Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, giám đốc Công an Hà Nội đề nghị tăng tiền phạt thật nặng đối với người vi phạm luật giao thông để họ không dám tái phạm.
Tôi hết sức ủng hộ tinh thần của đề nghị này. Song song đó, tôi đề nghị phải phạt thật nặng những cảnh sát giao thông (CSGT) vi phạm luật pháp, cũng nhằm để họ không dám tái phạm.
Cách đây khoảng 10 năm, nhà báo Lưu Đức (báo Pháp luật TP HCM) trong một phóng sự điều tra mạnh mẽ về ngành cảnh sát giao thông đã ghi nhận một câu cửa miệng của người dân, mà theo tôi nó khái quát tuyệt hay về góc nhìn của đa số người dân.
Đó là câu: "Dân nuôi thì dân xài". Người dân chủ động đưa tiền cho một số cảnh sát giao thông muốn ăn hối lộ để đổi lại sự dễ dãi, lách luật hoặc ưu tiên cho mình.
Nhưng sự đổi chác "công bằng" đó không thể mang lại môi trường giao thông an toàn cho tất cả, không loại trừ chính các CSGT.
Ai cũng có lỗi
Hiện trạng giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam ra sao, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Theo tôi, trực tiếp gây nên tình trạng ấy, cả người giao thông và cảnh sát giao thông đều có lỗi. Những nguyên nhân lớn như quy hoạch giao thông, hạn chế xe máy xin được bàn trong dịp khác.
Về phía ngành cảnh sát giao thông, theo tôi hiện có bốn lỗi như sau:
- Mức phạt chưa đủ răn đe: lỗi không đội mũ bảo hiểm bị phạt 200.000 đ (lưu ý giá của một cái mũ bảo hiểm mới cũng chỉ ở mức này), nhưng đổ lén rác xây dựng ra đường cũng chỉ bị phạt ngần này, mặc dù mức độ tác hại cao hơn nhiều. Lái xe hơi lạng lách, chạy quá tốc độ đuổi nhau gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe cũng chỉ có thể bị tước giấy phép lái xe bốn tháng, trong khi hành vi này là cực kỳ nghiêm trọng.
- Vòi vĩnh: Chuyện cảnh sát giao thông cố tình làm khó để người vi phạm đút lót rồi bỏ qua lỗi vi phạm được báo chí nêu rất nhiều.
- Luật không nghiêm minh, thiên vị người có thế lực: báo chí và mạng xã hội nhiều lần dẫn chứng các trường hợp "con ông cháu cha" sẽ được bỏ qua nếu vi phạm luật giao thông.
Mới cách đây một tháng, thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 3), Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an thừa nhận với báo chí rằng có hiện tượng "để áo, mũ của ngành công an trên xe để làm "ngáo ộp".
- Dễ bị mua chuộc: Báo chí đã nêu quá nhiều bằng chứng cho thấy người vi phạm dùng tiền để hối lộ CSGT nhằm "mua đường", "chạy" để khỏi bị phạt... v.v.
Đối phó với các điểm yếu của cảnh sát giao thông, người dân cũng sẽ:
- Lờ luật: Thấy có cảnh sát giao thông thì đi nghiêm chỉnh, không có thì vượt đèn đỏ, lấn trái, leo lề... thoải mái.
- Phạm luật: Cố tình phạm luật chỉ để "tiện", "được việc" cho bản thân, bất chấp an toàn của người khác. Đi ngược chiều cho nhanh, quay đầu xe trên cầu, đầu cầu, xe khách leo lên đường trên cao ở HN...
- Sẵn sàng hối lộ.
Nhưng sau khi hối lộ, nhiều người dân lại bất bình vì mất tiền, nên lại rất nhanh chóng kể truyền miệng cho nhau hoặc kể trên mạng xã hội. Điều này khiến hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông thêm méo mó.
Trong mắt nhiều người dân, cảnh sát giao thông không được coi là người giữ trật tự an toàn giao thông mà là "hung thần" cản trở giao thông. Thậm chí giữa tháng Tám vừa qua người Việt Nam còn làm hẳn một ứng dụng trên Google Play Store mang tên Warning me, công dụng là cảnh báo... có chốt cảnh sát giao thông gần đó, để mà... tránh cho kịp. Thật hài hước và chua chát!
Trên báo chí, một vị lãnh đạo ngành Công an đã có lần đề nghị người dân không được hối lộ cảnh sát giao thông.
Thậm chí ông còn kết luận chính vì người dân hối lộ nên mới có chuyện cảnh sát giao thông nhận hối lộ, theo kiểu "không có lửa sao có khói". Suy diễn nói trên mới nghe có vẻ rất có lý, nhưng kỳ thực đó là một dạng ngụy biện đánh tráo nguyên nhân và hậu quả khiến người nghe hoang mang và dễ đi đến đồng tình với một kết luận phi logic.
Rõ ràng chính ngành Công an giao thông phải chịu trách nhiệm toàn diện và trước nhất về mọi vi phạm của cả trong ngành lẫn người tham gia giao thông. Đó là vì họ đã nhận trách nhiệm đó và được xã hội trả công. Khi có người tìm cách hối lộ (tức là vi phạm pháp luật), cảnh sát giao thông cần cảnh cáo và buộc họ dừng ngay ý định đó, hoặc lập biên bản xử phạt, chứ không phải là trở thành đồng lõa rồi sau đó lại kêu oan.
Nếu bất cứ người nào tìm cách hối lộ cảnh sát giao thông cũng đồng thời bị phạt tiền luôn cả về hành vi này nữa thì chắc chắn chẳng ai còn tìm cách chuốc lấy thiệt hại làm gì. Còn nếu xã hội trả công chưa xứng đáng thì cảnh sát giao thông cần đường đường chính chính yêu cầu tăng lương, chứ không phải bỏ tiền ra chạy chọt để được giao một vị trí xử phạt màu mỡ.
Tức là cảnh sát giao thông cần phải giám sát người tham gia giao thông, chứ không phải ngược lại.
Ai sẽ giám sát CSGT?
Đây là câu hỏi khó trả lời. Vì thực tế, công an là ngành duy nhất được giao quyền điều tra mọi vi phạm pháp luật.
Xã hội có quyền đặt câu hỏi: với quy trình khép kín ấy liệu ngành công an có dám đưa ra pháp luật những vi phạm của chính mình hay không?
Thực tế ở các nước phát triển cho thấy, khi có nhiều kênh giám sát độc lập thì nạn chuyên quyền luôn được hạn chế đến mức thấp nhất.
Ngay ở ta, khi mạng xã hội ngày càng nhiều người dùng thì nhiều vụ cảnh sát giao thông đòi hối lộ cũng ngay lập tức được ghi hình lại và tung lên khiến lãnh đạo ngành lập tức phải vào cuộc.
Kênh giám sát hiệu quả, theo tôi, trước tiên là báo chí và truyền thông xã hội, sau nữa là các kênh giám sát của các tổ chức xã hội độc lập.
Ở vị trí một người làm báo, tôi luôn cho rằng một nền báo chí tự do sẽ là mảnh đất sạch mà ở đó nạn chuyên quyền sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Xin các bạn tiếp tục gửi bài tớivietnamese@bbc.co.uk về các chủ đề xã hội Việt Nam.
1 nhận xét:
Nguyên mua chân CSGT tốn cả tỷ rồi chưa kể lễ, tết, sinh nhật của Lãnh đạo kg có qùa chắc mất ghế qúa.Không làm khó dân làm sao có,kg giữ như chó sao có mà ăn . Các nghành nghề khác cũng vậy thôi LÀM GÌ ĂN NẤy mà
Đăng nhận xét