Pages

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Lời chia sẻ của một quản trị viên Fanpage: Chúng ta thiếu một văn hóa phản hồi

Một bạn tham gia tặng hoa cho chú an ninh đứng giám sát buổi picnic. Một cử chỉ đẹp, điều mà tôi nghĩ cần có nhiều nhiều hơn trong những hoạt động bày tỏ quan điểm như thế này. Chúng ta thiếu lắm một văn hóa biểu đạt, thiếu lắm những sự khoan dung.
Xin chào các bạn,
Tôi viết những dòng này với tư cách của một cá nhân, một con người chứ không phải một quản trị viên của page. Đầu tiên, xin được xin lỗi các anh chị khác vì sự lạm dụng quyền hạn này.

Tôi xin gửi lời sau tới toàn thể các thành viên của page, mà vào thời điểm khi tôi viết dòng này đã lên tới 50 841 người, chỉ sau 1 tuần fanpage này được thành lập.
Có người nói đó là một con số lớn, và lượng reach, lượng like, lượng share của page rất đáng ngưỡng mộ. Nhiều page và event "ăn theo" khác đã minh chứng cho điều này. Nhưng cá nhân tôi nhiều khi không nghĩ vậy
60 nghìn người like trên facebook này, sự thực chỉ chuyển hóa thành 22k người ký vào thư kiến nghị. Đó là một con số biết nói.
22k người kiến nghị là một con số đủ lớn để khiến chính quyền thành phố phải suy nghĩ lại về quyết định của mình, nhưng sẽ là một con số vô cùng nhỏ bé so với 3 triệu tài khoản facebook tại Hà Nội và hơn 20 triệu tài khoản facebook trên cả nước.
...................................
Được tham gia quản lý một fanpage của một sự kiện nóng của cộng đồng như thế này là một trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời của tôi. Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới những người đã tin tưởng giao cho tôi cơ hội này, tôi đã nhìn thấy rất nhiều điều từ nó.
Tôi muốn chia sẻ một vài điều tôi nhìn thấy.
Thứ nhất, "dư luận là đa dạng".
Mỗi ngày, từ sáng đến tối, fanpage nhận được hàng nghìn comment và cả các inbox. Có người chửi bới chính quyền, có người than vãn, có người hốt hoảng. Có người kêu gọi truy tố lãnh đạo, có người lại bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc" với thế hệ trẻ và yêu cầu mọi người có niềm tin tuyệt đối vào đảng. Cũng có những người rất thân thiện đã khích lệ, cổ vũ, bày tỏ sự đồng cảm (Tôi xin chân thành cảm ơn những ai đã gửi lời cổ vũ tới page, đó là động lực to lớn).
Tôi cảm nhận sâu sắc được rằng "Không bao giờ có thể thỏa mãn được hết tất cả".
Trước khi Tree Hugs Picnic diễn ra, nhiều người đã inbox cũng như comment kêu gọi 1 cuộc tuần hành, 1 chương trình đi bộ vì cây xanh, 1 cuộc đạp xe hay nhiều thứ tương tự. Nhưng ngược lại, nhiều người ngay lập tức bày tỏ sự e ngại sâu sắc về việc bị lợi dụng, rồi sự mất an toàn cũng như nhiều vấn đề khác nhằm bày tỏ sự phản đối của mình với một chương trình như vậy.
Sự việc gì cũng có 2 mặt, và nếu lo sợ hết điều này đến điều kia thì có lẽ đã chẳng có hoạt động gì được tổ chức.
Điều trên dẫn tôi đến một quan sát số hai: chúng ta thiếu một văn hóa comment tốt.
Có quá nhiều sự than thở, có quá nhiều thuyết âm mưu, có quá nhiều giả định mà người đưa ra lại nói kiểu "chắc như đinh đóng cột". Tôi cảm thấy có quá nhiều người thiếu trách nhiệm với những phát ngôn của họ. Họ nghi ngờ, họ phủ nhận, họ bất mãn, họ comment cho thỏa mãn cái tôi của họ mà không nghĩ đến những lời nói đó liệu có giúp tạo ra điều gì tốt đẹp hơn? Bạn có tin rằng việc chửi bới lãnh đạo sẽ làm họ xin lỗi bạn và tự từ chức? Tôi thì không.
Có những người soi mói và xoáy sâu vào những lỗi chính tả rồi kết luận kiểu “đến chính tả cũng viết sai thì liệu có quan điểm gì là đúng”. Thậm chí có người xuất hiện với những phát ngôn kiểu “Tao là người Sài Gòn, tao đéo quan tâm”. Điều đó làm tôi tưởng tượng đến một người xuất hiện trong đám tang của nhà hàng xóm và nói “Người chết không phải người thân tao, sao phải khóc nhỉ”.
Dở khóc dở cười nhất là những ý kiến kiểu “Tôi nghi ngờ trang này trá hình, các bạn phải cần thận. Page gì mà toàn khuyên người ta bình tĩnh”. Hóa ra khuyên quần chúng bình tĩnh và lý trí lại dễ có khả năng “trá hình”.
Quan sát số 3: “Quá nhiều tiếng nói, quá ít hành động”
Với sự thu hút của mình, page “6700 người vì 6700 cây xanh” có một lợi thế quan trọng trong việc kết nối cộng đồng tham gia vào phong trào này. Nhưng dường như rất nhiều người quên đây là một fanpage, không phải là một tổ chức bảo vệ môi trường, không phải là một cơ quan chức năng, không phải là một hiệp hội.
Vâng, vậy mà mọi người lại trông đợi vào việc page có thể làm tất cả mọi thứ. Có người đã phải thốt lên “admin không phải ba đầu sáu tay, chúng tôi không thể đến và cứu từng cây xanh”. Tại sao không phải bạn – chính bạn, là người đứng ra thực hiện những điều mà bạn kêu gọi. Tại sao bạn không viết thư lên thành phố, tại sao bạn không chất vấn các lãnh đạo, tại sao bạn không phải là người chụp ảnh và chất vấn những người đang chặt cây mà bạn nhìn thấy?
Nhiều người hài lòng với suy nghĩ rằng “Có ai đó, ở đâu đó, sẽ làm điều gì đó; còn tôi, tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé”.
Lỗi lớn nhất không phải của UBND thành phố, không phải của Sở xây dựng. Lỗi lớn nhất là của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta. Nếu tất cả chúng ta đều có sự hiểu biết, tất cả chúng ta đều có lòng dũng cảm, tất cả chúng ta đều có một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, thế giới này hẳn đã là một nơi tốt đẹp hơn rất nhiều.
Tôi xin trích lại câu nói của Gandhi: “Be the change you want to see in the world”.
Chính quyền là từ nhân dân, điều ấy tôi tin là vẫn còn đúng. Ngày nào nhân dân còn bo bo giữ mình, còn nói nhiều hơn làm, còn tham lợi nhỏ mà bỏ ích lâu dài, thì chính quyền cũng sẽ thế.
…………………………………..
Nếu không phải là bạn, vậy sẽ là ai?
Mấy ngày nay, tôi nghĩ nhiều về việc câu chuyện này sẽ kết thúc như thế nào?
Có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả. Câu chuyện của những cái cây vẫn diễn ra hằng ngày, bởi ngọn nguồn sâu xa của nó chưa bao giờ được giải quyết. Chúng ta quan tâm đến 6700 cái cây hôm nay bởi vì chúng đập vào mắt ta, chúng ảnh hưởng sát sườn ta. Ta bỏ qua ngày ngày hàng triệu cây gỗ trên rừng bị chặt để làm bàn ghế, làm củi, làm cốp pha … bởi vì chúng ở nơi khác. Ta bỏ qua hàng chục triệu con cá mập bị giết mỗi năm để lấy vây, hàng nghìn con gấu bị hút lấy mật mỗi ngày và hàng triệu con rắn kết thúc cuộc đời mình trong những bình rượu mỗi năm. Ngay lúc này đây, nhiều người dân đang kêu cứu trước một dự án lấp sông Đồng Nai để làm khu đô thị.
Nhưng tôi cũng như bạn, chúng ta đều cần một công việc để kiếm sống? Ai sẽ trả tiền cho tôi đi cứu những cái cây? Người ta nói về những thế lực thù địch nấp bóng những tổ chức phi chính phủ quốc tế, nhưng liệu dân ta đã có cái văn hóa đóng góp để có thể tự nuôi sống được các tổ chức xã hội nước nhà? Để có tiền hoạt động, năm nào các bạn trẻ tình nguyện cũng phải gõ cửa các doanh nghiệp để xin mấy đồng tài trợ trong khi chỉ vài trăm người từ bỏ 1 cốc cà phê của mình là đủ.
Tuần sau là Earth Hour. Một chiến dịch toàn cầu về bảo vệ hành tinh, đến Việt Nam được biến thành 1 ngày tắt đèn để tiết kiệm điện. Đến năm nay có lẽ dân ta cũng đã thấy nhạt đi nhiều. Mong đợi biến “mỗi giờ đều là giờ trái đất” của các nhà tổ chức có còn xa mới đạt được. Mỗi ngày Hà Nội vẫn có hàng triệu hành vi vứt rác bừa bãi, hàng nghìn người không đái trong nhà vệ sinh, những chiếc hồ của Hà Nội vẫn hứng cả trăm nghìn cái túi nylon mỗi cái tết ông Công Táo (bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của truyền thông và các tình nguyện viên.
Thông điệp năm nào của Earth Hour cũng rất hay. Từ khóa của năm nay là ‪#‎USEYOURPOWER‬
Nếu không phải bạn, vậy sẽ là ai? Nếu không phải là bây giờ, vậy thì bao giờ? Hãy dùng sức mạnh của bạn, tiếng nói của bạn, sự ảnh hưởng của bạn.
“Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong cuộc sống này”
- Một quản trị viên -

Không có nhận xét nào: