Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BìnhREUTERS
Cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp tiếp tục lấn át các chủ đề khác trên các báo Pháp hôm nay 04/07/2015. Thời sự về Châu Á hầu như vắng bóng trên các nhật báo. Duy chỉ có tuần san Courrier International, trên mục Tiêu điểm, tập hợp luận điểm các nhà phân tích đăng trên các tờ The Wall Street Journal tại New York và Shun Po của Hồng Kông, dưới một tiêu đề nhận định chung là «Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình – một nhà lãnh đạo chuyên chế ».
Tờ The Wall Street Journal đăng bài nhận định của nhà Trung Quốc học người Mỹ, David Shambaugh cho rằng kể từ khi lên cầm quyền lãnh đạo năm 2012, ông Tập Cận Bình, thay thế Hồ Cẩm Đào đã khoác lên người dáng vẻ của con người đầy quyền lực, chống tham nhũng không nương tay và chống những người đối lập không thương tiếc. Không những ông cứng nhắc trong ý thức hệ, mà còn quân sự hóa chế độ. Một sự tiến triển đáng lo, làm lộ rõ năm kẻ hở quan trọng, theo như đánh giá của nhà Trung Quốc học này.
Thứ nhất là hiện tượng chân trong chân ngoài của giới tài kinh Trung Quốc, những người góp phần làm nên sự giàu có của đất nước. Một thăm dò do văn phòng Hurun thực hiện năm 2014 cho thấy có đến 67% trong số 393 người giàu của Trung Quốc đang chuẩn bị hay có dự định ra nước ngoài. Điều này cho thấy tầng lớp ưu tú của xã hội không mấy tin tưởng vào chế độ và tương lai đất nước.
Thứ hai là cường độ trấn áp chính trị nhắm vào các tiếng nói đối lập trên mọi lãnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, chính trị … đã tăng mạnnh kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012. Nhiều biện pháp nghiêm khắc đề ra nhằm đảm bảo một chính phủ ổn định và an toàn. Những biểu hiện đó cho thấy một trạng thái căng thẳng cao độ và bất định đang ngự trị trong thượng tầng lãnh đạo Đảng.
Thứ ba là sự giả ngây, vờ tuân thủ chế độ của rất nhiều nhân vật trung thành. Nội trường chính trị Trung Quốc như một màn kịch. Các bài diễn văn dài lê thê, buồn ngủ của nhiều nhà bác học của Đảng. Với khuôn mặt vô cảm, cử chỉ như những con rô-bốt và sự ngán ngẩm thể hiện rất rõ, những học giả đó chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền « giấc mơ Trung Hoa », khái niệm chủ đạo của ông Tập Cận Bình.
Thứ tư là nạn tham nhũng mọi tầng mọi cấp trong đảng, chính phủ và xã hội. Chưa bao giờ Trung Quốc có một cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt đến như vậy. Nhưng do thiếu một nhà nước pháp quyền và nền báo chí độc lập, nên cuộc chiến vẫn thật sự chưa có hiệu quả. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ít nhiều gì cũng lộ rõ tính chất thanh trừng có chọn lọc. Rất nhiều đối tượng bị truy bắt là những tay chân thân tín hay đồng minh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Tuy nay đã 88 tuổi, nhưng ông vẫn luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng lên nền chính trị Trung Quốc. Có thể nói là trong cuộc chiến chống tham nhũng này, Tập Cận Bình đang đi những nước cờ liều lĩnh.
Điểm cuối cùng là nền kinh tế Trung Quốc. Những chương trình cải cách mà ông Tập Cận Bình đề ra hồi năm 2013 cho đến giờ vẫn gặp khó khăn trong triển khai. Bởi lẽ, chính sách cải cách đó lại đụng chạm quyền lợi của các nhóm lợi ích, đó là các tập đoàn nhà nước và các quan chức Đảng địa phương, những cản lực chính trong các chương trình cải cách kinh tế.
Shun Po (Hồng Kông) : Củng cố quyền lực bằng quân sự hóa
Nhật báo Kinh tế Hồng Kông Shun-po thì cho rằng để có thể ngự trị trên quyền lực, Tập Cận Bình đã dựa dẫm vào quân đội mà trọng lượng chính trị của phe này ngày càng lớn mạnh. Nhật báo còn nhận thấy lãnh đạo cũng như công dân đều được mời gọi đóng góp nỗ lực vào quốc phòng. Tờ báo đề tựa « Tiến tới nền quân sự hóa ».
Tờ báo ghi nhận kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2013, nhiều tướng tá « thân cận » của Tập Cận Bình được quyền tham gia tranh luận trong các lãnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia. Những nhà ngoại giao am hiểu phương Tây và có tinh thần cởi mở hầu như đã bị gạt ra. Để có thể nhận được một khoản ngân sách quan trọng và để có được tiếng nói trọng lượng hơn trong chính phủ, quân đội luôn ủng hộ Bắc Kinh có thái độ cứng rắn với Hoa Kỳ và tất cả những quốc gia nào có can dự vào « mưu đồ bao vây Trung Quốc » do Mỹ dẫn đầu.
Sách Trắng nhấn mạnh rằng hải quân phải tăng cường nhiệm vụ bảo vệ các vùng duyên hải và vùng xa bờ. Trong khi đó, không quân chỉ có nhiệm vụ « bảo vệ không phận của lãnh thổ ». Sách Trắng cũng chủ trương kêu gọi toàn bộ quân lực cũng như dân chúng phải « tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị chiến đấu trên trận chiến tin học ».
Tất cả những điều này được thể hiện rõ qua các động thái như thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, đưa dàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thậm chí hoàn tất phi đạo trên những bãi đá ngầm được cải tạo xung quanh đảo nhỏ trên Biển Đông. Tờ báo lưu ý là tất cả những hành động trên đều đến từ ý tưởng của quân đội chứ không phải của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét