Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Bùi Tín - Những nét son đầy hứng khởi

Ảnh của hãng thông tấn AP chụp cho thấy blogger Điếu Cày ngồi cạnh nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Ảnh của hãng thông tấn AP chụp cho thấy blogger Điếu Cày ngồi cạnh nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Dịp kỷ niệm 40 năm 30/4 kết thúc chiến tranh năm nay mang lại nhiều niềm vui khác hẳn những năm trước. Nhiều bài bình luận trên các mạng có chất lượng, phơi bày sự thật, nói trắng ra sự thật, chỉ rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến ngày 30/4/1975 là ý đồ xâm chiếm, thôn tính miền Nam bằng vũ lực của Đảng CS cầm quyền trên miền Bắc, ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris năm 1973, cố tình chà đạp các điều khoản «tôn trọng quyền tự quyết của mỗi miền được lựa chọn chế độ chính trị của mình», «tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN», «cam kết không đe dọa dùng vũ lực và không dùng vũ lực», «không bên nào thôn tính lấn chiếm bên nào».

Ngày 30/4 năm nay đông đảo nhân dân Việt Namnhìn rõ thêm rằng nền cai trị của Đảng CS đã mang lại tai họa cho đất nước và nhân dân, dẫn đến tình trạng lạc hậu thê thảm so với các nước láng giềng, là nguyên nhân cơ bản của tình trạng bất công xã hội, tham nhũng tràn lan, giáo dục trì trệ, y tế bệ rạc, văn hóa suy đồi. Cả một tầng lớp trí thức dân tộc cùng một số đảng viên CS có công tâm lên tiếng công khai đòi đảng phải thay đổi cả hệ thống cai trị từ độc đảng toàn trị cổ hủ sang dân chủ đa nguyên, có bầu cử tự do, có tự do lập hội, tự do ngôn luân, tự do tôn giáo.

Điều rất đáng phấn khởi là gần đây nhân dân thủ đô đã xuống đường liên tiếp bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, buộc chính quyền Hà Nội phải ngưng việc tàn sát cây cổ thụ, hứa xử trí nghiêm ngưòi phạm tội. Chính quyền Hà Nội cũng công khai phủ nhận không cử người của ngành công an hay ngành tuyên huấn phá đám các cuộc biểu tình trước đây ở quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm, còn công nhận những công dân thủ đô từng xuống đường chống bành trướng là những người yêu nước. Đây là một điểm son thắng lợi đầu Xuân, có nhiều ý nghĩa của bà con thủ đô ngày càng tự tin khi xuống đường.

Trong khi đó cuộc đấu tranh của 70.000 lao động thuộc công ty Nam Triều Tiên Pou Yuen - Sài Gòn đòi chủ hãng và đặc biệt là đòi chính quyền trung ương phải thay đổi các điều sai lầm trong Luật về bảo hiểm xã hội bất lợi cho người lao động. Quốc hội đã phải lập tức ghi nhận yêu sách quan trọng này và hứa giải quyết. Thắng lợi bước đầu này là một nét son mới của phong trào lao động ở nước ta, một cuộc tập dượt lớn về bãi công quy mô rộng với bài học kinh nghiệm quý về thắng lợi rõ ràng.

Đi cùng với những thắng lợi trên, đông đảo bà con ở huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã kéo nhau ra Quốc lộ A1, làm nghẽn đường, kẹt xe suốt 50 kilômét trong đêm 14 và ngày 15/4, vì không chịu nổi cảnh bụi than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do phía Trung Quốc nhận thầu xây dựng thải ra làm ô nhiễm cả một vùng đất và vùng biển rộng lớn. Công an được huy động hòng dẹp cuộc đấu tranh quyết liệt này, bị đồng bào giáng trả bằng bom xăng tự chế, cuối cùng theo báo Lao động (ngày 20/4) Phó Thủ tưóng Hoàng Trung Hải phải vào tại chỗ xoa dịu, đôn đốc việc làm cống dẫn nước giảm bụi từ bãi xỉ than, còn công khai xin lỗi nhân dân Tuy Phong về tai họa này. Đây cũng là một nét son nữa của cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân, mang lại tự tin cho đông đảo công dân bật dậy dũng cảm bảo vệ cuộc sống của mình, buộc chính quyền phải lùi bước.

Bài học quý giá từ các nét son thắng lợi trên đây là chiếu theo Hiến pháp hiện hành, người dân có quyền tụ họp, biểu tình, xuống đường tuần hành có trật tự, không có ai, kể cả chính quyền như cơ quan hành chính, tuyên huấn, công an có thể hạn chế, cấm cản.

Theo quy định của mọi thể chế dân chủ chân chính, hiến pháp là đạo luật cơ bản của đất nước, là đạo luật gốc, bất khả xâm phạm, không có một đạo luật nào, sắc lệnh, nghị định nào của bất cứ cơ quan chính quyền nào có thể hạn chế, ngăn cản hay xuyên tạc một cách tùy tiện. Nhiều nước đặt ra Viện Bảo hiến hoặc Hội đồng Bảo hiến, có nghĩa vụ bảo vệ triệt để hiến pháp, hủy bỏ những văn kiện, sắc lệnh, nghị định, thông tư, tài liệu nào vi phạm bất cứ điều khoản nào của hiến pháp.

Ủy ban Hành chính quận Hoàn Kiếm cấm nhân dân biểu tình quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm là một quyết định vi hiến khi cuộc biểu tình diễn ra có trật tự và có mục đích chính đáng.

UBHC còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho những người biểu tình ôn hòa, chứ không có quyền ngăn cấm hay cho tay chân phá đám.

Thủ tướng cấm báo chí tư nhân hoạt động cũng là một quyết định vi hiến rõ ràng, cho nên là một sai lầm lớn, đi ngược lại điều khoản của Hiến pháp khẳng định quyền tư do ngôn luận và tư do lập hội của mọi công dân. Quyết định này mọi công dân có quyền bác bỏ, coi như vô giá trị. Do đó, Văn đoàn độc lập và Hội Nhà báo độc lập VN cũng như những tổ chức xã hội dân sự khác như Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Bầu Bí tương thân, Khối 8406, Hiệp hội Dân oan.… tuy không được phép chính thức, vẫn là những tổ chức hợp hiến, chính đáng, đàng hoàng, được xã hội quý trọng. Cũng do đó mà hàng loạt cơ quan báo chí, thông tin, mạng lưới ngoài luồng chính thống, thường gọi là lề trái, «tự do», ngày càng được xã hội tín nhiệm, tìm đọc đông đảo, vượt qua đầu rất xa hàng trăm tờ báo và mấy chục đài phát thanh nhà nước, hàng trăm «dư luận viên» của đảng trâng tráo, đuối lý, mất dần tự tin vì bị công luận chê cười.

Một khi chính quyền mang tên «nhân dân», thực thi những chủ trương quá đáng, như dùng công an để bán bãi, bán tàu thuyền ọp ẹp cho hàng vạn người di tản thành «thuyền nhân» để thu hàng chục vạn lạng vàng chia nhau và nộp quỹ của đảng, hay dùng công an tra tấn người yêu nước chống bành trướng đến chết trong đồn công an, hoặc cướp đất của dân với đền bù rẻ mạt, nhân dân có quyền xuống đường để đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt cho đến thắng lợi, hoặc nhân dân có thể chung lòng thực hiện «bất tuân dân sự» một cách hòa bình, tuần hành đông đảo với những biểu ngữ thích hợp, bãi công, bãi thị, bãi khóa, đều là chính đáng, vì lòng dân là ý Trời, quyền sống an lành trong nhân phẩm của toàn dân là thiêng liêng nhất.

Một nét son tươi rói đầy hứng khởi nữa là nhà báo Điếu Cày kiên cường từng bị kết án 12 năm tù giam ra tù trước thời hạn được Tổng thống Barack Obama tiếp đón thân mật trong Nhà Trắng cùng 2 nhà báo nữ của Ethiopia và nước Nga đúng vào dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, trước khi tiếp ông Nguyễn Phú Trọng cũng vào tháng 5 này. Đây là sự kiện nhiều ý nghĩa, là dịp nắn gân xem ông Trọng sẽ xoay sở ra sao trên đất Hoa Kỳ, khi Tổng thống Obama tại cuộc gặp trên đây công khai tuyên bố rằng ông coi tự do báo chí là mối quan tâm ưu tiên trọng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Quả là đầu năm 2015 mang lại nhiều niềm vui, niềm hứng khởi cho mọi người dấn thân cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước chống ách thống trị của chế độ độc đoán toàn trị cộng sản cuối mùa. Những nét son trong đấu tranh cổ vũ mọi người tự tin dấn tới với sức lực thu hút mới, những sáng kiến mới trong khi chính quyền độc đảng đang tiến lui đều khó.

Bùi Tín

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào: