Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam nói việc một bảng xếp hạng trên mạng đặt hai sân bay chính của Việt Nam vào vị trí 'tệ nhất châu Á' là "chưa đầy đủ và khách quan".
Trả lời BBC ngày 21/10, ông Lại Xuân Thanh cũng thừa nhận sân bay Long Thành, dù sẽ đẩy nợ công lên cao hơn, nhưng lại là một dự án mang tính chiến lược và cần được thực hiện cấp bách để phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm ở phía nam.
BBC: Thời gian qua trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports đã đưa ra bảng xếp hạng 10 sân bay 'tệ nhất châu Á' trong đó bao gồm hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về cách xếp hạng này?
Ông Lại Xuân Thanh: Theo chúng tôi, đánh giá này chưa được đầy đủ và khách quan.
Qua thời gian qua thì qua giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động tại hai sân bay này đã có sự cải thiện rõ rệt.
Sân bay Nội Bài thì đang trong quá trình xây dựng nên tôi không dám có ý kiến. Nhưng Tân Sơn Nhất thì thực sự thời gian vừa qua đã có sự cải thiện rất lớn sau khi nhà ga T2 được đưa vào khai thác.
Với chỉ đạo của cơ quan cấp cao đối với việc cải thiện dịch vụ, từ thái độ dịch vụ cho tới quy trình vận hành và những việc lớn như hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện v,v.
Thực sự thì ngay đối với cả chúng tôi thì cũng chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của khách hàng nhưng chúng tôi cho rằng đánh giá như vậy là chưa nhìn nhận những cải thiện trong thời gian qua.
BBC: Nguy cơ tắc nghẽn tại hai sân bay này đã được cảnh báo từ nhiều năm qua, Cục hàng không dân dụng đã lắng nghe những cảnh báo và khắc phục vấn đề này thế nào?
Ông Lại Xuân Thanh: Tắc nghẽn thì có nhiều yếu tố gây ra, từ vùng trời sân bay cho đến đường hạ, cất cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga.
Thời gian qua đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm. 31/12 này sẽ đưa nhà ga T2 và hệ thống sân đỗ của nhà ga T2 vào khai thác thì về cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng tắc nghẽn về khu bay và nhà ga tại Nội Bài.
Tại Tân Sơn Nhất, việc đưa T2 vào khai thác thì cũng đã cải thiện rất nhiều chất lượng dịch vụ hành khách tại nhà ga. Nhưng tại khu bay thì vẫn còn rất nhiều vấn đề tắc nghẽn, từ hệ thống đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ.
Vừa qua thì Bộ Giao thông và Bộ Quốc phòng đã có một số quyết định nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng của Tân Sơn Nhất thì có lẽ hết năm nay sẽ cải thiện đường một phần.
Chúng tôi cũng hiểu rất rõ vấn đề tắc nghẽn và cũng đã có những nỗ lực rất lớn để giải quyết tình trạng này.
BBC: Thời gian qua, trong nước xuất hiện hai luồng ý kiến, một bên cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là phí phạm vì Tân Sơn Nhất vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, trong khi một bên lại nói dù có được cải thiện thì Tân Sơn Nhất vẫn không tránh khỏi hạn chế về mặt bằng. Ông đánh giá thế nào về hai ý kiến nói trên?
Ông Lại Xuân Thanh: Vấn đề sân bay Long Thành đã được ngành hàng không nghiên cứu từ rất lâu và đã chính thức đi vào các quyết định của chính phủ từ năm 1997 và đến năm 2005 thì được chính thức quy hoạch.
Đây là một đề án về chiến lược phát triển cảng hàng không sân bay nằm trong chiến lược kết cấu hạ tầng giao thông chung của quốc gia.
Sân bay này phục vụ cho cả cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam được quy hoạch và phục vụ trực tiếp cho khu vực kinh tế trọng điểm ở phía nam.
Về cá nhân thì tôi rất ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng cho sân bay Long Thành trong bối cảnh cửa ngõ lớn nhất hiện nay là Tân Sơn Nhất đã bắt đầu bước vào tình trạng quá tải và tắc nghẽn.
Đây là dự án vừa mang tính chiến lược, vừa giải quyết được những vấn đề cấp bách trong thời gian tới của hạ tầng hàng không.
BBC: Việc thực hiện một dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla trong bối cảnh nợ công Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn như hiện nay, theo ông có phải là một rủi ro có thể chấp nhận?
Ông Lại Xuân Thanh: Những con số hiện nay chỉ mới mang tính khai toán. Ở đây chúng ta nói 18 tỷ đôla là cho một dự án chiến lược lớn khi đã đạt năng suất 100 triệu hành khách/năm và như thế sẽ phải trải qua một thời gian rất dài.
Đặt ra như vậy để hình dung độ lớn và tính chiến lược của dự án. Còn cụ thể quyết định từng dự án trong từng giai đoạn một cũng sẽ do Quốc hội Việt Nam quyết định.
Vì tính chiến lược của nó nên cần phải đầu tư. Còn việc làm mất bao nhiêu tiền thì từng dự án một sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay con số 18 tỷ đôla hiện nay chỉ mới là khai toán.
Vấn đề thứ hai là nguồn vốn thì hiện nay phía bên Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư cũng chưa thực hiện những bước tiếp xúc, đàm phán hoặc đề nghị cụ thể với những nhà đầu tư.
Nhưng chúng tôi xác định là có những nguồn vốn bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và huy động nguồn vốn xã hội.
Trong ý tưởng mà chính phủ trình lên Quốc hội về dự án sân bay Long Thành thì nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ sử dụng cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng các trụ sở, cơ quan nhà nước và xây dựng những đường cao tốc nối giữa cảng hàng không và những đường giao thông trục chính của quốc gia.
Các cơ sở hạ tầng, ví dụ như khu bay, thì nhà nước dùng phương án doanh nghiệp vay vốn ODA thông qua nhà nước và sau đó phải tự chi trả cả gốc lẫn lãi.
Còn lại tất cả những công trình khác đều huy động xã hội hóa.
Tất nhiên dự án này sẽ làm tăng nợ công vì vẫn có nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA mà nhà nước bảo lãnh để doanh nghiệp vay. Nhưng tôi nghĩ cách phân bổ như vậy và tiền đầu tư công chỉ đầu tư công chỉ đầu tư vào những hạ tầng chính thì nó sẽ giúp đảm bảo tính hợp lý trong việc đầu tư vào dự án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét