Ngày 1-7, chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo nghị quyết của nội các về việc giải thích lại quyền tự vệ tập thể. Động thái này đã khiến Trung Quốc hết sức lo lắng.
Chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Nhật Bản Phùng Vĩ – giáo sư khoa lịch sử trường đại học Phục Đán (Fudan University) – khi tham gia “Diễn đàn cường quốc” do tờ “Nhân dân nhật báo” Trung Quốc tổ chức đã giải thích về những thắc mắc của độc giả nước này về vấn đề “Quyền tự vệ tập thể”.
Ông Phùng cho rằng, việc Nhật diễn giải lại quyền tự vệ tập thể sẽ mang đến mối đe dọa về chiến tranh, có thể Tokyo sẽ lấy lý do “Loại bỏ mối đe dọa cho nước Mỹ” để chủ động phát động tấn công nước khác. Về vấn đề Trung Quốc nên ứng phó với tình hình mới, sau khi Nhật gỡ bỏ điều cấm “Quyền tự vệ tập thể” như thế nào, vị giáo sư này đã có đề xuất 4 phương diện mà Bắc Kinh cần làm.
Ông Phùng Vĩ cho biết, cấm sử dụng “Quyền tự vệ tập thể” là nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi trong bản “Hiến pháp hòa bình” của Nhật Bản, căn cứ vào tình hình trong nước để đưa ra các quyết định về những chính sách lớn. Đây cũng là yếu tố cụ thể cấu thành chính sách cơ bản “Quốc phòng thiên về phòng thủ” hơn nửa thế kỷ qua của Tokyo.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, Tokyo bỏ điều cấm “Quyền tự vệ tập thể” là ý đồ sửa đổi “Hiến pháp hòa bình”, bước đột phá quan trọng về thể chế chính trị và chiến lược quân sự sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhật Bản giải thích lại quyền tự vệ tập thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cục diện châu Á-Thái Bình Dương.
Ông này cho biết thêm, Tokyo bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể có nghĩa là đã xóa bỏ quy định “không nổ súng trước”. Nhật Bản từng là nước theo chủ nghĩa quân phiệt, là cái nôi chính sách chiến tranh Viễn Đông, một trong những quốc gia “tội phạm chiến tranh” Thế chiến thứ 2. Vì vậy, bóng ma của chủ nghĩa quân phiệt hoàn toàn có thể “đội mồ sống dậy”.
Căn cứ vào chiến lược quay trở lại châu Á, thực hiện chiến lược tái cân bằng của Mỹ, hiện nay, Tokyo có thể xét thấy, đã đến lúc lấy lý do “loại bỏ mối đe dọa cho Mỹ” để phát động tấn công chủ động đối với quốc gia châu Á nào đó, chẳng hạn như tấn công tên lửa. Điều này cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn chiến tranh đã hiện rõ.
Tuy nhiên vị chuyên gia họ Phùng cũng nhấn mạnh, Mỹ đã công khai ủng hộ Nhật xóa bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể”, nhưng hai bên vẫn có thái độ dè chừng, Tokyo không thể quên sự kiện Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Washington cũng không thể quên sự kiện kinh hoàng ở Trân Châu cảng.
Vị giáo sư này cho rằng, hiện nay, giới chính trị Nhật Bản không có chính đảng nào đủ khả năng để đối trọng với Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền Nhật Bản. Đảng này ít có sự chia rẽ trong nội bộ, nên chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hầu như có thể làm bất cứ những gì họ muốn.
Vì vậy, xóa bỏ điều cấm “Quyền tự vệ tập thể” khó có thể dẫn đến sự chia rẽ trong giới chính trị Nhật Bản. Trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc nên đối phó như thế nào?
Vị chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Nhật Bản này đề xuất, Bắc Kinh nên đối phó với tình hình mới sau khi Tokyo xóa bỏ điều cấm “Quyền tự vệ tập thể” trong hiến pháp của nước này trên 4 phương diện, được dân mạng Trung Quốc tán dương là 4 “tuyệt chiêu” đối phó với Nhật Bản:
Trước hết, cơ sở pháp lý của “Quyền tự vệ tập thể” là “Hiến chương Liên Hợp Quốc”, căn cứ vào quy định của Hiến chương này, nếu một quốc gia trước đây đã từng phát động xâm lược, lại tiếp tục tiến hành đe dọa vũ lực hoặc xâm lược nước khác, nước bị xâm phạm có thể không cần thông qua sự nhất trí của Liên Hợp Quốc, ngay lập tức tiến hành phản công tự vệ bằng vũ lực.
Theo ông này, Trung Quốc nên tuyên bố rộng rãi với cộng đồng quốc tế về sự ràng buộc của điều khoản này đối với Nhật Bản, để khi nào Tokyo “có dấu hiệu” muốn sử dụng vũ lực là Trung Quốc có quyền sử dụng hành động “Tiên phát chế nhân”.
Tiếp theo, Trung Quốc cần phải tiếp tục bày tỏ với cộng đồng quốc tế về chính sách cơ bản của mình là “Trỗi dậy hòa bình”, thể hiện Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với các quốc gia khác, vạch trần mục đích thực của việc Nhật Bản tuyên truyền về “Trung Quốc uy hiếp luận”.
Thứ ba, Trung Quốc cần đoàn kết tất cả các lực lượng, đặc biệt là lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình ngay trên lãnh thổ Nhật Bản, sử dụng lực lượng này để ngăn cản “Bước đi bạo lực” của Thủ tướng Nhật Abe.
Cuối cùng, ai “dám chiến tranh mới có hòa bình”, Trung Quốc cần phải tăng cường chuẩn bị về quân sự, tuyên cáo trước thế giới là “Người không xâm phạm ta, ta quyết không hại người, nhưng nếu người xâm phạm, ta tất sẽ giáng trả”. Trung Quốc không gây sự, nhưng không sợ bị gây sự, quyết không cho phép nước khác xâm phạm đến mình.
Về thực chất những biện pháp mà vị chuyên gia họ Phùng này nêu ra chỉ là ngụy biện cho những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Nhật đã cam phận sống chung với bản “Hiến pháp hòa bình” mấy chục năm qua. Trước khi Trung quốc “trỗi dậy bạo lực”, đòi chủ quyền phi pháp, chèn ép các nước trên biển Đông và biển Hoa Đông, đã bao giờ Tokyo đòi sửa đổi hay cắt nghĩa lại bản “Hiến pháp hòa bình” hay chưa?
Tại sao giờ Tokyo phải giải thích lại Hiến pháp, định nghĩa lại “Quyền tự vệ tập thể”? Vì họ muốn chủ nghĩa phát – xít đội mồ sống dậy hay bị buộc phải vùng dậy, tự bảo vệ mình trước đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh trên cả biển Đông và biển Hoa Đông?
Các biện pháp của học giả “diều hâu” Trung Quốc đã thể hiện rõ sự vô lí và bản chất hiếu chiến của Trung Quốc. Hiện nay, ai đang đang bắt nạt Trung Quốc mà Bắc Kinh đầu tư cho quốc phòng hàng trăm tỷ USD, họ xây dựng quân đội hùng mạnh để đối phó lại sự đe dọa của nước khác hay để hiện thực hóa giấc mộng bành trướng bá quyền?
Việt Nam, Philippines, Nhật Bản… có đe xọa xâm lược Trung Quốc hay không mà sao hiện nay Bắc Kinh liên tục những tuyên bố răn đe và hành động chèn ép Nhật Bản trên biển Hoa Đông, dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và Philippines trên biển Đông?
“Trung Quốc không gây sự, nhưng không sợ bị gây sự, quyết không cho phép nước khác xâm phạm đến mình”, thế còn Bắc Kinh ngang ngược và đạp đổ luật pháp quốc tế khi cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, huy động máy bay và hàng trăm tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự đâm va, ngăn cản các tàu công vụ của Việt Nam thực thi pháp luật; trước đó Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarborough của Philippines, thì đó là hành động “chủ động gây sự” hay là hành động “đáp trả tự vệ”?
Bắc Kinh luôn có những tuyên bố hùng hồn về một cường quốc yêu chuộng hòa bình nhưng trong thực tế, Trung Quốc luôn hành động trái ngược khi gây hấn với hàng loạt nước láng giềng bằng những tuyên bố chủ quyền hết sức vô lý và những hành động đe dọa vũ lực trắng trợn, thế hiện bản chất “hung hăng và ngạo mạn” của một cường quốc “trỗi dậy bằng bạo lực”.
Theo Nhân Dân Nhật Báo/An Ninh Thủ Đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét