HÀ NỘI (NV) - Trong bối cảnh công quỹ kiệt quệ, kinh tế suy thoái, chính quyền Việt Nam vừa đưa ra hàng loạt tuyên bố, kế hoạch để hút vốn đầu tư nước ngoài. Hồi thượng tuần tháng này, chính quyền Việt Nam loan báo sẽ sớm cho phép giới đầu tư nước ngoài sở hữu 60% vốn của các công ty cổ phần.
Theo tuyên bố của Bộ Tài Chính Việt Nam, cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ được chào bán trong năm nay. (Hình:Getty Images) |
Trước đây, vào năm 2000, lúc thị trường chứng khoán tại Việt Nam bắt đầu vận hành, Việt Nam chỉ cho phép giới đầu tư nước ngoài được sở hữu 30% vốn của các công ty cổ phần.
Ðến năm 2006, tỷ lệ này được nâng lên thành 49%.
Kế đó, vào giữa tuần này, Bộ Tài Chính Việt Nam loan báo, trong năm 2014, sẽ phát hành cổ phiếu của một số tập đoàn nhà nước như: Vietnam Airlines, Vinatex (tổng công ty dệt may), Viglacera (tổng công ty sản xuất vật liệu xây dựng),... Cũng theo Bộ Tài Chính Việt Nam, chính quyền Việt Nam dự trù sẽ bán phần vốn mà nhà nước đang nắm giữ trong các công ty cổ phần.
Báo chí Việt Nam còn loan báo, thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu 11 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc quyền quản lý của Bộ Giao Thông Vận Tải phải sớm hoàn tất tiến trình cổ phần hóa và đưa cổ phiếu ra bán trên thị trường.
Tất cả những diễn biến vừa kể được giải thích như nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế vốn thường xuyên bị chỉ trích là quá chậm chạp. Trong đó có cả việc nhận vốn và để giới đầu tư nước ngoài tham dự vào những lĩnh vực mà trước nay nhà nước vẫn độc quyền.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một viên chức trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam cho biết, chính phủ Việt Nam đã quyết tâm hơn trong việc cải cách khối DNNN.
Có vẻ như chính quyền Việt Nam đã thật sự thấm đòn sau khi tìm đủ cách bảo vệ “vai trò chủ đạo” của “kinh tế nhà nước”, kể cả đưa yếu tố này vào Hiến Pháp mới.
Các thống kê công bố vào cuối năm ngoái xác định, tổng số nợ xấu và nợ cần cơ cấu lại của hệ thống DNNN tại Việt Nam hiện là 73,000 tỷ đồng, tương đương 3.4 tỷ đô la.
Tại Diễn đàn Ðối tác Phát triển Việt Nam diễn ra hồi thượng tuần tháng trước, một viên Phó thủ tướng Việt Nam tên là Hoàng Trung Hải, khẳng định, từ nay đến 2020 sẽ loại bỏ khoảng 1.000 DNNN. Lộ trình giảm số lượng DNNN được xác định là giảm xuống còn 600 vào năm 2015 và đến 2020 sẽ chỉ giữ lại 300 DNNN.
Chính quyền Việt Nam còn tuyên bố sẽ thôi, không nắm giữ 100% vốn trong những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lương thực, chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên, quản lý bảo trì sân bay, bảo trì đường bộ. Ðồng thời sẽ rút phần lớn vốn ra khỏi các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, vận tải đường biển, đường sắt, hàng không, tài chính, tín dụng...
Tuy đó là những thay đổi đáng kể song một số chuyên gia kinh tế vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, cho rằng, chính quyền Việt Nam cần cho biết thêm là vị thế của DNNN độc quyền có thay đổi hay không, vì các doanh nghiệp này đang “báo hại nền kinh tế.”
Ông Nguyễn Ðình Cung, quyền viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, cho rằng, muốn giảm nhanh số lượng DNNN như lộ trình đã đề ra, chính quyền Việt Nam phải có giải pháp tháo gỡ những bế tắc trong kế hoạch cổ phần hóa, vì thực tế cho thấy, từ kế hoạch đến kết quả là một chặng đường nhiều chông gai.
Hồi hạ tuần tháng 11, Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam từng nhận định, hoạt động kém hiệu quả của DNNN là một trong những nguyên nhân chính khiến suy thoái kinh tế kéo dài.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2013, ủy ban này cho biết, tuy nắm giữ nhiều nguồn lực nhất song hiệu quả sử dụng tài sản của DNNN kém xa các khu vực kinh tế khác. DNNN phải sử dụng tới 2.2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1.2 đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1.5 đồng. Hai nguyên nhân chính khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả là quy mô quá lớn, trong khi mô hình quản lý có quá nhiều đầu mối và kém minh bạch.
Gần đây, trong cuộc trò chuyện với Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Ðầu Tư, nhấn mạnh, phải thay đổi hoạt động của các DNNN “theo hướng thị trường hóa.” Có nghĩa là phải tuân theo quy luật thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được tiếp cận nguồn lực quốc gia một cách công bằng, bình đẳng. Không thể phân bổ để rồi các DNNN chiếm hết. (G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét