Gs Nguyễn Văn Tuấn/FB Nguyen Tuan
Tiếp tục dòng suy nghĩ về dự án tuyên truyền đến người Việt ở nước ngoài (1), tôi muốn ghi lại đây vài cảm nhận cá nhân. Chương trình này có qui mô khá lớn, vì tốn đến 411 tỉ đồng (tức khoảng 20 triệu USD). Đọc tin này làm tôi nhớ đến một sự kiện cũ ở Úc cũng liên quan đến tuyên truyền của Chính phủ VN và thất bại. Với một "track record" toàn những thất bại trong quá khứ, tôi nghĩ dự án tuyên truyền này cũng sẽ có xác suất thất bại rất cao.
Câu chuyện xảy ra vào năm 2003 ở Sydney làm rúng động chính trường Úc một thời gian ngắn. Dạo đó, theo một chương trình hợp tác truyền thông giữa Úc và VN, Đài truyền hình SBS của Úc có chương trình phát một bản tin của VTV4 [hình như] vào buổi sáng. Dĩ nhiên, đó là một chương trình tuyên truyền với đầy đủ những bản sắc tuyên truyền theo mô hình Mao - Stalin của VN. Thế là người Việt ở Sydney xuống đường biểu tình. Cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử cộng đồng, vì có đến 14000 người tham gia, và họ cấm trại ngay trước đài SBS nhiều ngày. Yêu sách của người biểu tình là phải chấm dứt ngay việc phát chương trình của VTV4, vì họ cho rằng đó là một chương trình tuyên truyền – propaganda, chứ không hề phục vụ cộng đồng gì cả. Nhiều người rất cảm tính cho rằng nhìn lá cờ đỏ và hình ông Hồ làm họ cảm thấy "anguish" (đau khổ), nhớ lại thời bị giam trong trại cải tạo. Có người còn trình cả toa bác sĩ cho thấy họ phát điên vì nhìn bản tin đó mỗi sáng!
Giới chính khách và ban quản lí SBS kinh ngạc. Họ nói với các cộng đồng khác, họ phát hình chương trình tivi của nước họ thì ai cũng hài lòng và ủng hộ. Với suy nghĩ đó, họ nghĩ phát hình VTV4 là một việc làm tốt mà họ có nghĩa vụ phục vụ cộng đồng người Việt. Thế nhưng họ vừa ngây thơ và … vừa ngu. (Phải nói đúng là "ngu"). Cho đến khi người Việt ở Sydney phản đối mà họ vẫn không hiểu tại sao!? Họ không biết rằng những người Việt ở Úc là dân tị nạn, trốn chạy khỏi VN trong hoàn cảnh bi thảm, và họ không bao giờ quên được những đàn áp hay thời khó khăn mà họ đã trải qua dưới chế độ mới. Họ không nghĩ rằng VTV4 làm tuyên truyền; mãi đến khi có người chỉ ra rằng trên website của VTV có chữ propaganda thì họ mới tin! Họ không ngờ thời đại này mà chữ "tuyên truyền" – propaganda chễm chệ trên website như thế! Quốc hội bang New South Wales phải dành ra một phiên để dân biểu điều trần về vụ này (2). Cuối cùng thì trước sức ép của cộng đồng và chứng cứ propaganda, đài SBS phải huỷ chương trình phát hình VTV4. Thế là VN thất bại.
Kể chuyện xưa như thế để thấy rằng người Việt ở nước ngoài, đa số là dân vượt biên và sống dưới chế độ "Mĩ Nguỵ" xưa kia và nay ở xã hội tự do ngôn luận, rất kị hai chữ "tuyên truyền". Và, họ có lí do để kị chữ này, mắc dù người trong nước có lẽ quá quen với nó nên thấy … bình thường. Đã nói đến tuyên truyền là nói đến việc cung cấp thông tin một cách chọn lọc, một cách có định hướng. Định hướng bà con ngoài này phải suy nghĩ và tin vào đảng và Nhà nước. Mà, một khi mục tiêu là định hướng thì họ xem khán giả như đàn cừu, họ muốn dẫn dắt đi đâu thì đi. Một suy nghĩ hết sức trịch thượng và ngạo mạn. Đối với người sống trong xã hội phương Tây, đã quá quen với tự do ngôn luận, tự do thông tin, thì việc tuyên truyền là một điều gì rất xa lạ chỉ có trong các xã hội kém phát triển.
Ấy thế mà dự án này có mục tiêu rất rõ ràng là tuyên truyền. Họ chẳng hề dấu giếm về mục tiêu tuyên truyền. Đề án viết "[…] phải tăng cường chất lượng biên tập và biên tập lại các nội dung chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng thông tin tuyên truyền về thành tựu của cộng cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước […]" (3). Không biết người khác nghĩ sao, nhưng tôi thì thấy mục tiêu này nó tầm thường quá.
Cái giả định đằng sau của mục tiêu này là người Việt ở nước ngoài thiếu thông tin ở trong nước, và họ rất muốn biết thông tin về những thành công vĩ đại của đảng và Nhà nước. Tôi e rằng giả định này sai. Trong thế giới internet, người Việt ở hải ngoại không thiếu những thông tin về VN. Hầu như tất cả các tờ báo lớn ở VN đều có website mà bất cứ ai cũng có thể truy cập và đọc được. Các đài truyền hình VN cũng có website và đã phát hình trên mạng, và bà con ngoài này có thể theo dõi khá dễ dàng. Vậy thì thêm mấy chục kênh truyền hình để làm gì.
Người Việt ở hải ngoại rất bận rộn, đến nổi thì giờ uống li cà phê còn phải ngắn, thì thời giờ đâu mà theo dõi hết chương trình này đến chương trình khác của VN. Mà, chất lượng các chương trình VN cũng chưa cao để thu hút và giữ chân khán giả. Chẳng hạn như những chương trình ca nhạc ở VN làm rất thô sơ, kĩ thuật âm thanh kém, MC thì nói bằng trái tim (cảm tính) chứ không bằng cái đầu (tri thức), cảnh trí thì thô, v.v. Những chương trình như thế khó có thể so sánh với các chương trình ở Mĩ về mặc kĩ thuật và nội dung. Tuy nhiên, ở ngoài nếu có thiếu thì đó là các chương trình … cải lương. Nhưng số người nghe cải lương cũng chẳng bao nhiêu. Nói chung, số khán giả có thì giờ để theo dõi chương trình từ VN chẳng nhiều.
Vả lại, những thông tin mà các đài truyền hình VN cung cấp có thể là những thông tin người Việt ngoài này không muốn biết. Chẳng hạn như chẳng ai muốn biết VN xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu kilo hải sản, bao nhiêu tấn cà phê chính xác đến từng con số lẻ. Đó là những con số hành chính, nó chẳng có liên quan gì đến người dân thường. Người Việt ở nước ngoài cũng không quan tâm đến những tin tức ông chủ tịch này đón đoàn ngoại giao kia, bà chủ tịch nọ tiếp kiến ông tổng thống này, hay những chuyến đi thăm để chụp hình (photo-op) của các vị lãnh đạo địa phương và trung ương. Đó là những thông báo hay thông cáo chứ không phải tin tức, bởi tính liên quan đến người dân quá thấp.
Ngược lại, có những thông tin người Việt hải ngoại muốn biết mà các cơ sở truyền thông VN ít hay không đưa tin. Đó là tin tức liên quan đến nạn tham nhũng của các quan chức. Đó là tin tức về sự lấn áp của Tàu cộng. Đó là những bản tin xã hội về cuộc sống khổ cực của người dân (chứ không phải những cuộc sống xa hoa của các đại gia). Đó là những phóng sự để người dân nhận thức rõ khi về VN thì phải kì vọng gặp phải, như sự nhũng nhiễu của hải quan, của các cơ quan công quyền VN. Không có những thông tin như thế thì rất khó thu hút sự chú ý của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Thật ra, người Việt ở ngoài này còn có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hơn người trong nước. Ở VN thì còn bị tường lửa, còn ở nước ngoài thì chẳng ai cấm đoán người Việt tìm thông tin trên các trang web "lề dân" hay những đài như BBC, RFI, RFA, v.v. Có những tin tức (như cuộc nổi loạn ở Tây nguyên) người Việt ngoài này đã biết trước khi các đài báo trong nước loan tin đến 3 ngày! Những thông tin trên trang web bí ẩn "Quan Lam Báo" đã tiên đoán khá chính xác một số sự kiện trong chính trường VN thì người Việt ở nước ngoài đều biết trước đồng hương trong nước. Do đó, phải nói là chúng ta đang đứng trước một tình huống trớ trêu: ở trong nước thì ra sức cấm đoán và chận thông tin, còn ở ngoài thì hào hiệp cung cấp thông tin.
Tại sao phải ưu tiên cho một cộng đồng chỉ có 4 triệu người vốn đã có nhiều thông tin, mà không lo cho cộng đồng lớn hơn với 85 triệu người đang đói thông tin? Có phải vì cộng đồng ngoài này mỗi năm gửi về VN hơn 15 tỉ USD? Thật ra, cũng nên nhìn mục đích một cách tích cực hơn, đó là chính quyền muốn bà con có thêm thông tin ở trong nước, tránh hiểu lầm bởi những thông tin từ các nguồn "lề trái" hay những nguồn mà chính quyền không công nhận. (Không công nhận nhưng họ vẫn tồn tại). Nhưng như tôi nói trên, muốn làm thế thì phải cải tiến cách làm và phong cách làm. Không nên đưa tin một chiều, đừng tự ca ngợi mình là quá vĩ đại và đỉnh cao trí tuệ, đừng ca ngợi những tấm gương bịa ra như nhân vật Lê Văn Tám, đừng gọi người ta là "nguỵ", đừng làm như mình là ban phát ân huệ, v.v. Và, điều quan trọng là giảm những người MC nói giọng Bắc kiểu sau 1975, vì tôi cam đoan là rất nhiều người ở ngoài này chịu không nổi thứ ngôn ngữ đó. Tôi biết và hiểu đó là một định kiến rất sai, nhưng nó tồn tại, và nếu muốn thu hút người ta thì phải "rừng nào cọp nấy". Với kiểu đưa tin như ở trong nước thì sẽ không thích hợp với khán giả ngoài này.
Tiêu ra 20 triệu USD như thế, người ta có lí do để hỏi khả năng thành công là bao nhiêu. Lấy gì để đo lường sự thành công? Có lẽ thành công hiểu theo nghĩa đảng và Nhà nước thuyết phục được cộng đồng người Việt ở nước ngoài suy nghĩ và nói theo suy nghĩ của đảng. Nếu thành công được định nghĩa như thế thì khả năng thành công e rằng không cao. Ngay cả những ngôn từ ở trong nước hiện nay, phần lớn chịu ảnh hưởng cách nói của phía Bắc, rất khó chấp nhận ở ngoài này vì đa số dân đi từ miền Nam và đã quen với ngôn ngữ & cách nói trước 1975. Còn thuyết phục để người Việt ngoài này tin vào cái đẹp của chủ nghĩa cộng sản thì chắc sẽ dứt khoát không bao giờ thành công.
Thật ra, để dự báo mức độ thành công, chúng ta có thể điểm qua các dự án lớn trong quá khứ của Chính phủ. Ở trên, tôi đã trình bày câu chuyện về VTV4 ở Úc, và kết cục là một sự thất bại. Có thể nói là thất bại thê thảm ở Úc nữa. Đến dự án kêu gọi người Việt ở nước ngoài đăng kí quốc tịch VN cũng được phát động rầm rộ, nhưng kết cục chưa đến 6000 người đăng kí quốc tịch VN. Trước đó, dự án cấp visa dài hạn cho người Việt ở nước ngoài cũng thất bại, vì người Việt ngoài này nhanh chóng nhận ra việc Nhà nước "nói dzậy mà không phải dzậy". Dự án thu hút chuyên gia và trí thức kiều bào trước đây cũng thất bại. Có thể nói rằng hầu như dự án nào của Nhà nước liên quan đến Việt kiều đều thất bại. Do đó, dù biết rằng dự đoán là việc làm nguy hiểm (vì dễ sai), tôi rất nghi ngờ rằng dự án này cũng sẽ có xác suất thất bại rất cao.
====
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét