Hàng trăm người Khmer gốc Nam bộ tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới nhằm đòi Việt Nam trả tự do cho nhà sư và người dân bị bắt ở tỉnh Sóc Trăng.
Hàng trăm sư sãi tham dự lễ kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam. |
Kỷ niệm ngày Pháp bàn giao Nam Kỳ cho Việt Nam
Hàng năm, cứ đến ngày 4 tháng 6, tổ chức Liên minh Khmer Kampuchia-Krom (KKF) vận động các sư sãi và người Khmer gốc Nam bộ làm lễ kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam (4/6/1949).
Năm nay, cộng đồng sắc tộc Khmer Krom ở các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc và Pháp cùng nhiều nước khác ở Châu Âu đều tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam.
Còn các sư sãi và người dân Khmer Krom đang sống ở Campuchia thì tổ chức lễ kỷ niệm ở ngoại ô Phnom Penh do 12 tổ chức bảo vệ nhân quyền Khmer Krom khởi xướng. Các tổ chức này cho rằng người Khmer Krom ở Việt Nam không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, đất đai bị tịch thu, phân biệt đối xử và hạn chế quyền tự do tôn giáo, khiến nhiều sư sãi và người dân bất mãn.
Chính vì sợ chính quyền địa phương bắt, một số sư sãi và nhà hoạt động đấu tranh vì đất đai và tôn giáo sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long sang lánh nạn ở Campuchia. Những người này thường bị chính quyền Việt Nam cáo buộc hoạt động cho tổ chức KKF có trụ sở chính ở Hoa Kỳ.
Ông Thạch Sêtha, Giám đốc Hiệp hội Cộng đồng Khmer Kampuchia-Krom, Trưởng Ủy ban lễ kỷ niệm này nói các hoạt động tuyên truyền và cuộc gặp gỡ của cộng đồng Khmer Krom tại Campuchia là để chia sẻ thông tin, giáo dục, ôn lại lịch sử và tuyên truyền những hình ảnh chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân lương thiện, đặc biệt là sự can thiệp vào nội bộ Phật giáo Nam tông Khmer.
Còn Giám đốc của tổ chức Nhân quyền và Phát triển Khmer Krom tại Campuchia là ông Sơn Chum Chuôn cho biết: “Có khoảng 1.000 người tham gia lễ kỷ niệm hôm nay. Mục đích chính là muốn các nước trên thế giới biết ngày 4/6 là ngày lịch sử của Khmer Krom-Pháp chuyển giao Nam Kỳ cho Việt Nam. Thứ hai, là muốn thể hiện sự tôn trọng đến người dân và sư sãi đã hy sinh vì sự nghiệp đất nước.
Cuộc lễ của mình hôm nay, đã có một thỉnh nguyện thư gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh đòi chính phủ Việt Nam trả tự do cho các vị sư sãi bị bắt bỏ tù ở Việt Nam.”
Người Khmer Krom đòi quyền tự do tôn giáo
Cộng đồng sắc tộc Khmer Krom thể hiện sự giận dữ sau khi công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước liên tiếp buộc xuất tu đối với vị sư là Lý Chanh Đa hồi ngày 16/5. Sư Thạch Thươl, Liêu Ny và hai thanh niên khác bị bắt giam từ ngày 20/5.
Người phát ngôn Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia là ông Lê Minh Ngọc từ chối trả lời liên quan những cáo buộc trên. Trước đó, ông Ngọc khẳng định với RFA rằng chính phủ Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do cơ bản của công dân. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Còn thông tin nói Việt Nam đàn áp người Khmer Krom, phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền là những thông tin thiếu cơ sở.
Cùng ngày 4/6, có hơn 200 vị sư và người dân Khmer Krom tham gia biểu tình trước Đại sứu quán Việt Nam và Pháp tại Úc. Trưởng đoàn biểu tình là ông Lâm Tha cho biết từ trước Đại sứ quán Pháp ở Úc: “Cuộc biểu tình hôm nay huy động khoảng hơn 250 người đang biểu tình trước Tòa đại sứ Pháp để thỉnh nguyện đơn xin chính phủ Pháp can thiệp về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Thứ hai, là trả tự do cho các vị sư bị bắt giam.
Theo thông tin xác định từ chùa Preay Chóp, sư Lý Chanh Đa, Liêu Ny, Thạch Thươl và hai phật tử bị ép tội liên lạc Liên minh Khmer Kampuchia-Krom. Đây là cớ để áp bức, đàn áp các tu sĩ. Hiện nay, sư Liêu Ny, Thạch Thươl và hai thanh niên đã mất tích.”
Tuy nhiên, ông Huỳnh Giáp Ngọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng khẳng định công an Việt Nam không bắt sư sãi.
Ông Huỳnh Giáp Ngọ: “Đảng và Nhà nước rất tôn trọng tự do tín ngưỡng và sẵn sàng tạo điều kiện cho các hoạt động của tôn giáo đúng theo luật pháp CHXHCNVN. Đối với các công dân ở nước CHXHCNVN thì phải tuân thủ luật pháp CHXHCNVN. Nếu có vi phạm, thì căn cứ vào luật pháp điều mấy, khoảng mấy có quy định rõ để xử lý.
Tôi thì không nắm cụ thể, nhưng tôi biết chắc Nhà nước không bao giờ bắt nhà sư. Tức là những công dân vi phạm, còn nhà sư thì có tôn giáo Phật giáo của họ xử lý trong nội bộ. Còn riêng chính quyền mình thì không bao giờ đi bắt đối tượng đó. Pháp luật có quy định cụ thể, nếu vi phạm pháp luật thì xử lý đúng theo pháp luật.”
Trong nhiều năm qua, những hoạt động chống Việt Nam gần như là đồng thuận chung của đảng phái chính trị đối lập tại Campuchia, nhất là vào những dịp tranh cử. Hiện nay tổ chức KKF được Đảng Cứu Quốc ủng hộ về mặt tinh thần. Sở dĩ có sự đồng thuận này là vì muốn cộng đồng Khmer Nam bộ hưởng được quyền tự do đầy đủ, sống trong chế độ dân chủ.
Các dân biểu thuộc đảng đối lập đến tham dự cùng cộng đồng Khmer Krom đã tỏ ra quan tâm đến số phận của người Khmer Krom sống dưới chế độ Cộng sản Việt Nam. Họ nói thông điệp của các hoạt động tuyên truyền và gặp gỡ là muốn được quốc tế can thiệp chính phủ Việt Nam nhưng không phải vận động đòi sát nhập lãnh thổ vào Campuchia.
Cộng đồng người Khmer tại miền Nam hiện nay khoảng 1,5 triệu người, đa số sinh sống trên lãnh thổ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre và Tây Ninh. Số còn lại sinh trú và lập nghiệp quanh Sài Gòn và Bình Dương.
Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét