∇ Nghe Bài Này
|
Vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN đã tròn 1 tháng với diễn tiến căng thẳng ngày càng leo thang. Liệu rằng chiến tranh sẽ xảy ra giữa Trung Quốc và VN trong nay mai? Và người Việt hải ngoại sẽ trở về chiến đấu bảo vệ quê hương mình?
Việt Nam kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình?
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 31/5, Bộ Trưởng Quốc phòng VN-Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh quan hệ Việt-Trung vẫn phát triển tốt đẹp ngoại trừ vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đôi khi có những va chạm gây căng thẳng. Ông Phùng Quang Thanh viện dẫn “ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”. Trong bài phát biểu, người đứng đầu quân đội VN khẳng định Hà Nội vẫn kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan cũng như đàm phán để duy trì quan hệ hữu nghị giữa 2 nước.
Trong khi đó, trên thực tế, sau một tháng giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt tại khu vực biển cách đảo Lý Sơn 120 hải lý lại có những diễn tiến cho thấy tình hình căng thẳng tại biển Đông giữa VN và Trung Quốc không được lạc quan như nhìn nhận của đại diện phía VN.
Một ngày sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng VN ở Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, báo giới trong nước loan tin tàu Trung Quốc điên cuồng phun nước và đâm thủng tàu Cảnh sát biển VN. Ngày 2/6, Trung Quốc tăng cường thêm 4 máy bay chiến đấu đến bảo vệ giàn khoan HD 981 cùng với 120 tàu các loại, 4 tàu quân sự và 1 máy bay trinh sát quanh khu vực giàn khoan. Trước đó, các chính trị gia và chuyên gia quân sự ở trong nước như Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Mão hay Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định VN và Trung Quốc sẽ không để xảy ra chiến tranh nhưng qua các động thái ngày càng hung hăng của Bắc Kinh khiến nhiều người quan tâm, trong đó có cộng đồng người Việt hải ngoại, lo lắng cho 1 cuộc chiến tranh sẽ bùng nổ rất gần mà VN ở trong thế bị động.
Ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏiBộ trưởng Quốc phòng VN
Ông Hiền Nguyễn định cư tại Na Uy cho biết bản thân mình và nhiều người Việt khác trên khắp thế giới sẽ trở về bảo vệ quốc gia khi trả lời câu hỏi của đài ACTD nếu VN có chiến tranh. Ông Hiền Nguyễn nói:
“Tất nhiên chủ trương hòa bình là tốt nhất bởi vì nước mình cũng trải qua nhiều chiến tranh rồi nên không muốn mất mát đau thương. Nhưng mà mình chỉ có thể nhẫn nhịn tới một giới hạn nào đó thôi. Vì càng nhẫn nhịn thì xúc phạm tới lòng tự ái dân tộc nên không thể nhịn mãi để người ta đè đầu cưỡi cổ mình hoài được. Dù sức lực có thế nào thì mình cũng phải chiến đấu tới hơi thở cuối cùng”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định với truyền thông chắc chắn VN có đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo với tinh thần sẵn sàng chiến đấu của Không quân và Hải quân cùng với các khí cụ được trang bị như tàu ngầm Kilo, tàu chiến hiện đại cũng như lực lượng máy bay Su 30 MK2. Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng VN luôn đề cao giữ hòa khí và tinh thần hòa bình. Nhiều người Việt hải ngoại có cùng quan điểm với vị Thiếu tướng họ Lê, lập luận rằng VN đã trải qua chiến tranh quá dài nên không ai muốn chiến tranh lại xảy ra. Điểm khác biệt của họ với Thiếu tướng Lê Mã Lương là không có niềm tin quân đội VN có thể chống nổi lại thế lực quân sự hùng mạnh của Trung Quốc nhưng VN sẽ không “bại trận” vì tinh thần chống giặc ngoại xâm phương Bắc của ông cha vẫn chảy trong huyết quản của mình. Họ quả quyết sẽ trở về để giữ gìn giang san gấm vóc của tiền nhân dù phải chết. Một người Việt định cư ở Cộng Hòa Czech nói với đài ACTD:
“Quan điểm của tôi tức là nếu mình không gây chiến nhưng mà nó (Trung Quốc) cố tình gây chiến thì mình phải tự vệ. Mình không tự vệ thì mình chết. Nó giết cả dân tộc mình ngay. Năm nay tôi 53 tuổi rồi, tôi sẽ cầm súng để hy sinh ngay”.
Tất nhiên chủ trương hòa bình là tốt nhất bởi vì nước mình cũng trải qua nhiều chiến tranh rồi nên không muốn mất mát đau thương. Nhưng mà mình chỉ có thể nhẫn nhịn tới một giới hạn nào đó thôi. Vì càng nhẫn nhịn thì xúc phạm tới lòng tự ái dân tộc nên không thể nhịn mãiÔng Hiền Nguyễn (Na Uy)
Sẽ trở về khi VN tôn trọng quyền tự do dân chủ
Câu hỏi đặt ra một khi VN phải đối mặt bằng một cuộc chiến tự vệ trong trường hợp xấu nhất thì bao nhiêu người Việt hải ngoại sẽ trở về để bảo vệ Tổ quốc? Phần lớn người Việt ở nước ngoài mà đài RFA tiếp xúc cho rằng họ chắc chắn sẽ trở về chỉ khi nào những người đang nắm trong tay vận mệnh quốc gia ở Hà Nội phải thay đổi quan niệm tình hữu nghị “4 tốt-16 chữa vàng” với Bắc Kinh, Chính phủ VN phải tôn trọng quyền tự do dân chủ thực sự của người dân để cho họ làm chủ đất nước mình chứ không phải là những tuyên bố sáo rỗng “đại diện cho Nhân dân VN” của những lãnh đạo cấp cao, có toàn quyền định đoạt mọi sự. Ông Nguyễn Thế Hùng, định cư ở bang Arizona, Hoa Kỳ thiết tha lên tiếng với Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao VN:
“Đừng có chần chừ nữa Nguyễn Tấn Dũng ơi, Phạm Bình Minh ơi! Mấy người thủ cựu ở trong Đảng, hãy dẹp qua một bên đi! Anh cầm quyền, nắm trong tay quân đội với công an mà anh lại sợ những người thủ cựu đó sao?Anh dẹp ngay những người đó. Anh cho được tự do dân chủ và nhân quyền thì 4 triệu 500 ngàn người ở quốc ngoại và 90 triệu người trong nước họ sẽ ủng hộ anh đó”.
Phần lớn người Việt ở nước ngoài mà đài RFA tiếp xúc cho rằng họ chắc chắn sẽ trở về chỉ khi nào những người đang nắm trong tay vận mệnh quốc gia ở Hà Nội phải thay đổi quan niệm tình hữu nghị “4 tốt-16 chữa vàng” với Bắc Kinh, Chính phủ VN phải tôn trọng quyền tự do dân chủ thực sự của người dân
Cũng tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay, Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Chuck Hagel cho biết Washington kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng võ lực để tự khẳng định chủ quyền vì những hành động đó sẽ gây nguy hại cho ổn định và hòa bình. Đồng thời, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết hết lòng hỗ trợ cho VN và Philippines, 2 quốc gia đang bị Trung Quốc gây hấn. Và cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đã cất lên tiếng nói của họ về vận mệnh của quốc gia trong tình thế nguy biến.
Chính phủ VN sẽ lựa chọn giải pháp nào khi Trung Quốc không có biểu hiện gì tỏ ra sẽ rút giàn khoan theo như yêu cầu của Bộ Trưởng Quốc phòng VN và những người quan tâm đang nôn nóng chờ đợi quyết định của Hà Nội được công bố rõ ràng như Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định tại Đối thoại Shangri-La rằng "trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm hoặc gây hoài nghi cho dư luận.
"
"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét