BienDong.Net: Trong Thông cáo chung được công bố ngày 21/01/2015, kết thúc hai ngày Đối thoại Chiến lược song phương, Mỹ và Philippines lên tiếng bày tỏ sự quan ngại với các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc. Thông cáo chung nhấn mạnh những hành động này đi ngược lại luật pháp quốc tế và không phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002.
Thông cáo chung nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, tôn trọng luật lệ và quyền tự do hàng không - hàng hải cùng các hoạt động thương mại hợp pháp. Philippines và Mỹ tán đồng quan điểm rằng tranh chấp chủ quyền nên được giải quyết theo luật quốc tế bằng các biện pháp ngoại giao. Hai nước một lần nữa chỉ trích sự thờ ơ của Bắc Kinh trước những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động lấn biển mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở những vùng có tranh chấp.
Cũng trong ngày 21/01/2015, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines một lần nữa lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về hành động hiếu chiến này của Trung Quốc. ông Pio Lorenzo Batino, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines nói: “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại nghiêm trọng, xuất phát từ các báo cáo về việc Trung Quốc tăng cường việc cải tạo với quy mô lớn hơn”. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Evan Garcia thì nhấn mạnh việc cải tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông là “đồ sộ”, vi phạm thỏa thuận với các nước cùng có tranh chấp, rằng các bên liên quan không làm thay đổi hiện trạng cho tới khi đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Ông Evan Garcia nói: “Việc này không giúp tìm ra cách giải quyết trong tương lai. Nó cũng không phải là ví dụ về điều mà mọi người hiểu là kiềm chế”.
Phát biểu sau khi kết thúc hai ngày đối thoại chiến lược giữa Philippines và Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng Washington có lợi ích lớn trong quan hệ song phương ổn định với Bắc Kinh nhưng cũng quan ngại về “cách hành xử làm tăng căng thẳng, gây nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc”, đồng thời nhắc lại quan điểm “nước lớn không thể bắt nạt nước nhỏ”. Ông Daniel Russel nhấn mạnh Washington đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc kiềm chế không gây căng thẳng; tranh chấp trên Biển Đông là “mối lo ngại lớn”.
Trong cuộc đối thoại, Mỹ khẳng định tiếp tục hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực hải quân. Ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh để ủng hộ Philippines hiện đại hóa quân sự, Washington sẽ cung cấp thêm 40 triệu USD cho Manila trong năm nay 2015. Từ 2001, Mỹ hỗ trợ Philippines khoản kinh phí liên quan đến quân sự trị giá 300 triệu USD.
Ngày 03/1/2015, Trung Quốc lần đầu tiên ngang nhiên công bố ảnh về hoạt động quân sự trên bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Trước đó, một sĩ quan cấp cao không quân Trung Quốc hồi tháng 11/2014 cho biết, Trung Quốc cải tạo bãi đá để thiết lập căn cứ hạ tầng, hỗ trợ hệ thống radar và hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Trang web China Daily Mail (tổng hợp thông tin từ Trung Quốc) đưa tin: Trung Quốc tin rằng hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo sẽ giúp Bắc Kinh quản lý các tuyến đường biển trên Biển Đông. Trung Quốc đang quản lý hầu hết các đảo và đá ngầm trên Biển Đông cách Trung Quốc khoảng 150 km thông qua vệ tinh và máy bay không người lái. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn giám sát theo cách tốt nhất là bố trí quân đội trên đảo nhân tạo.
Từ đầu năm 2014, Trung Quốc không chỉ lấp biển mở rộng quy mô lớn bãi đá Chữ Thập, mà họ còn mở rộng, cải tạo xây dựng các công trình lớn trên các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven.., thuộc quần đảo Trường Sa. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đá thuộc Trường Sa không chỉ nhằm thu thập tin tình báo của các nước láng giềng mà còn hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” rộng khắp ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc lần đầu tiên công bố các hình ảnh về hoạt động trên đá Chữ Thập cho thấy Bắc Kinh không giấu giếm trước dư luận quốc tế về việc họ thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thông điệp của Trung Quốc khi công bố các hình ảnh quân sự ở đá Chữ Thập là răn đe các nước cùng có tranh chấp. Ông Trục cho rằng Bắc Kinh thể hiện sức mạnh vũ trang để khẳng định quyết tâm chiến lược, là chiếm trọn Biển Đông; đồng thời cảnh báo Trung Quốc công bố những hình ảnh này ngay vào đầu năm 2015 cho thấy họ sẽ còn tiếp tục hung hăng hơn, điều này báo hiệu diễn biến năm 2015 ở Biển Đông có thể phức tạp căng thẳng hơn. Ông Trục nói: “Nhìn vào tình hình thực địa, chúng ta có thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra. Nhưng Trung Quốc làm được đến đâu, làm thế nào, thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phản ứng của Việt Nam, cùng các nước liên quan và các nước quan tâm đến an ninh khu vực”.
Phân tích về ý đồ của Trung Quốc trong việc lấp biển, mở rộng xây dựng các công trình trên đá Chữ Thập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế cho rằng Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc “nối dài cán chổi quân sự tới các nước Đông Nam Á ven biển”; căn cứ không quân ở bãi Chữ Thập giúp các loại máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc vươn tầm hoạt động. “Nếu như trước đây máy bay của Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam khó hoạt động ở Trường Sa thì bây giờ Trung Quốc có thể kiểm soát tầm bay ở các nước Đông Nam Á”. Đây là sự thách thức với an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thách thức chủ quyền và hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.
Theo ông Trường, đá Chữ Thập là một trong 5 cấu trúc mà Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Trường Sa, khẳng định quyết tâm biến các đá thành cơ sở tiền tiêu của quân đội, tăng cường kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Năm cấu trúc ở Trường Sa này, khi kết nối với Hoàng Sa, sẽ tạo thành một lục giác khống chế toàn bộ Biển Đông, trong khi khu vực này là yết hầu của đường vận tải toàn cầu.
Đánh giá về việc Trung Quốc công khai công bố các hình ảnh về hoạt động quân sự trên bãi Chữ Thập, Phó Giáo sư Trần Khánh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng “Trung Quốc đưa ra một sự thật kiểu sự đã rồi, tiếp tục thử phản ứng các nước khác”. Ông Trần Khánh cho biết thêm, sân bay cố định ở Trường Sa có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với tàu sân bay, vì Trung Quốc có thể bố trí các tàu ngầm bảo vệ, có thiết bị chống tàu ngầm và tên lửa đạn đạo của các nước khác. Khi có xung đột xảy ra, nhiều khả năng các nước sẽ bị động trước Trung Quốc. Rõ ràng hành động của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân lực lượng ở khu vực.
Chuyên gia Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 sẽ không công nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại năm khu vực trên Biển Đông bao gồm các đảo, đá và khu vực có mực thủy triều thấp nhằm mục đích cản trở Philippines kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế. Tòa án sẽ không thể xác định được hiện trạng gốc của chủ thể tranh chấp lãnh hải. Trả lời đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức), ông Gregory Poling đã đề nghị Philippines và Việt Nam nên hợp tác khảo sát Biển Đông trước khi Trung Quốc hoàn tất âm mưu xây dựng đảo nhân tạo.
Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển ở Đại học Philippines, nhận định thực ra công việc xây đảo của Trung Quốc không đáng ngại vì diễn ra sau khi Philippines đã trình Ban lập luận lên Tòa án Trọng tài. Điều đáng ngại ở đây là Trung Quốc tăng cường thực hiện chiến lược “bắp cải” (sử dụng nhiều lớp tàu giống như cái bắp cải để bao vây khu vực tranh chấp).
Đánh giá về các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Christophe Johnson - Chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng, đây là chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng nằm trong chủ trương“chấn hưng Trung Hoa”, “xây dựng cường quốc biển” của Trung Quốc chứ không phải đơn thuần là những bước đi chiến thuật hay chỉ là phản ứng của Trung Quốc trước hành động của Mỹ và nước khác.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Lâm Trung Bân nhận định rằng, việc Trung Quốc cải tạo tại các đảo Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Huy Gơ, Xu Bi và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa là “nước cờ nguy hiểm”, với âm mưu tăng cường khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Nguy hiểm hơn nữa là các loại chiến đấu cơ đang trong biên chế Quân đội Trung Quốc hiện nay như J - 11 hay J - 16 có bán kính tác chiến khoảng 1500 km, nếu đặt căn cứ trên 6 đảo ở Trường Sa, sẽ khiến phạm vi tác chiến của Không quân Trung Quốc bao trùm toàn bộ Đông Nam Á.
Các chuyên gia phân tích quốc tế đều cho rằng hành động lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc ở Trường Sa để xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nhiều vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Việc làm này của Trung Quốc là mối đe dọa và nguy cơ lớn đối với hòa bình ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hành động bành trướng, hiếu chiến này của Trung Quốc./.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét