Đối với những ai theo sát diễn biến trên Biển Đông cũng như khu vực Đông Nam Á, đề nghị lần này của Campuchia gợi khá nhiều tò mò
Tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết Campuchia sẽ tiếp tục tìm kiếm vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia có yêu sách trong ASEAN. Ông Hor Namhong nói: “Campuchia muốn làm trung gian để giảm bớt không khí căng thẳng giữa ASEAN và Trung Quốc, vì chúng tôi hiểu rằng sẽ không thể có giải pháp nếu như hai bên không nói chuyện với nhau”.
Đối với những ai theo sát diễn biến trên Biển Đông cũng như khu vực Đông Nam Á, đề nghị lần này của Campuchia khá gợi sự tò mò. Campuchia không phải một bên tranh chấp trên Biển Đông, và hòa giải là một công việc đòi hỏi cao, ngay cả đối với những quốc gia đi đầu trong ASEAN như Indonesia. Hơn nữa, thất bại của ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được tiến triển trong vấn đề Biển Đông không phải vì không “nói chuyện với nhau” như ông Hor Namhong đã nêu. Lý do thực sự là Trung Quốc đã cố tình trì hoãn trước những biện pháp có tính ràng buộc như Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như có các nỗ lực gây nhiễu loạn và phá hoại sự đoàn kết ASEAN, ngăn cản việc đạt được một giải pháp chung mang tính xây dựng.
Hơn ai hết, ông Hor Namhong phải là người hiểu rõ điều này. Chính ông đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2012, chứng kiến thất bại chưa từng có của ASEAN trong việc không đưa ra Tuyên bố chung. Những nhận định sau đó cho rằng Campuchia đã đồng lõa với Bắc Kinh, trong đó có cả cáo buộc Campuchia đã đưa bản dự thảo Tuyên bố chung cho Trung Quốc, đã làm xói mòn lòng tin trong ASEAN. Các tuyên bố của Campuchia sau sự việc đó cũng không hề giúp trấn an dư luận. Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra những nhận xét cho rằng Biển Đông là vấn đề giữa các nước yêu sách và Trung Quốc chứ không phải vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ ASEAN.
Với tất cả những điều này, thật khó để tưởng tượng Campuchia sẽ trở thành trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, nếu muốn trở nên hữu ích, Campuchia có thể thể bắt đầu với một vài bước đi khiêm tốn: Trước tiên, Campuchia có thể làm theo một số nước trong ASEAN công khai thừa nhận thực tế rằng Biển Đông ảnh hưởng đến toàn khu vực và do đó đòi hỏi phản ứng khu vực ở một mức độ nhất định. Thứ hai, Campuchia cần hành động để chứng minh với các nước thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung rằng mối quan hệ với Trung Quốc không phải trả bằng cái giá của sự đoàn kết ASEAN. Việc này sẽ đòi hỏi nhiều hơn là những tuyên bố hời hợt không mấy giá trị. Ví dụ, các quan chức Campuchia nên kêu gọi sớm có kết luận về COC và thông qua một số cuộc họp giữa Campuchia và Trung Quốc kêu gọi Trung Quốc làm điều tương tự.
Sự gián đoạn đối với hòa bình khu vực và nguy cơ bất ổn định sẽ ngăn cản tất cả các nước Đông Nam Á, trong đó có Campuchia, trên con đường hiện thực hóa thịnh vượng chung - vốn là kết quả của mối quan hệ với các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc. Những bước đi đơn giản nói trên, thay vì tham vọng làm người hòa giải, được cho là sẽ đi xa hơn trong việc khôi phục uy tín của Phnom Penh và thuyết phục các nhà quan sát rằng Campuchia cam kết tích cực để mang lại tiến triển, thay vì cản trở, trong vấn đề Biển Đông.
Theo “The Diplomat”
Mỹ Anh (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét