Quốc Phương
bbcvietnamese.com
Người nhà ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nói họ tin rằng việc tòa án xét xử "công bằng" đối với hai ông và những người thân trong vụ án cũng là một phương cách để "cứu Đảng" và "cứu nhà nước trong "tình hình khó khăn" hiện nay.
Ngay trước phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày mai 02-5/4/2013, bàBấmPhạm Thị Hiền, em dâu ông Đoàn Văn Vươn cho BBC hay gia đình đã "sẵn sàng" từ một năm qua cho vụ xử.
Bà Hiền nói gia đình mong muốn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, trong đó có người dân, các tổ chức phi chính phủ, nhân quyền quốc tế, trong và ngoài nước, tiếp tục "lên tiếng bảo vệ những người dân như chúng tôi," điều mà bà cho là cũng để "cứu nhà nước cũng như đảng cộng sản Việt Nam".Bà nói sẽ có tám luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong gia đình ông Vươn, đồng thời cho hay các luật sư và gia đình đã "thống nhất quan điểm" khẳng định rằng các bị cáo "không có tội" trong vụ phản kháng chống cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 05/1/2012.
"Nếu vụ án của gia đình chúng tôi mà giải quyết một cách thỏa đáng, thì nhà nước Việt Nam sẽ chứng tỏ rằng đất nước Việt Nam là một đất nước văn minh, nhân đạo"
Bà Phạm Thị Hiền
Bà nói việc này "là cứu gia đình chúng tôi và cũng chính là cứu nhà nước Việt Nam cũng như Đảng cộng sản Việt Nam, trong thời khắc khó khăn nhất này, chúng tôi cho là thế."
"Bởi vì nếu vụ án của gia đình chúng tôi mà giải quyết một cách thỏa đáng, thì nhà nước Việt Nam sẽ chứng tỏ rằng đất nước Việt Nam là một đất nước văn minh, nhân đạo và chúng tôi hy vọng Chính quyền Hải Phòng sẽ làm được điều đó."
Ngay sau vụ xử hải anh em ông Vươn và Quý cùng người thân, từ ngày 8-10/4, sẽ diễn ra phiên sơ thẩm xét xử các quan chức huyện Tiên Lãng với cáo buộc "phá hoại tài sản riêng công dân" khi huy động xe ủi ủi đổ ngôi nhà của gia đình ông Vươn được cho là nằm ngoài khu vực bị cưỡng chế.
Khi được hỏi gia đình có phản ứng gì khi vụ xử các quan chức được sắp xếp sau phiên tòa với ông Vươn, ông Quý, mà không phải là đồng thời hay thậm chí là trước, bà Hiền nói:
"Hai vụ án cái nào xử trước, cái nào xử sau, thì đối với gia đình chúng tôi không quan trọng... Bởi vì với điều nào, khoản nào, thì chúng tôi đều nắm chắc là chúng tôi vô tội. Dù rằng chúng tôi được xử trước hay xử sau, chúng tôi đều khẳng định là chúng tôi vô tội."
Bà nói thêm: "Chúng tôi chỉ mong sao xử đúng người, đúng tội thôi và chúng tôi sẽ đi theo con đường ấy nên chúng tôi không quan tâm vụ nào xử trước, hay xử sau."
'Phải xử người ra lệnh'
Tuy nhiên trao đổi với BBC cũng hôm 31/3, luật sư BấmTrần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội, nói với BBC ông tin rằng giữa hai vụ xử này có tương quan nhất định:
Ông nói: "Vụ xử đó cũng là một tương quan với vụ Đoàn Văn Vươn... Và vụ đó xử những người thừa hành mệnh lệnh của các ông lãnh đạo thành phố Hải Phòng thôi. Cho nên tại sao lại không xử những ông đó mà lại chỉ xử những người thừa hành?"
Luật sư Thuận cho rằng những người có trách nhiệm ra lệnh cao nhất ở chính quyền Thành phố Hải Phòng chưa bị đưa ra tòa và giải thích:
"Nếu xử ông Đoàn Văn Vươn thật nặng theo tinh thần cáo trạng thì những người kia sẽ bị xử rất nhẹ. Còn nếu Đoàn Văn Vươn mà xử nhẹ, thậm chí là không có tội, thì những người kia sẽ bị xử nặng hơn"
Luật sư Trần Quốc Thuận
"Những người đó theo đúng nghĩa là những người thi hành công vụ, vì họ làm theo lệnh của bên trên. Nhưng không thấy xử những người ra lệnh đó mà chỉ xử những người hành động."
Về bản án mà tòa có thể tuyên với các bị cáo là quan chức, luật sư Thuận nói: "Họ có thể suy rằng những người thi hành công vụ đó vượt quá quy định, hoặc vượt quá lệnh mà họ đã ban ra."
Khi được hỏi về trình tự, tương quan giữa kết quả của hai vụ xử, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội nói:
"Nếu xử ông Đoàn Văn Vươn thật nặng theo tinh thần cáo trạng thì những người kia (quan chức Hải Phòng) sẽ bị xử rất nhẹ. Còn nếu Đoàn Văn Vươn mà xử nhẹ, thậm chí là không có tội, thì những người kia sẽ bị xử nặng hơn."
Cuối cùng, ông cho nhận định đây là "vụ án điểm" và có thể đã có "duyệt án", "chỉ đạo" từ cấp cao mà kết quả sẽ không thay đổi nếu có các phiên phúc thẩm.
'Anh hùng nông dân'
Hôm Chủ Nhật, tại nhà thờ Thái Hà thuộc dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội, đã diễn ra buổi lễ hiệp thông, thắp nến cầu nguyện cho ông Đoàn Văn Vươn và các bị cáo là người thân trong gia đình của ông.
Tại buổi lễ có các biểu ngữ được trưng lên nói: "Công lý – Sự thật cho Đoàn Văn Vươn,” "Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người”, “Quyền tư hữu về đất đai phải được tôn trọng”.
Trước Thánh lễ, theo tường trình trên một số trang blog, một văn bản của Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Công Lý hòa bình và Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã được đọc cho những người dự lễ nghe.
Một số thông điệp và tin nhắn trên mạng xã hội trong dịp cuối tuần còn phát đi lời kêu gọi cộng đồng ủng hộ người mà họ cho là "anh hùng nông dân" Đoàn Văn Vươn.
Tại buổi lễ cầu nguyện tối hôm 31/3, ngoài thân mẫu ông Đoàn Văn Vươn, trong số giáo dân và cử tọa tham dự, còn có sự hiện diện của một số trí thức, nhân sỹ như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, bà Lê Hiền Đức, Giáo sư Ngô Đức Thọ, TS. Nguyễn Xuân Diện, blogger Nguyễn Tường Thụy, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của ông Cù Huy Hà Vũ, và nhiều nhân vật khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét