Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước vừa được công bố sáng 11/6 tại Quốc hội không gây bất ngờ, với toàn bộ 47 vị được bầu quá bán nhưng có tác dụng 'như một lời cảnh báo', qua lời một đại biểu quốc hội.
Trong số các nhân vật được dư luận quan tâm nhiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội.
"Tuy chưa có vị nào rơi vào hoàn cảnh dẫn tới phải có những bước xử lý tiếp theo, nhưng tôi cho rằng nó cũng có tính cảnh báo và vượt qua cái ngưỡng lâu nay," ông Quốc nói.Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 11/6, đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc nhận xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là một sự 'cảnh báo' với giới lãnh đạo.
Ba loại khác nhau
Các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, người vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị 7 tháng trước, đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 372 phiếu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đạt số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là 209 phiếu.
Tuy nhiên, số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của ông Bình vẫn là 88 (17,67%) và 194 (38,96%), cộng lại là 56,63%, quá bán.
Phát biểu sau khi nghị quyết về kết quả lấy phiếu được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: "Kết quả cuối cùng rất tốt”.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được 210 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp.
Như vậy, trên 30% số đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho ông.
Con số này dường như có liên quan trực tiếp tới công tác điều hành kinh tế của ông Dũng trong thời gian vừa qua, mà nhiều chỉ trích gia cho rằng "có vấn đề".
Chỉ số tín nhiệm cao thấp và hệ quả chính trị của nó còn chưa rõ, nhưng với việc các vị lãnh đạo đều 'quá bán' số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm, có thể khẳng định không có ai phải ra đi sau cuộc bầu tín nhiệm lần này.
Theo kết quả được công bố, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao, 133 phiếu tín nhiệm và 28 phiếu tín nhiệm thấp trong tổng số 492 đại biểu có mặt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được 328 tín nhiệm cao, 139 tín nhiệm và 25 tín nhiệm thấp.
Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thứ hai sau Thống đốc Bình là Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận với 117 phiếu. Trong 492 phiếu bầu hợp lệ chỉ có 86 phiếu tín nhiệm cao, 229 phiếu tín nhiệm dành cho ông Luận.
Cần rút kinh nghiệm
Nhận định về kỳ bỏ phiếu tín nhiệm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Kết quả chung phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tư pháp của đất nước".
"Nhìn chung, cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khách quan”, ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên ông cũng cho đây chỉ là bước đầu, "cơ sở để các lần sau rút kinh nghiệm khi tiến hành quy trình này ở các cấp hội đồng nhân dân".
"Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp là đòi hỏi nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao," Chủ tịch Quốc hội chốt lại.
Vẫn theo đại biểu Dương Trung Quốc, nói về bối cảnh của cuộc bỏ phiếu ở Việt Nam:
"Các nhà lãnh đạo thì thường rất ít khi bị đem ra đánh giá ... Chắc chắn là với xu thế này, những lần sau kết quả sẽ tiếp cận với thực tế nhiều hơn nữa,"
"Tôi nghĩ rằng kết quả của tác động cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo là có hiệu ứng," ông nói.
Một ý kiến khác của Cựu đại biểu Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở đầu cho các thay đổi trong tương lai.
"Quá trình dân chủ hóa cũng phải dần dần. Tôi không thấy có chuyện gì tiêu cực trong việc này cả," ông Dũng nói với BBC qua điện thoại.
"Lần đầu làm tất nhiên cũng chưa đủ điều kiện rút kinh nghiệm. Dần dần các đại biểu Quốc hội sẽ nâng cao ý thức hơn và sẽ đổi mới hơn nữa."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét