Pages

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Trương Duy Nhất - Việt Nam đứng ở đâu?

image

 Việt Nam đứng áp chót bảng xếp hạng “quốc gia đáng sống” của Liên Hiệp Quốc, ở vị thứ 124/125 quốc gia được khảo sát, chỉ trên mỗi anh Lybia.

Có thể nhiều người không vui vì chỉ số bét bảng này. Tôi lại thích. Những thông số chân xác này giúp người Việt biết được mình đang ở đâu. Chứ không phải như trước đây mấy năm, khi có cuộc thăm dò xếp người Việt lạc quan nhất thế giới thì báo chí nhất đồng nhảy cỡn như thể thế gian này chỉ mỗi ngừoi Việt, như thể cái “thời đại Hồ Chí Minh là rực rỡ nhất trong lịch sử”, như thể cái “dân chủ XHCN” của người Việt là “gấp vạn lần dân chủ tư bản”!

Nghe vậy, khéo thiên hạ lại bảo người Việt điên!

Tôi cực thích câu thơ mới viết của Nguyễn Thông: “Người ta đang dối trá với chính mình/ trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh”.

Mấy năm trước, khi báo chí và quan tình cả nước đang nhảy cỡn hò reo vì cái chỉ số “hạnh phúc nhất thế giới” của người Việt, tôi đã viết vầy:

Trong khi báo chí tỏ ra hồ hởi trước kết quả về chỉ số niềm tin “nhất thế giới” của người Việt, tôi lại nhìn đó là một nỗi lo. Nỗi lo về cái bản tính tiếp nhận các hiện tượng, sự thể và cuộc sống một cách rất dễ dãi theo cảm tính, hiếm khi biết lật ngược lại vấn đề, dễ chấp nhận dễ hòa nhập, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.

Vương Trí Nhàn có câu: “Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn- người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn Việt Nam khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu, Tô Hoài…, luôn luôn chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết…!”

Xã hội Việt, nhìn từ đó mà ra. Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn. Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin kia là đáng lo chứ không phải đáng mừng.

Trương Duy Nhất

(Blog Một góc nhìn khác)

Không có nhận xét nào: