Vào đầu tháng này, Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được Đức Giáo hoàng nêu tên trong số 20 vị Hồng y mới từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu.
BBC Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn qua điện thư với Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, trước hết Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nói về cảm tưởng khi được Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm.
Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Tôi sắp được 77 tuổi và theo giáo luật tôi đã nộp đơn xin Đức Giáo Hoàng để nghỉ hưu cách đây gần 2 năm. Vì thế, đây là vinh dự bất ngờ với tôi. Tôi rất biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm Hồng Y của Hội Thánh Công Giáo.
Tôi nhận thấy rằng: Đây là vinh dự không chỉ dành cho tôi mà còn cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, cho Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và cho dân tộc Việt Nam. Việc bổ nhiệm Hồng Y mới ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Tonga, Capo Verde, Mozambique, Ethiopia nói lên sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội ở Á châu, những cộng đoàn công giáo nhỏ bé, sự quan tâm đến những người nghèo, cũng như nói lên tính phổ quát của Hội Thánh.
BBC: Trên cương vị một Hồng y, ngài dự định hay hy vọng sẽ làm gì để thúc đẩy quan hệ giữa Tòa thánh Vatican với Giáo hội Việt Nam nói riêng, và với chính phủ Việt Nam nói chung, chẳng hạn như có đại diện thường trú của Vatican tại Hà Nội trong vai trò Đức Khâm Sứ trong thời gian tới?
Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Các Đức Giáo Hoàng trong những năm gần đây và Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện nay luôn kêu gọi mọi người đối thoại và cộng tác để mang lại hòa bình và phát triển con người tại mỗi quốc gia và trên thế giới.
Quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam phát triển không chỉ đem lại lợi ích cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nhưng còn đem lại lợi ích cho dân tộc Việt Nam. Ngày nay xu hướng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa đang trở nên ưu thế. Cu Ba và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau và tiến tới quan hệ ngoại giao.
Vì thế trong xu hướng này, tôi nhận thấy rằng: Quan hệ ngoại giao bình thường giữa Tòa Thánh và Việt Nam càng được xem là cần thiết và không có gì là khác thường. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng cổ vũ cho quan hệ này, khi tôi có cơ hội làm việc đó.
BBC: Những dự định của ngài trên cương vị mới để giúp giáo dân tại Việt Nam?
Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Mặc dầu trở thành Hồng Y, tôi chỉ có trách nhiệm như trước là Giám Mục của Tổng Giáo Phận Hà Nội, bao lâu tôi còn tại chức. Tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn các tín hữu sống Tin Mừng của Chúa trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội.
Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nếu các tín hữu công giáo sống đúng Tin Mừng của Chúa trong những môi trường họ đang sống, đặc biệt với những gương sáng về lòng bác ái và đức công bằng, chú tâm giáo dục con cái có đạo đức thì đó là việc giới thiệu Chúa hữu hiệu nhất cho những người xung quanh.
BBC: Đã xảy ra những tranh chấp giữa chính quyền với giáo dân ở một số giáo xứ, như vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà hay khu đất 40-42 Nhà Chung vốn dùng làm Tòa Khâm sứ cũ, vậy trên cương vị mới, ngài có hy vọng sẽ có thể làm được gì để giải quyết những khúc mắc còn tồn đọng hiện nay?
Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: Trong các buổi tiếp xúc với các vị lãnh đạo chính quyền, tôi luôn nghe quí vị đó khẳng định rằng nhà nước là để phục vụ lợi ích của nhân dân. “Tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của bộ phận nhân dân.”
Có nhiều cơ sở và đất đai của Giáo Hội mà nhà nước đang sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trong số đó có nhiều cơ sở mà Giáo Hội đang rất cần phải sử dụng để phục vụ giáo dân. Nhiều trường hợp, những cơ sở hay đất đai này nằm kề sát với nhà thờ hay cơ sở tôn giáo mà chúng tôi đang sử dụng và việc sử dụng ngoài mục đích tôn giáo của nhà nước tại những cơ sở này đang gây nhiều ồn ào bất tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo của giáo dân.
Hiện nay, nhất là trong thành phố, các vị lãnh đạo chính quyền cũng nhận thấy những nhu cầu cấp thiết của giáo dân về cơ sở thờ phượng hay sinh hoạt của các giáo xứ. Trước những nhu cầu cấp bách phục vụ cho giáo dân, Giáo Hội đã đề nghị nhà nước giải quyết để Giáo Hội có thể sử dụng lại một số cơ sở hay đất đai mà trước đây Giáo Hội đã sử dụng.
Việc đề nghị đó của Giáo Hội không có mục đích nào khác hơn là để phục vụ lợi ích của giáo dân và khi phục vụ lợi ích của giáo dân thì cũng phục vụ lợi ích của toàn xã hội và góp phần xây dựng đất nước. Khi những nhu cầu tôn giáo của giáo dân được bảo đảm thì giáo dân mới yên tâm và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mà nhà nước đang kêu gọi mới có kết quả. Tôi nghĩ rằng việc đối thoại cởi mở, ôn hòa, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến lợi ích của mọi người khi giải quyết những vấn đề đất đai là điều cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét