung Quốc xác nhận: Mua vũ khí cao cấp của Nga.

Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc (china.org.cn) ngày 26/3 xác nhận Trung Quốc đã đồng ý mua 24 máy bay Su-35 và bốn tàu ngầm lớp Lada của Nga. Các hợp đồng mua bán này nằm trong khuôn khổ những hợp đồng mua bán vũ khí mà Trung Quốc và Nga đã ký kết không lâu trước chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga hôm 24/3. Vụ mua bán này đã khiến truyền thông và các nước trong khu vực quan tâm. Phía Trung Quốc cho rằng phản ứng trên là không cần thiết bởi vụ mua bán này không nhằm trực tiếp vào bất cứ nước thứ ba nào?
Tuy nhiên: Dẫn tin từ Cơ quan hợp tác quân sự-kỹ thuật Liên bang Nga, hãng thông tấn ITAR-TASS chiều 25/3 đã bác bỏ tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng Bắc Kinh vừa ký thỏa thuận mua số lượng lớn vũ khí của Mátxcơva gồm 24 máy bay tiêm kích chiến đấu Su-35 cùng 4 tàu ngầm (AIP). ITAR-TASS khẳng định trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã không ký bất kỳ hiệp định nào liên quan đến việc Mátxcơva bán cho Bắc Kinh vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại, kể cả máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm loại Lada. Thậm chí, hai bên đã không hề đề cập đến các vấn đề mua bán vũ khí hoặc hợp tác sản xuất vũ khí giữa Nga và Trung Quốc trong chuyến thăm Mátxcơva của ông Tập Cận Bình từ hôm 22-24/3 vừa qua. (5)
Không biết đó có phải là trò ảo thuật “sở đoản, lẫn trường” tung hứng cho một mục đích “ru ngủ hay đánh thức” địch thủ nào đó của người mua kẻ bán hay không ?
Khái quát các dữ kiện nói trên, cho thấy Đại Hán “nóng lòng” không muốn sớm phải đối đầu với Mỹ và đồng minh đang trên đà phục hồi “sức khỏe” nên tăng tốc thay đổi “chiến lược” trên biển Đông và Hoa Đông từ sách lược “Tầm ăn dâu” lấy áp lực kinh tế tài chính kết hợp ưu thế quân sự trước đây, thì nay chuyển sang “chiến thuật” ưu tiên quân sự để “Tiên hạ thủ vi cường” tránh cái “Hậu thủ vi tai ương” – (Ra tay trước đặt chuyện đã rồi, dành được lợi thế, trở thành kẻ mạnh, ra tay sau sẽ nhận thua thiệt vì bị đối đầu (Tôn Tử binh pháp). Như vừa qua, tăng cường độ, tuần tra tàu chiến, hung hăng, táo tợn và ngang ngược như “hải tặc” hành hung, bắn phá tàu thuyền ngư dân chúng ta và đôi khi … có thể phiêu lưu, thò cái lưỡi bò liếm luôn đảo Trường Sa của chúng ta ?
Điều này là không loại trừ khi một sự kiện “rất mới” làm “chấn động” khu vực Asean và các chuyên gia “chiến lược” quốc tế.

Trung Quốc “tăng tốc xâm lược Biển Đông ”.

Sự kiện ngày 26/3/2013
Ngày 26/3/2013. Lực lượng Hải quân Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện một cuộc tập trận đổ bộ ở bãi Bãi cạn James nằm trên thềm lục địa của đảo Borneo cách lãnh thổ Bintulu của Malaysia chỉ 80 km về phía tây bắc, nhưng cách cực nam đất liền Trung Quốc đến 1.800 km về phía nam. (rất gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam)
Trang báo mạng chính thức People’s Daily ngày 27/3/2013 đưa tin, đội tàu chiến tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu khu trục lớn Lanzhou, hai tàu khu trục nhỏ Yulin và Hengshui cùng với tàu đổ bộ Jinggangshan. Đây là những tàu thuộc dạng hiện đại nhất và có khả năng nhất của Hải quân Trung Quốc. Ngoài các tàu chiến còn có tàu thủy đệm khí, trực thăng, chiến đấu cơ và cả máy bay ném bom tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ diễn ra hôm 26/3 ở bãi cạn James. Vị trí: Nam đông nam là 2.385 m, chiều rộng là 1.380 m với tổng diện tích khoảng 2,12 km².ở phía nam biển Đông. Là nơi dự đoán rất giàu tài nguyên, ước tính có tổng trữ lượng dầu và khí từ 12 đến 13 tỉ tấn. (Wikipedia).
Những bức ảnh ghi lại cuộc tập trận cho thấy, tàu thủy đệm khí xuất phát từ tàu đổ bộ Jinggangshan cùng với những binh lính được trang bị áo phao vũ khí đổ bộ lên bờ biển một cách qui mô như tình huống thật.
Bãi cạn san hô (màu đỏ) cách Malaysia 80 km – cách TQ 1800 km
 
Tàu chiến Lanzhou và tàu đổ bộ TQ
Chính vì thời gian khó khăn tài chính bó tay quốc gia và “kình ngư Mỹ” không còn nhiều – Trong khi vị trí và trữ lượng, dầu, khí “khổng lồ” tìm ẩn ở bãi Bãi cạn James (và Biển Đông) rất hấp dẫn đã làm “Đại Hán” mờ mắt liều lĩnh tin vào ưu thế quân sự tài chính nhất thời “cả vú lấp miệng Asean” trong lúc này nên ra “chân” phiêu lưu như kẻ “cướp cạn” đặt “cục gạch” chủ quyền ở một nơi cách mình tới 1800 km so với cách đất liền Malaysia chỉ có 80 km, bởi nếu làm chủ, cộng “sức khoẻ tài chính” Đại Hán có thể khai thác chủ động được một nguồn “máu” quan trọng cho mình, trong tầm tay có thể “bảo vệ” được trên Biển Đông bằng thực lực hải quân, còn an toàn và “dễ thở” hơn rất nhiều so với tốn tiền mua từ vạn dặm lại phải di chuyển qua cái “cổng hẹp” eo biển Malacca hiện do hải quân Mỹ và Singapore lập “trạm kiểm soát” trước khi về đến nhà !
Cục diện mới này như tấm gương phản chiếu cho CSVN thấy, bất chấp tất cả mọi “định luật” hổ tương, tưởng như là bất biến khách quan thông thường trong cộng đồng văn minh quốc tế, “đồng chí CSVN” chẳng là cái “giẻ rách” gì dưới mắt “Đại Hán” một khi biển đảo chủ quyền là công cụ bàn đạp tối thượng cần thiết cho tham vọng của kẻ “bành trướng”.
Không như Philipines, dù quốc gia “nhỏ yếu” vẫn can đảm tự tin cương quyết kiên định tới cùng “lôi” Trung Quốc ra trước Tòa Án Trọng Tài và công luận quốc thế về tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.
Có thể Philipines không đạt được những yêu cầu mong đợi, nhưng chính việc đuối lý “từ chối không dám tham dự phiên tòa” sẽ đánh bại, làm “bẩn thỉu ” tư cách và uy tín của Đại Hán một cường quốc thành viên thường trực thứ 5 LHQ và lộ ra cái bản chất “bành trướng”, không thể là tấm gương nhân cách đạo đức của một quốc gia “lớn” văn minh thời đại dưới mắt cộng đồng Quốc Tế – và tất nhiên chân lý và lẽ phải thuộc về Philipines, đó là chiến thuật thông minh xuất sắc hợp lý, dựa vào công lý và công luận quốc tế đồng thuận hậu thuẫn. Mà vì nhiều lẽ, Đại Hán sẽ “ngần ngại” hơn khi muốn tiếp tục “bắt nạt”.
Trong khi chế độ CSVN (một nhóm nhỏ thôi trong 87 triệu dân) mà quyền lực kèm quyền lợi vật chất như một chất “ma túy” ăn sâu, thắm vào máu thịt họ, không dứt ra được để phải tự nguyện cuối đầu “hèn nhát” không dám sử dụng “sách lược” nhân cách dũng cảm ấy cho đất nước dân tộc mình? Họ – (nhóm người CS ấy) – chỉ muốn quốc gia Rồng Tiên Âu Lạc này giá trị như là một món đồ “phế thải” nằm trong góc “kho” của Đại Hán, chứ không như là món hàng “chính qui” Philipines tuy không “đắt” nhưng Đại Hán đôi khi muốn mua, không chắc người bán (Philipines) chịu “gật đầu”.
Không biết “nhà nước, đảng ta” có nên tổ chức một hai cái “Đại Hội Hữu Nghị hoành tráng”: Toàn dân, quân ta cầm cờ 6 sao tỏ lòng “Nhớ ơn Trung Quốc kịch liệt, cụ thể tích cực” kéo dài “5 năm” như ngài Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã sâu sát chỉ đạo để mong Đại Hán vì tình “hữu nghị 4 tốt 16 vàng” mà chừa chút đỉnh “ao nhà” cho dân ta còn có chỗ “bắt con còng, vớt con tép” làm mắm, dằm cơm!?.

Không có nhận xét nào: