Pages

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Mưu đồ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng qua thông điệp đầu năm

Võ Long Triều

Ðầu năm 2014, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phổ biến một thông điệp làm ngạc nhiên dư luận trong xứ và hải ngoại, đây là lần đầu tiên có thông điệp đầu năm trong một thể chế độc tài cộng sản. Thông thường chỉ có thông cáo kết quả Ðại Hội Ðảng hoặc Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng mới có thông báo chương trình, kế hoạch hành động của đảng trong tương lai.
Lần này không phải đảng mà chính thủ tướng chính phủ thông báo ý đồ và chủ trương hành động của nhà nước. Tuy nhiên, trong bản thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng có hai thứ ngôn ngữ và tư tưởng đối chọi nhau có thể nói là mâu thuẫn trầm trọng, gói ghém với kỹ thuật pha trộn vụng về giữa độc tài chuyên chính và dân chủ pháp trị.

Thoạt tiên ông Dũng quyết định, “Tập trung nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.” Ông Dũng viết, dân chủ là tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, mượn lời của HCM phát biểu khi đảng cần dối gạt, thuyết phục quần chúng rằng: “Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Ðảng ta đã khẳng định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.”
Ông Dũng còn nhấn mạnh rằng HCM đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Ðây là mối quan hệ giữa dân và kỷ cương.
Ông trích lời HCM viết: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng.” Từ đó ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Liền sau đó ông Dũng sợ bị cáo buộc chủ trương xóa bỏ độc tài đảng trị nên quay lại ca ngợi, “Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc Hội thông qua đã mở ra không gian hiến định để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.” Thực tế hiến pháp 2013 xác định độc tài độc đảng, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, quyền quản lý đất đai là của nhà nước. Dân chủ ở đâu? Pháp quyền chỗ nào?
Rồi ông Dũng lại viết tiếp: “Phải đổi mới thể chế, nhà nước phải bảo đảm quyền làm chủ thật sự của người dân, quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản... Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong kinh doanh... Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường.”
Ông còn đi xa hơn nữa: “Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập, kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật.”
Nếu thật sự chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng thực thi những điều ông viết trong thông điệp đầu năm thì không khác gì một quốc gia tự do dân chủ có tam quyền phân lập, có pháp quyền và pháp trị, có tự do kinh doanh trong chế độ kinh tế thị trường. Ngược hẳn với chế độ toàn trị của đảng và nhà nước mà ông đang nắm quyền thủ tướng.
Vậy thử hỏi, ông Nguyễn Tấn Dũng viết bản thông điệp này với mục đích gì?
Phải chăng là để phân chứng với quốc dân đồng bào rằng ông có tư tưởng tiến bộ, ông hiểu biết đà văn minh, tiến triển của nhân loại phải theo con đường dân chủ và công bình xã hội. Mọi sự độc tài, độc đảng, độc quyền, đều lỗi thời và bị nhân dân kết án. Hay là ông muốn để lại một sự tiếc rẻ nếu một mai ông bị phế thải vì tội tham nhũng hay vì yếu thế trong vụ tranh quyền? Hiện tại một trong số đàn em của ông là Dương Chí Dũng, tổng giám đốc Vinashin, bị án tử hình, đã khai trước tòa rằng Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang và Thứ Trưởng Công An Phạm Quý Ngọ, được thủ tướng phong hàm cách đây sáu tháng, đã nhận hối lộ nửa triệu Mỹ kim từ tay ông và còn nhiều lời khai khác nữa.
Theo nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng, người vừa bỏ đảng tịch cộng sản, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI thì lời khai của tử tội nói trên sẽ lôi kéo cấp cao hơn bộ trưởng. Người đó là ai? Tiến Sĩ Nguyễn Quang A trả lời BBC, cho rằng các phiên tòa xử hai anh em Dương Chí Dũng liên quan tới cuộc đấu tranh quyền lực chính trị ở Việt Nam.
Rồi đây sẽ đến “đại án” xử Nguyễn Ðức Kiên (Bầu Kiên), tổng giám đốc ngân hàng ABC, đã từng làm ăn với các cộng sự viên và con gái của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Phượng trong nhiều dự án lớn, kể cả các hoạt động sáp nhập ngành ngân hàng.
Trong tình huống này, ông Nguyễn Tấn Dũng phải hành động như thế nào? Một là ngồi yên chờ ông Nguyễn Bá Thanh, phó trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ Ðạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng, trưởng ban Nội Chính Trung Ương, tỉ mỉ khui đại án Vinashin rồi đến đại án Bầu Kiên lần ra từng chứng cớ dẫn đến ông Nguyễn Tấn Dũng, phải chịu trọng tội trước tòa. Ðó là cách thanh trừng nội bộ và tranh đoạt quyền hành trong đảng.
Hai là ông Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông tìm mưu thoát hiểm, lợi dụng thực quyền hiện tại của chính phủ do ông đứng đầu, tiên hạ thủ vi cường, làm một cuộc gọi là “cách mạng” hay “thanh toán đối thủ” hay “đoạt quyền” một cách êm thấm. Thực hiện tự do dân chủ theo ước nguyện của đại đa số quần chúng, ít ra là trong bước đầu để chạy tội cho bản thân, cho gia đình và phe cánh. Sau đó chắc chắn ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ cai trị bằng độc tài dưới chiêu bài dân chủ trá hình, theo gương của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, hết nhiệm kỳ tổng thống đến nhiệm kỳ thủ tướng rồi lại tổng thống, thay đổi với tay em trung thành của ông là Dmitry Medvedev. Ý nghĩ này chắc chắn ông Nguyễn Tấn Dũng đã nuôi mộng từ lâu khi quan sát tình hình Nga và Bắc Hàn, nên ông tìm mọi cách mua chuộc, nâng đỡ, phân phối chức vụ cho phe cánh, kể cả phong hàm cho tướng lãnh cao cấp chỉ thuộc quyền của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang mà ông Dũng đã có lần lạm quyền phong hàm cho nhiều tướng lãnh công an trong ngành của ông.
Ba là mưu đồ của ông Dũng bất thành. Sự tranh chấp quyền hành có thể làm bể đảng Cộng Sản Việt Nam. Bởi vì phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng không phải ít. Bằng cớ là cả Bộ Chính Trị Ðảng đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng kỷ luật ông, mà số đông trung ương ủy viên không chấp nhận. Vậy thì cho dù ông Nguyễn Tấn Dũng có bị loại trừ đi nữa, cuộc tranh chấp hãy còn ngấm ngầm cháy, làm suy yếu đảng, chờ cơ hội lật lại thế cờ. Cũng giống như cựu thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra, hay ông cựu Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi, dù đã mất chức hết quyền nhưng vẫn còn ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt chính trị do đàn em tiếp tục hành động.
Nếu là vận may của đất nước khiến sự đấu đá làm tan rã chế độ độc tài Cộng Sản đem lại tự do dân chủ cho dân tộc thì nguy cơ bị Trung Cộng Bắc thuộc có thể tránh được.
Hay là ông Nguyễn Tấn Dũng thành công đoạt quyền, thực hiện độc tài nhưng dù sao vẫn có đối lập, vẫn có đa đảng, vẫn có báo chí tư nhân, vẫn có kinh doanh cạnh tranh trong kinh tế thị trường, đất nước sẽ có được một bước tiến dần đến dân chủ thật sự.

Không có nhận xét nào: