Sau 40 năm trên đất Mỹ, phụ nữ gốc Việt ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong cộng đồng và đóng góp được vào sự phát triển của cộng đồng gốc Việt cũng như cộng đồng người Mỹ nơi họ sinh sống. Tạp chí phụ nữ tuần này trò chuyện với hai người phụ nữ như vậy, hai phụ nữ sống ở hai nơi khác nhau trên đất Mỹ và đi những con đường khác nhau. Tuy nhiên, những hoạt động của họ đang làm đẹp thêm hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trên quê hương thứ hai này.
Bà Nguyễn Thu Hương vừa được bầu là chủ tịch cộng đồng người Việt ở thành phố Charlotte, bang North Carolina. Bà đến bang này từ năm 1984, để làm việc cho hãng máy tính IBM sau khi tốt nghiệp trường đại học Purdue danh tiếng tại bang Indiana.
Sự trưởng thành của phụ nữ Việt
Là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vị trí chủ tịch cộng đồng ở thành phố có khoảng 15.000 đến 16.000 người Việt Nam này. Bà Thu Hương nói:
Đã đến lúc người phụ nữ phải hoạt động, tham gia tích cực hơn nữa vào trong cộng đồng của mình. Ngày nay, người phụ nữ cũng đã tham gia vào các lãnh vực của đời sống. Cá nhân tôi, một phụ nữ, thì tôi nhìn thấy rằng mình cũng có trách nhiệm phải cộng tác với xã hội, cộng đồng của mình, chính quyền địa phương, cộng đồng bạn để nâng cao đời sống người dân địa phương và khuyến khích người dân tham gia vào tất cả các sinh hoạt của cộng đồng. Mình tham gia thì mới có tiếng nói với cộng đồng. Đó là một trong những lý do tại sao tôi nhận là chức vụ chủ tịch. nhưng mà điểm chính là tôi là chiếc cầu để tạo điều kiện, thu hút giới trẻ Việt Nam tham gia vào cộng đồng vì tôi thấy là giới trẻ ở Charlotte có nhiều nhiệt huyết và với cái nhiệt huyết, các em có thể trở thành người lãnh đạo, bảo tồn văn hoá, phát triển văn hoá, dân tộc của mình.
Trong suốt hai mươi năm tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng ở thành phố Charlotte, bà Nguyễn Thu Hương nhận thấy một sự trưởng thành của phụ nữ Việt trong cộng đồng này. Họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung và đặc biệt cũng đã bắt đầu xuất hiện những người phụ nữ đóng vai trò dẫn đầu, lãnh đạo nhóm. Bà nói:
Ngày xưa lúc mà tôi mới đến, người phụ nữ Việt Nam mình còn có tính nhút nhát, không muốn ra ngoài cộng đồng mà giúp, để mà mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình khi mà thấy sai lầm nào đó của người đồng hương, hoặc không dám sinh hoạt mạnh mẽ với cộng đồng. Nhưng mà 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây tôi thấy một sự trưởng thành là các em giới trẻ tham gia nhiều hơn, đến với cộng đồng nhiều hơn và đi vào mọi lĩnh vực của cộng đồng. Các em bây giờ không những tham gia không thôi còn làm những tiết mục văn nghệ như là Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu áo dài.
Tính đến năm 2012, có tổng cộng gần 1,3 triệu người Việt Nam định cư khắp nước Mỹ. Trong vòng bốn thập kỷ qua, người Việt Nam từ một nhóm di dân ít ỏi đã phát triển trở thành một trong những nhóm người nước ngoài lớn nhất ở Mỹ. Quá trình di cư sang Mỹ của người Việt diễn ra trong ba đợt di dân lớn.
Cho đến nay, 40 năm kể từ khi làn sóng di cư đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ, người Việt đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào cộng đồng ở đây. Phụ nhữ cũng vậy và ngày càng có nhiều người đảm nhận vai trò lãnh đạo. Một ví dụ điển hình là bà Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn tại tiểu bang California, nơi tập trung nhiều người Việt Nam nhất trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Bà Nguyễn Thu Hương nhận định về sự trưởng thành của phụ nữ Việt trên đất Mỹ như sau:
Ngày nay chúng ta có những giới trẻ, phụ nữ đã tích cực tham gia, như là trong quân đội, thí dụ như ta thấy các em nữ là thiếu uý, trung uý học ở West Point, hoặc các em phụ nữ là các cấp lãnh đạo trong các hãng xưởng của Mỹ. Trong thập niên qua, người phụ nữ Việt trưởng thành rất nhiều so với 20 năm về trước. Tôi thấy 10 năm sau này không nhiều thì ít mình đã thu nhập được văn hoa của Mỹ. Giới trẻ sinh ra ở Mỹ, các em đã thâu thập được nền văn hoá Mỹ nên các em đã ra cộng đồng, giúp cho cộng đồng đào tạo những người có nhiệt thuyết và đào tạo môi trường cho các em trở thành người lãnh đạo. Như ở cộng đồng thành phố Charlotte, các em thay đổi nhiều lắm, có thể nói rằng là các em đã đạt được mức khá cao về sự hiểu biết trong cái trách nhiệm người công dân, người trẻ đứng lên mà giúp cho cộng đồng. Nhiều khi tôi chỉ tạo một dịp thôi, các em tự động xung phong, nhận lấy trách nhiệm đó và hoàn thành trách nhiệm đó rất tốt đẹp.
Phụ nữ Việt làm từ thiện
Chị Holly Phan ở New York là một ví dụ chứng tỏ sự trưởng thành cũng như tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cộng đồng. Chị Holly sang Mỹ từ những năm đầu của thập niên 80 khi mới còn là một cô bé 12 tuổi. Sau hơn 30 năm sinh sống ở quê hương thứ hai này, chị Holly tìm đường về quê mẹ, làm từ thiện giúp người nghèo tại Việt Nam. Chị tự thân vận động bạn bè, hội đoàn cả người Việt lẫn người Mỹ cùng tham gia các công tác từ thiện như chị.
Holly cho biết nguyên nhân tại sao chị lại vận động những người trong cộng đồng tại New York đi làm từ thiện ở Việt Nam như sau:
Tôi đi làm từ thiện từ cuối năm 2008, đầu năm 2009. Trong mấy chuyến đi về Việt Nam trước đó, tôi thấy dân mình nghèo mà không biết giúp đỡ như thế nào, chỉ biết mình đi ngang những người nghèo, mình cho năm, ba đồng vậy thôi chứ không biết mà xây nhà tình thương, hay là những căn nhà mơ ước, khi đó mình chưa biết, không có người liên hệ ở bên đó nên muốn lắm mà không biết làm thế nào. Đúng là nhà người ta rách nát hết, mình muốn xây mà thay đổi cuộc sống cho người ta. Nhà mà lỗ chỗ nắng mưa gì cũng thấy hết nên tôi muốn xây nhà che nắng che mưa cho họ. Nếu chẳng may có bão đi ngang là tôi nghĩ cuộc sống của người ta cũng không còn. Nên giúp được gì thì tôi giúp. Kể từ đó, tôi giúp xây được 13 căn nhà năm 2009 ở Tiền Giang, năm 2010 thì xây ba căn nhà. Sau đó thì tôi tập trung cho hội mổ tim, đi toàn thế giới giúp bệnh nhân, trong đó có Việt Nam.
Chị Holly cho biết chị kêu gọi cộng đồng người Việt và cộng đồng người Mỹ bằng việc tổ chức các buổi gây quỹ hoặc kêu gọi đóng góp trên mạng xã hội.
Năm 2012 tôi mở một buổi tiệc gây quỹ, nhắm đến cộng đồng người Việt Nam mình. Tôi cũng có một tiệm nail, nên có mời được phân nửa là khách hàng người Mỹ. Đêm đó, tôi gây quỹ được hơn 15.000 đôla. Khi đó, chủ tịch cộng đồng và hội trưởng nhà chùa tại thành phố tôi nói đây là con số phá kỷ lục, chưa ai làm được như vậy. Đến năm 2013, hội mổ tim đi về Việt Nam. Lúc đó, tôi nỗ lực tổ chức một buổi gây quỹ nữa và đêm đó thì chỉ có người Mỹ tới dự thôi. Tôi cũng gây quỹ được 45.000 đôla.
Trong năm 2013, chị Holly đi cùng hội mổ tim CardioStart International gồm 30 bác sĩ, y tá tới Việt Nam giúp cho những người nghèo bị bệnh tim ở đây. Chị vừa là người gây quỹ, vừa là người lo hậu cần, thông dịch viên giữa hai bên.
Trong hai tuần đó, họ cứu được 22 mạng sống cho các em bé nghèo và người nghèo miễn phí. Không những vậy, các bác sĩ, y tá bên này truyền được kỹ thuật bên này cho những người ở bển.
Chị Holly chuẩn bị đi thi Hoa hậu Quý bà trước hết là bang New York, sau đó là toàn nước Mỹ với hy vọng vị thế mới của chị sẽ giúp việc làm từ thiện được lan rộng hơn, giúp được nhiều người hơn.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở hay đề tài cho trang tạp chí, xin mời quý vị gửi email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc trang Facebook tại www.facebook.com/haininhrfa. Hải Ninh xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quý vị tuần sau
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét