Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

ASEAN bất nhất trong hành xử về Biển Đông

SINGAPORE (NV) - Trong khi Malaysia, Indonesia, Singapore thảo luận về việc hợp tác tuần tra chung để bảo vệ an ninh tại Biển Đông thì Campuchia khuyên ASEAN không nên can dự vào những tranh chấp chủ quyền tại đó.

                            Chiến hạm của Philippines tuần tra tại Sulu - vùng biển nằm giữa
                    Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Malaysia đang vận động thành lập 
      lực lượng tuần tra chung tại Sulu như một mô hình hợp tác cho ASEAN. (Hình: Tân Hoa Xã)

Theo Singapore's Today, hải quân Malaysia, Indonesia, Singapore đang thảo luận về việc mở rộng hợp tác tuần tra chung tại Biển Đông nhằm ngăn chặn và tiễu trừ cướp biển. Trước đây, Malaysia, Indonesia, Singapore đã từng hợp tác để ngăn chặn và tiễu trừ cướp biển tại eo biển Malacca.

Trung Quốc từng đòi sở hữu hơn 80% diện tích Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông mâu thuẫn với tuyên bố về chủ quyền của bốn quốc gia thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Việc ba thành viên của ASEAN là Malaysia, Indonesia, Singapore hợp tác tuần tra chung để bảo vệ an ninh tại Biển Đông chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng.

Hồi trung tuần tháng 3, 2015, Trung Quốc từng chỉ trích Hoa Kỳ một cách kịch liệt, sau khi Tư lệnh Hạm Đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đề nghị ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung trên Biển Đông. Lúc đó, tại cuộc gặp gỡ giữa Tư lệnh Hải quân nhiều quốc gia nhân dịp Triển Lãm Hàng Hải Và Hàng Không-Không Gian Quốc Tế ở Malaysia, Phó Đô Đốc Thomas, tư lệnh Hạm Đội 7 của hải quân Hoa Kỳ đã nêu việc hợp tác của hải quân nhiều quốc gia tại vịnh Aden nhằm chống cướp biển như một dẫn chứng minh họa cho tính hiệu quả của việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Đông.

Theo Phó Đô Đốc Thomas, các quốc gia trong một khu vực có thể hợp tác với nhau để bảo đảm an ninh hàng hải mà không xâm hại chủ quyền của quốc gia khác. Tuy việc thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Đông không đơn giản nhưng Phó Đô Đốc Thomas khẳng định, nếu ASEAN muốn thực hiện đề nghị vừa kể, Hạm Đội 7 của hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ.

Ngay sau đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc và ASEAN đã có một “sáng kiến chung,” qua đó các bên sẽ bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông một cách độc lập. Trung Quốc nhận định, đề nghị của Phó Đô Đốc Thomas, không giúp giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách thỏa đáng và cũng không đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của khu vực, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ “tôn trọng nghiêm ngặt cam kết không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.”

Có thể vì thế nên khi đề cập đến dự tính Malaysia, Indonesia, Singapore sẽ hợp tác tuần tra chung để bảo vệ an ninh tại Biển Đông, ông Lai Chung Han, phó đô đốc hải quân Singapore, giải thích, dự tính phối hợp mở rộng việc tuần tra chung tại Biển Đông chỉ vì tại Biển Đông có nhiều điểm mà hải tặc tụ tập và chỉ nhằm đối phó với hải tặc. Ông Lai Chung Han nói rằng, không có quốc gia nào muốn hải tặc tiếp tục hoành hành.

Cũng vào thời điểm này, bà Soeung Rathchavy, ngoại trưởng Campuchia đả mời đại diện ngoại giao của 28 quốc gia tại Campuchia đến họp và tuyên bố, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên để các quốc gia có liên quan trực tiếp đến tranh chấp tự giải quyết với nhau. Ngoại trưởng Campuchia nhấn mạnh, ASEAN không thể phân xử tranh chấp này vì không phải là một định chế pháp lý, đúng-sai là chuyện của tòa án!

Quan điểm của Campuchia chính là lập trường của Trung Quốc từ trước tới nay. Có thể vì vậy mà bà Rathchavy nói thêm, Campuchia hoàn toàn trung lập, không bị Trung Quốc tác động. Bà Rathchavy nói thêm, Trung Quốc không chỉ là bạn bè thân thiết với Campuchia mà cũng là bạn bè thân thiết với một số quốc gia đang gây ầm ĩ! Bà Rathchavy không kể tên những quốc gia cũng là bạn bè thân thiết với Trung Quốc nhưng đang gây ầm ĩ.

Hồi năm 2012, khi đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia từng bị cáo buộc là đã gây chia rẽ nội bộ ASEAN, sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN diễn ra tại Phnôm Pênh năm đó không ra được tuyên bố chung nào bởi những bất đồng trong việc lên án hay không lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ Campuchia cả về kinh tế và quân sự. Giới quan sát thời sự quốc tế tin rằng, Trung Quốc đã và đang dùng Campuchia để phủ quyết quyết định không có lợi cho Trung Quốc của ASEAN. (G.Đ)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: