Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Lập trường của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam về biểu tình ôn hòa


Xin quý thân hữu phổ biến giúp bài thể hiện lập trường này của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

Kính - Huỳnh Thục Vy

Hội PNNQVN đưa ra căn cứ ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa 

Liên Hiệp Quốc công nhận quyền biểu tình ôn hòa
Nhân quyền là những quyền căn bản, phổ quát và bất khả chuyển nhượng. Nó trải rộng trong nhiều lĩnh vực của Công pháp quốc tế và được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội. Là một hội đoàn dân sự quan sát và bảo vệ Nhân quyền, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nhận thấy trách nhiệm phải minh định lập trường của mình trong bối cảnh nhiều nhóm xã hội dân sự và nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang kêu gọi một cuộc biểu tình chống hành động xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc.

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc về việc "Thăng tiến và Bảo vệ Nhân quyền trong bối cảnh các cuộc biểu tình ôn hòa" thừa nhận thực tế hiển nhiên rằng: “các cuộc biểu tình ôn hòa có thể xảy ra trong mọi xã hội, bao gồm cả các cuộc biểu tình tự phát, đồng loạt, chưa được cho phép hoặc bị hạn chế”.

Quy định này đánh bại ngụy biện của chính quyền Việt Nam, với danh nghĩa là một thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, rằng họ có quyền đàn áp các cuộc biểu tình vì nó không được “cấp phép”. Theo quy định trên, sự đàn áp của chính quyền đối với bất cuộc biểu tình ôn hòa nào đều bị quốc tế xem là tùy tiện, dù chúng được cho phép hay không. Nghĩa là, miễn là cuộc biểu tình ôn hòa, chính quyền không được đàn áp nếu họ còn tự nhận mình là một quốc gia tôn trọng Nhân quyền.

Và Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng "tất cả mọi người phải được khiếu nại hoặc thể hiện nguyện vọng của mình một cách ôn hòa, ngay cả bằng các cuộc biểu tình công cộng mà không sợ bị trả thù hoặc bị đe dọa, bị thương, bị tấn công tình dục, bị đánh đập, bị bắt và giam giữ tùy tiện, bị tra tấn, bị giết hoặc bị mất tích”.

Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam khẳng định, biểu tình không chỉ là quyền chính đáng được công pháp quốc tế bảo vệ mà còn là động lực thúc đẩy “sự phát triển, vững mạnh và hiệu quả của các hệ thống dân chủ, cũng như đối với các thủ tục dân chủ” và chúng “không nên được xem như là mối đe dọa”.

Trong tình huống các lực lượng Trung Quốc đang ngang nhiên xâm chiếm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, việc người dân bày tỏ thái độ phản đối một cách ôn hòa giúp chính quyền hiểu rõ hơn nguyện vọng của họ, để từ đó điều chỉnh lại cho thích hợp và xứng đáng với tư cách những người quản lý quốc gia.

Nghị quyết này cũng ngăn chặn ngay từ đầu mọi thủ đoạn của các chính quyền độc tài nhằm cáo buộc các cuộc biểu tình ôn hòa là “bạo động” khi xảy ra những hành vi bạo lực lẻ tẻ. Ngụy biện này từ chính quyền có thể cho họ động lực mạnh mẽ để thực hiện âm mưu đưa nhân viên an ninh trà trộn vào các cuộc biểu tình để chụp cho nó cái mũ “bạo động”.

Nghị quyết nhắc nhở các chính quyền độc tài rằng “các hành vi bạo lực lẻ tẻ gây ra bởi những người khác trong quá trình biểu tình không tước mất quyền tự do hội họp, bày tỏ quan điểm và lập hội ôn hòa của các cá nhân ôn hòa”. Nghĩa là chính quyền không được câu lưu, tra tấn, thẩm vấn… bạn chỉ vì trong đoàn biểu tình mà bạn tham gia có một nhóm cá nhân sử dụng bạo lực và rằng, bạn chỉ chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình. Và mọi sự chụp mũ đều cho thấy sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính quyền.

Và như tất cả chúng ta đã biết, phụ nữ luôn là đối tượng dễ bị tổn thương trong những sự kiện nhạy cảm như biểu tình phản đối ngoại xâm hoặc phản đối chính phủ không hành động hiệu quả như thế này… Với điều kiện tâm lý và thể lý khác biệt với nam giới, phụ nữ là đối tượng cần sự quan tâm đặc biệt của công luận. Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng “kêu gọi các nước đặc biệt chú ý đến sự an toàn và sự bảo vệ phụ nữ và bảo vệ những người hoạt động nhân quyền là nữ giới khỏi các hành vi đe dọa, quấy rối, cũng như bạo lực giới tính, trong đó có tấn công tình dục”.

Với đối tượng trung tâm là phụ nữ, Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đặc biệt chú tâm và hoan nghênh nội dung này vì đặc tính nhạy cảm và vai trò quan trọng của nữ giới trong mọi xã hội, càng đáng lưu tâm hơn trong một xã hội hoàn toàn vắng mặt các giá trị Nhân quyền như Việt Nam. Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam cam kết theo dõi chặt chẽ các diễn biến của cuộc biểu tình ôn hòa sắp tới và sẽ lên tiếng bảo vệ các cá nhân bị đàn áp nếu có, đặc biệt là phụ nữ.

Do đó, chính quyền Việt Nam hãy cân nhắc về khả năng dùng lực lượng đông đảo và sức mạnh để đàn áp cuộc biểu tình này trên tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bởi các nguyên tắc Nhân quyền phổ quát được xác quyết bởi cả thế giới dân chủ, tiến bộ rằng bạo lực “không được sử dụng nếu chỉ đơn thuần để giải tán một cuộc tụ tập".

Các cuộc biểu tình ôn hòa dưới nhãn quan của Hội Phụ nữ Nhân quyền thuộc phạm trù Nhân quyền và thuộc phạm vi điều chỉnh của Công pháp quốc tế về Nhân quyền. Bất kể các cuộc biểu tình nhắm mục đích nào và có nội dung gì, miễn chúng có động cơ và được thực hiện bằng biện pháp ôn hòa, chúng tôi đều ủng hộ với tư cách những người phụ nữ bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam.

Trân trọng,

Ban điều hành

Huỳnh Thục Vy

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tao bày cho một cách để vn ko còn nhiều tệ nạn. Đó là đổi từ vựng tiếng việt vần "uyễn" bỏ dấu "~" để họ nguyễn thành " nguyên" thì dòng họ này sẽ tự hủy diệt. Vì vần này chỉ 1.