Pages

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp


photo1-305
Buổi điều trần mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” tại Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 4/6/2013.
RFA PHOTO
Vũ Hoàng – RFA
Chiều nay thứ Ba ngày 4/6, tại Quốc Hội Hoa Kỳ vừa diễn ra buổi điều trần mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” về nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ.

Điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ

Cùng trong chương trình Ngày Vận Động cho Nhân Quyền Việt Nam, hôm 4/6, hàng trăm người Mỹ gốc Việt từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ tụ tập về thủ đô Washington DC để lên tiếng với các vị dân biểu của tiểu bang mình, nhằm thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ cần có trách nhiệm hơn để cải thiện tình hình dân chủ, nhân quyền cũng như tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Trước khi buổi điều trần chính thức diễn ra vào buổi chiều, từ 10 giờ sáng, một chương trình khác mang tên “Gặp mặt Việt Nam – Hoa Kỳ” cũng được tổ chức tại Quốc hội, do Ủy ban Đối ngoại và Hội nghị Hạ viện Đảng Cộng hòa đứng ra chủ trì. Tại đây, một số vị dân biểu từ các tiểu bang như Texas, New Jersey, Nebraska, Virginia đều có mặt để gửi lời chào đến những người Mỹ gốc Việt đang tụ họp về thủ đô Washington.
Buổi gặp mặt diễn ra trong bầu không khí thân thiện với những lời hứa hẹn của các vị dân cử trước cộng đồng người Việt rằng họ sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình, rằng họ sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp lý cho người Việt đang sinh sống trên mảnh đất Hoa Kỳ cũng như những ý nguyện mà cộng đồng người Việt tại đây muốn cải thiện tình hình dân chủ và nhân quyền cho đồng bào trong nước.
Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã có nhiều những phiên tòa chính trị xét xử, 40 người, hơn tất cả những phiên tòa xét xử hồi năm ngoái, với một lý do đơn giản là tự do ngôn luận.
-DB Ed Royce
Ngay sau khi cuộc gặp mặt kết thúc vào lúc 11.30 phút, chúng tôi đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, là dân biểu Ed Royce và được ông cho biết suy nghĩ của mình như sau:
“Mối quan ngại của chúng tôi là Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) đã đúng khi cho rằng chính phủ Việt Nam đã không làm những gì lẽ ra phải làm trên mọi mức độ, đó là tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến, tự do tôn giáo; tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng trên tất cả mọi lĩnh vực này Việt Nam đều không thi hành những gì họ đã cam kết. Chẳng hạn như, chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã có nhiều những phiên tòa chính trị xét xử, 40 người, hơn tất cả những phiên tòa xét xử hồi năm ngoái, với một lý do đơn giản là tự do ngôn luận. Rõ ràng đây không phải là một bước tiến, mà đây là một điều quan ngại.”

Gia tăng đàn áp

20130604_154724-250
Ông John Sifton phát biểu tại Buổi điều trần mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” tại Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 4/6/2013. RFA PHOTO.
Vào lúc 2.30 phút chiều, buổi điều trần chính thức mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp”khai mạc, chủ tọa là Dân biểu Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Trong phần phát biểu của mình, một lần nữa D.B Smith cho rằng kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia đã có nhiều tiến triển, thế nhưng tình hình nhân quyền tại Việt Nam lại không cải thiện, ông cho rằng, trong khi Hoa Kỳ củng cố hơn vị thế thương mại của Việt Nam, thì Chính phủ Việt Nam lại tiếp tục vi phạm những quyền căn bản của con người trên diện rộng.
Đặc biệt, ông nhắc tới phúc trình mới nhất của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về Tình Hình Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ban hành hôm 20/5, trong đó đã không đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC), ông kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ cần phải thực hiện điều này, đồng thời, vị chủ tịch cũng phản đối việc xét duyệt Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ với việc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.
Ngay sau phần phát biểu của ông Smith là hai phần trình bày của các vị dân biểu Lowenthal và Meadows, cả hai vị đều tập trung về mối quan hệ phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ với vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Các vị cho rằng Hoa Kỳ cần tiếp tục cam kết cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, cần yêu cầu Việt Nam đáp ứng chặt chẽ hơn nữa các nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường, chặn đứng nạn buôn người, dừng việc thu hồi đất đai trái phép, đảm bảo tự do ngôn luận, thông tin, hội họp…cho người dân. Hai vị dân biểu này đều cho rằng Hoa Kỳ phải đặt vấn đề nhân quyền trên bàn cân khi thương thảo với Việt Nam về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra.
Thông điệp hôm nay tôi muốn gửi tới Chính quyền Obama là liệu họ sẽ tiếp tục đối thoại với Việt Nam trong bao lâu nữa, lúc nào họ sẽ dừng lại và có những đàm phán cứng rắn hơn.
-Ô. John Sifton
Phía nhân chứng trong cuộc điều trần bao gồm một số gương mặt quen thuộc như Cựu dân biểu Joseph Cao Quang Ánh, T.S Nguyễn Đình Thắng của tổ chức PBSOS, Giám đốc Vận Động, ban Á Châu của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) ông John Sifton, ngoài ra là bà Holly Ngô, nạn nhân của một vụ trưng thu đất tại Việt Nam trước đây và Đức Danh Tol, nạn nhân của một vụ đàn áp tôn giáo.
Trong phần trao đổi với đài ACTD, T.S Nguyễn Đình Thắng cho rằng có hai nội dung cần phải nêu bật đối với tiểu ban đặc trách vấn đề nhân quyền của Hạ viện Hoa Kỳ:
“Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng đi lùi vì một trong các lý do là hành pháp Hoa Kỳ đã lên tiếng nhiều nhưng sự lên tiếng không đi đôi với hành động cụ thể. Nội dung thứ hai, chúng tôi kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ, vì lý do đó, cần phải tham dự vào để xem những luật hiện hành liệu hành pháp có thực hiện đúng đắn hay không, thứ hai, cần phải đưa ra thêm những luật mới để có những phương tiện, nhắm thẳng vào Việt Nam, chứ không phải chung của thế giới.”
Tuy nhiên, một vấn đề khá mới được đưa ra trong buổi điều trần lần này là vấn đề đất đai của Việt Nam, từ luật đất đai quy định Nhà nước là chủ sở hữu, cho đến việc trưng thu đất đai bất hợp lý cũng như vấn đề sở hữu nhà và bất động sản của những người Việt rời khỏi Việt Nam sau năm 1975:
20130604_114703-250
Các vị đại biểu tham dự Buổi điều trần mang tên “Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” tại Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 4/6/2013. RFA PHOTO.
“Mối nguy cận kề là cuối tháng 9 năm nay, nông dân VN sẽ bị mất đất đai hàng loạt vì quyền sử dụng đất ruộng chỉ có 20 năm mà thôi, nó khởi sự từ tháng 10/1993, nghĩa là hết tháng 9 năm nay 2013, mọi đất ruộng sẽ phải phân bổ lần nữa. Chúng tôi muốn để quốc hội Hoa Kỳ biết là chính sách của Việt Nam là quốc hữu hóa tất cả đất đai, thu hồi đất đai hoàn toàn tùy tiện, nhiều khi là mục đích đàn áp tôn giáo hoặc lòng tham của các giới chức cao cấp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các công dân Hoa Kỳ vì khi Chính quyền Việt Nam quản lý và sử dụng tài sản của công dân Việt Nam bỏ nước ra, lúc đó, họ chưa quốc hữu hóa ngay mà mãi nhiều năm sau, 2003 mới có luật quốc hữu hóa, lúc này, nhiều chủ nhân của các tài sản đó đã trở thành công dân Hoa Kỳ.”
Trước khi buổi điều trần kết thúc là bài phát biểu của ông John Sifton, trong đó, ông có nêu ra một vài điểm cơ bản như chỉ trong vài tháng đầu năm 2013, tại Việt Nam, các phiên tòa chính trị kết án nhiều người hơn cả số bị kết án trong toàn năm 2012, xu hướng cho thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tội tệ. Đồng thời, ông Sifton cũng tin tưởng rằng để hối thúc Việt Nam thay đổi và cải thiện vấn đề nhân quyền thì các cuộc đối thoại về hợp tác thương mại hay đối tác chiến lược quân sự sẽ là những công cụ mà Hoa Kỳ cần phải sử dụng.
Ông Sifton nhận xét:
“Thông điệp hôm nay tôi muốn gửi tới Chính quyền Obama là liệu họ sẽ tiếp tục đối thoại với Việt Nam trong bao lâu nữa, lúc nào họ sẽ dừng lại và có những đàm phán cứng rắn hơn, cho Việt Nam hiểu rằng như thế là đủ rồi, Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục đàm phán về thương mại, không tiếp tục thảo luận về đối tác chiến lược quân sự chừng nào Việt Nam còn không cải thiện về nhân quyền. Một điều đơn giản là chính quyền Hoa Kỳ cần phải biết nói “thế là đủ rồi đó.”
Được biết, buổi điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào sáng ngày 5/6, trong đó, các vị dân biểu của phiên điều trần ngày 4/6 sẽ có nhiều thông tin hơn, đặt ra được những câu hỏi kỹ càng hơn trước Quốc hội Hoa Kỳ với sự chứng kiến của 2 giới chức bộ Ngoại giao, nhằm thẩm định rõ ràng hơn và chính xác hơn về tình hình nhân quyền, tôn giáo và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: