Pages

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Tàu Hải Quân Việt Nam ở đâu khi ngư dân gặp nạn?

Không chỉ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc còn bắt ngư dân Việt phải đóng lệ mới được phép đánh bắt.  (Ảnh: Thời Nay)
Không chỉ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc còn bắt ngư dân Việt phải đóng lệ mới được phép đánh bắt. (Ảnh: Thời Nay)

Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa ra thông báo cấm đánh bắt cá trên biển từ 12 giờ ngày 16/5/2015 đến 12 giờ ngày 1/8/2015, trong vùng biển từ 12 độ vĩ bắc đến đường giao giới vùng biển giữa tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến (tức cả vùng biển vịnh Bắc Bộ của Việt Nam).

Đây không phải lần đầu tiên phía Trung Quốc đưa ra lệnh cấm như vậy, trong khoảng thời gian này những năm trước đây, Trung Quốc cũng cấm không cho đánh bắt, nhưng ngư dân Việt cũng đã quen với lệ này. Ví dụ năm 2011, Trung Quốc cũng ra thông báo cấm hoạt động đánh bắt trên biển thời gian từ 16/5 đến 1/8.
Lý do cấm đánh bắt phía Trung Quốc đưa ra là nhằm bảo vệ cá đang thời kỳ sinh sản.
Mặc dù truyền thông trong nước đều đưa tin phản đối lệnh cấm của Trung Quốc và khẳng định rằng các ngư dân vẫn ra khơi, nhưng thực tế ngư dân Việt Nam ra biển với tâm lý rất lo lắng. Đã có rất nhiều tàu của ngư dân bị Trung Quốc đâm hỏng, tài sản bị tịch thu, bị đánh đập, có người còn mất cả mạng sống.

Không chỉ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc còn bắt ngư dân Việt phải đóng lệ phí mới được phép đánh bắt.

Ngư dân phải mua giấy phép của Trung Quốc

Trung Quốc phát hành giấy ‘thông hành hải’ bán cho ngư dân Việt Nam, phải có ‘thông hành hải’ thì việc đánh bắt cá mới được Trung Quốc xem là hợp lệ. Giấy ‘thông hành hải’ giá 40 triệu đồng (khoảng 2.000 đô la) cho thời hạn một năm, ngư dân có thể chọn đóng theo thời gian khác nhau.
Nhiều ngư dân Việt đã phải cam chịu mua giấy ‘thông hành hải’ của Trung Quốc nhằm bảo đảm an toàn cho mình, nhất là ngư dân ở Quảng Nam.
Khác với ngư dân Quảng Ngãi đi biển có hội có thuyền, ngư dân Quảng Nam không có hội như thế, nên nếu họ bị tàu Trung Quốc tấn công đâm chìm thì có thể bỏ mạng trên biển mà chẳng ai biết. Vì thế họ đã chọn cách mua giấy ‘thông hành hải’ của Trung Quốc.

Tàu hải quân Việt Nam ở đâu?

Theo lời của các ngư dân bám biển thì các tàu Hải quân Việt Nam chủ yếu tập trung ở 110 độ kinh đông vào đất liền, phía bắc thì từ 16 độ vĩ bắc trở xuống, ngoài phạm vi đó thì tàu Hải quân Việt Nam ít xuất hiện.

Trong khi đó, các tàu ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay hoạt động ngoài khu vực trên nên hay gặp nguy hiểm. Những vụ việc tàu cá Việt Nam bị đâm đa phần nằm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Tàu cá QNg 96011 của ngư dân Lý Sơn bị đâm vào ngày 18/4/2015 thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngư dân trên thuyền bị thương nặng, có ngư dân bị vỡ bàng quang.

Vào ngày 7/1/2015 có đến 3 tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, các tàu bị đập phá và lấy hết toàn bộ tài sản, thiệt hại 300 triệu đồng.

Vào ngày 2/12/2014 tàu cá KH-98192TS của ngư dân Khánh Hòa bị đâm gần quần đảo Trường Sa, sau đó ngư dân bị tấn công, toàn bộ tài sản trên tàu bị lấy hết.

Ngày 14/8/2014 một tàu cá của Ngư Dân Quảng Ngãi khi đang thả lưới gần quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải giám Trung Quốc phát hiện, tàu Trung Quốc thả xuồng với 12 người dùng dùi cui, búa uy hiếp ngư dân, dập phá thuyền và cướp hết tài sản, thiệt hại 200 triệu đồng.

Nếu gặp phải tàu Trung Quốc tấn công ngư dân lâm vào cảnh trắng tay do toàn bộ tài sản đã bị cướp hết. Chi phí cho một chuyến đi biển là khoảng 120 triệu mỗi tàu, có tàu cá phải đi vay mới có tiền đi biển. Nên nếu bị Trung Quốc cướp phá thì coi như trắng tay, đồ nghề đi biển bị mất hết, và còn phải trả nợ vay.

Mỗi khi thấy tàu Trung Quốc, ngư dân có báo cho tàu Hải Quân cũng không thể kịp, phải đến khi bị tàu Trung Quốc tấn công đánh đập cướp phá xong, khi vào bờ mới gặp tàu Hải Quân Việt Nam.

Vậy vì sao tàu Hải Quân Việt Nam không hoạt động ở vùng biển có ngư dân ở Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho ngư dân Việt luôn bị tàu Trung Quốc tấn công ở khu vực này?

Hải quân Việt Nam đã trả lời trên facebook của mình rằng:

“Nhiều bạn hỏi khi đó chúng tôi ở đâu, chúng tôi chỉ im lặng không biết trả lời thế nào vì chúng tôi cũng đang ở trên biển. Biển nước ta rất rộng, Hải quân và Cảnh sát biển tuần tra dù cố hết sức cũng khó lòng bao quát được hết, hệ thống của chúng ta còn hạn chế – vệ tinh chiến lược chưa có nhiều để bao quát mặt biển. Dù biết hiểm nguy luôn tiềm ẩn như vậy, đặc biệt là đối với anh bạn lớn khó lường bên cạnh, chúng tôi vẫn phải ngày đêm tuần tra canh giữ, các ngư dân vẫn phải ra biển xa đánh bắt, vì sao chứ? Vì đó là vùng biển của Việt Nam, nếu chúng ta sợ không dám ra thì có nghĩa là chúng ta đã để chúng đạt được mục đích và thắng một nước cờ rất lớn trước mắt.”

Khi xem lại các tin truyền thông trong nước, chưa có tin nào đăng rằng tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công mà được tàu Hải Quân cứu. Điều này khiến nhiều người tự hỏi phải chăng Hải Quân Việt Nam không thể ra nơi vùng nóng là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bảo vệ ngư dân của mình, mà chỉ tuần tra gần bờ?

Ngọn Hải Đăng

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Không có nhận xét nào: