Pages

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Rút tiền dân đua nhau xây trụ sở hàng triệu đô la

VIỆT NAM (NV) - Nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đang thực thi “Chủ nghĩa hoành tráng,” đua nhau gấp rút xây trung tâm hành chính mới hàng ngàn tỷ đồng từ tiền thuế của dân.

Theo truyền thông Việt Nam, mới đây tỉnh Hải Dương đã được chính phủ CSVN đồng ý cho xây trụ sở làm việc với kinh phí khoảng 2,000 tỷ đồng.

                     Trung tâm hành chính mới của thành phố Ðà Nẵng. (Hình: Người Lao Ðộng)

Cùng lúc, một trung tâm hành chính (TTHC) hoành tráng đang được tỉnh Ðồng Nai quyết tâm thực hiện. Theo đó, dự án là tòa nhà 2 khối cao 15 tầng, có tổng vốn xây dựng lên đến 2,200 tỷ đồng, trên diện tích 20 héc ta, trong tổng thể khu đô thị mới Tam Phước, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, dự tính xây xong vào năm 2025.

Trong khi đó, tỉnh Bình Ðịnh cũng đang giao các sở, ngành tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc TTHC. Ðến cuối năm nay, sau khi có phương án kiến trúc phù hợp, tỉnh này sẽ tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế kỹ thuật và xây dựng sau năm 2016. Quy mô tối thiểu trên 10 tầng, kinh phí tạm tính 400 tỷ đồng từ nguồn tiền bán đất, bán các trụ sở của chính quyền và từ ngân sách tỉnh.

Không thua kém, tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai dự án khu đô thị TTHC mới trên diện tích khoảng 700 hecta, trong đó 26 hecta làm TTHC mới, tập trung 101 đơn vị của 5 khối cơ quan. Tổng giá trị đầu tư dự án khoảng 7,000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017-2018.

Ngoài ra, các tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Ðồng, Hà Tĩnh... cũng đã và đang xúc tiến xây TTHC với kinh phí hơn 1,000 tỷ đồng mỗi nơi.

Riêng TTHC mới của tỉnh Bình Dương gồm 20 tầng, 2 tầng để xe, tầng kỹ thuật và bãi đáp trực thăng đã được đưa vào sử dụng năm 2014, tổng đầu tư khoảng 1,400 tỷ đồng.

Theo Người Lao Ðộng, dư luận chung đang rất thắc mắc là việc xây những trụ sở làm việc “khủng” này với vốn đầu tư quá lớn có thực sự cần thiết, nhất là đối với các địa phương còn nghèo?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Phương, phó giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Ðồng Nai, cho biết, việc xây TTHC mới tỉnh Ðồng Nai là phù hợp định hướng phát triển không gian đô thị với quy hoạch cấp vùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Còn ông Nguyễn Thành Hải, phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Ðầu Tư tỉnh Bình Ðịnh nói: “Ðể tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết công việc.”

Trả lời câu hỏi báo Tiền Phong về việc xây TTHC lớn như trên có phí so với nhu cầu thực tế, ông Trần Thanh Liêm, phó chủ tịch tỉnh Bình Dương, khẳng định: “Ðâu có phí, có nhiều cái thuận lợi lắm! Ví dụ như cần triệu tập hội họp, làm việc gấp thì rất nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Ðồng thời là khu hành chính mở một cửa, lợi cho người dân đến liên hệ giải quyết công việc.”

Thành phố Ðà Nẵng hiện là nơi có TTHC to nhất các tỉnh miền Trung, mới khánh thành khoảng 6 tháng, với kinh phí xây dựng 1,981 tỷ đồng, thì được ông Võ Văn Thương, chánh văn phòng thành phố Ðà Nẵng cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, tính tương tác trong lĩnh vực hành chính của thành phố được nâng cao, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiếp cận dễ dàng hơn với một nền quản lý hành chính công thân thiện,” ông Thương nói.

Nhận định về việc này, ông Bùi Ðức Thụ, ủy viên thường trực Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội nhận xét: “‘Chủ nghĩa hoành tráng’ không chỉ hiện diện trong việc xây trụ sở mà lan rộng ở mọi lĩnh vực, cùng với tư duy nhiệm kỳ phải để lại dấu ấn trong thời gian lãnh đạo. Vì thế mới có chuyện tỉnh này có sân bay, tỉnh bên cạnh cũng phải có. Anh có cảng, tôi cũng phải có cảng. Anh có bệnh viện lớn thì tôi phải có bệnh viện vùng....” (Tr.N)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: