Nguyễn Văn Huy
Gửi đến BBC từ Paris, Pháp
Tin Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ngày 01/09/2013 đã là một chấn động lớn đối với những người mến mộ ông.
Nhưng sau hai ngày theo dõi phản ứng của Phật tử và tiếp xúc với các chức sắc trong giáo hội, ngày 04/09, Hòa thượng Thích Quảng Độ cho biết ông chấp nhận tiếp tục lãnh đạo Giáo hội, sau khi chỉnh đốn lại thành phần nhân sự Văn phòng II Viện Hóa Đạo.
Đây là một tin mừng cho giới tăng ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vì, theo Thông cáo báo chí ngày 05/09, "cuộc vận động Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn chưa thành, lãnh thổ lãnh hải bị ngoại nhân xâm chiếm, nhân tâm ly tán, phân hóa, đồng bào trong nước sống cảnh đói nghèo, thiếu tự do, nhân quyền, chế độ độc tài toàn trị vẫn còn thống trị, để van nài Ngài trở lại lèo lái con thuyền Giáo hội trên phong ba bão táp".
Nhưng rõ ràng đây là một thông điệp chính trị. Thông cáo báo chí này để lộ những khó khăn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang gặp phải. Người thuyền trưởng không thể rời bỏ con tàu đang giữa phong ba bão táp.
Tất cả những vấn nạn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang gặp phải là chỗ đó: đạo và đời là hai lãnh vực rất khó tách rời nhau trong sinh hoạt của hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Sự gắn bó của Phật giáo giữa đạo và đời không phải mới đây, quan hệ này đã xuất hiện ngay từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam.
Được du nhập vào miền Bắc Việt Nam (vùng Bắc Ninh hiện nay) cách đây hơn 2000 năm, đạo Phật đã được những thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ truyền bá rộng rãi trong chốn dân gian.
Thời đó dân chúng Việt gọi Đức Phật là Bụt (Buddha), trong khi người Trung Hoa gọi là Phật Đà (Buddha phát âm theo tiếng Hán, đọc ngắn lại là Phật); cách phát âm của hai phụ âm B (Việt) và Ph (Hoa) rất giống nhau. Ngày nay Bụt chỉ còn được nhắc tới trong những truyện kể dân gian, trong khi Phật được phổ biến rộng rãi trong kinh điển và chốn thị thành.
Dưới thời Bắc thuộc, khi Phật giáo Đại thừa được đưa vào miền Bắc, danh xưng Bụt bị biến mất nhường chỗ cho danh xưng Phật. Cùng thời gian đó, hai tín ngưỡng khác cũng được người Hán đưa vào miền Bắc: Khổng giáo và Lão giáo.
Khổng giáo là một triết lý cầm quyền thể hiện qua phương pháp tu thân tề gia, trị quốc và bình thiên hạ của người quân tử, trong khi Lão giáo là một triết lý sống thuận với trời đất qua tu luyện của từng cá nhân. Từ đó, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo từ đó trở thành ba tôn giáo bám sâu vào sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt.
Mặc dù xuất hiện từ lâu đời, đạo Phật chỉ lưu hành trong giới dân gian trong khi, ngược lại, giai cấp cầm quyền lấy Khổng giáo làm kim chỉ nam hành động. Sự tách biệt này không phải vì giáo lý đạo Phật mà vì triết lý thực dụng của đạo Khổng.
Về Lão giáo, do không nắm vững triết lý Đạo (Con đường), nghĩa là sống thuận với trời đất và thiên nhiên để tìm sự bình an trong tâm hồn, những phương pháp tu luyện trở thành huyền bí dành riêng cho những phái đạo gia khí công, hay biến cải thành những giải thích siêu nhiên (tử vi, phong thủy…) dành cho quần chúng.
Phát triển
Đạo Phật chỉ thực sự phát triển và thịnh vượng dưới thời nhà Lý (1009-1225), trở thành tôn giáo chính của triều đình, giai cấp tăng lữ trở thành công bộc của triều đình và được hưởng bổng lộc như những công thần.
Sang thời nhà Trần (1225-1428), giai cấp tăng lữ tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong xã hội, nhà chùa có ruộng đất riêng và nô tì riêng.
Nhưng khi tiếp cận với quyền lợi và cuộc sống xa hoa, giới tăng lữ xa rời đạo lý và xử sự như người trần tục, hai đại thần Lê Quát và Trương Hán Siêu đã nhiều lần phê phán gay gắt giới tăng ni và khi quân Champa tiến công vào Thăng Long, giới sư sãi cũng bị đôn quân đánh giặc như dân thường.
Năm 1396, sau khi khống chế nhà Trần, Hồ Quý Ly áp dụng nhiều chính sách thuận với Khổng giáo nhằm loại bỏ ảnh hưởng của đạo Phật ra khỏi cung đình, những sư sãi bị sa thải lui về ở ẩn trong các chùa chiền làng xã xa xôi để tránh nạn.
Ngược lại, trong dân gian, những sinh hoạt của Phật giáo đã trở thành nếp sống văn hóa chung của người Việt, như tụng kinh, thờ cúng, bố thí, trai đàn (cầu siêu), phóng sinh, ăn chay…
Dưới thời hậu Lê (1427-1789), ảnh hưởng của Phật giáo bị loại hẳn khỏi chốn cung đình và trở thành một tôn giáo dân gian, với những cái hay và cái dở của nó.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) chính thức lấy Khổng giáo làm quốc học và tình trạng này kéo dài cho đến hết thời Pháp thuộc (1884-1945), nghĩa là trong suốt thời nhà Nguyễn (1802-1883).
Một sự kiện cần được nhắc tới là trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1775), đặc biệt là dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1777), đạo Phật ở xứ Đàng Trong được tôn vinh trở lại.
Nhiều chùa chiền lớn đã được xây dựng, một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như chùa Linh Mụ, chùa Từ Đàm (Huế), chùa Sùng Hóa (Phú Vang)… Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) còn cho người sang Trung Hoa thỉnh bộ Đại tạng kinh, xây Tàng kinh lâu để bảo quản.
Trong giai đoạn này, nhiều tăng sư Đại thừa đã trực tiếp từ Trung Hoa vào Đàng Trong giảng kinh, nhiều tổ đình được thành lập. Một cách vô tình, Huế trở thành tổ đình, trung tâm sinh hoạt của đạo Phật trong suốt thời nhà Nguyễn.
Dưới thời Pháp thuộc, vì Phật giáo được coi là một tôn giáo dân gian, chính quyền thực dân Pháp đã để dân chúng Việt sống đạo một cách bình thường.
Đạo Phật được xếp vào hạng hội đoàn văn hóa và chỉ bị chi phối bởi Luật hội đoàn 1901.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét