Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Để Quân đội xứng với tên Quân Đội Nhân Dân…

AFR Dân Nguyễn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với hai Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ tại lễ trao quyết định thăng quân hàm Đại tướng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với hai Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ tại lễ trao quyết định thăng quân hàm Đại tướng. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 5 tháng 10 vừa qua, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang (TTS) phong quân hàm đại tướng cho hai ông tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ.
Trong lời phát biểu, ngài chủ tịch nước đã nhấn mạnh công lao của hai ông tướng này.TTXVN đưa tin: (Đảng, nhà nước) “…ghi nhận những đóng góp to lớn, đặc biệt của cá nhân mỗi đồng chí trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Đã “to lớn” còn thêm “đặc biệt”. Như vậy chứng tỏ công lao của hai ông tướng này là lớn lắm. Tuy nhiên, những công lao “to lớn” và “đặc biệt” này của hai ông, nếu có thì chỉ đảng, nhà nước biết, ghi nhận; hoặc giả đó chỉ là những sáo ngữ kinh niên trong những diễn văn mà các quan lại cộng sản hay dùng trong các diễn văn, vô thưởng vô phạt, chẳng “chết” ai, chẳng biết ai nghe hay bỏ ngoài tai… Còn Nhân Dân, thậm chí còn chẳng biết tới tên tuổi, mặt mũi hai ông tướng này cho tới trước ngày phong chức, đừng nói tới công lao đặc với chẳng biệt…

Nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng nói ở đây. Và sự kiện ông thủ tướng “đáp lễ” sự kiện này bằng một sự kiện khác không kém phần đình đám, bằng việc phong bốn vị tướng khác vào chức thứ trưởng Bộ quốc phòng ngay sau đó… cũng không phải là nội dung bài viết này đề cập.
Sau khi đưa con ngáo ộp “các thế lực thù địch” ra để hù dọa, ông chủ tịch nước nhấn mạnh việc quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, nhà nước và Nhân Dân. Và người ta được thấy trong bài diễn văn tuy ngắn nhưng không dưới ba lần, ông chủ tịch nước lập lại rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng, nhà nước, (sau đó, còn chút trung thành nào thì mới dành cho) Nhân Dân!
Nghe xong lời phát biểu của ông chủ tịch, dư âm còn lại khiến người ta có cảm giác quân đội, giống như tiền thuế do Dân nộp, nhưng đảng, nhà nước được quyền chi tiêu; thì ở đây, quân đội “từ Nhân Dân mà ra”, cũng do đảng, nhà nước toàn quyền ra lệnh, sử dụng, sở hữu! Và đối tượng mà quân đội phải trung thành trước tiên, và trung thành tuyệt đối, lại không phải là đối tượng nơi quân đội sinh ra…
Hệ lụy là, giống như thằng con bất hiếu, dám cãi chửi, thậm chí đánh lại cha mẹ mình, thì QĐ, trong tay đảng, sẵn sàng được sử dụng để đàn áp Nhân Dân (mà “vụ Tiên Lãng” là một điển hình)… Và đó có thể mới chỉ là sự tập dượt mà đảng tiến hành, để trong tương lai, nếu có sự “tức nước vỡ bờ”, đảng sẽ dùng QĐ như những thứ cần dùng vào việc “be bờ” chắn lũ… Thảm họa cho Dân Tộc, cho Nhân Dân sẽ là khôn lường khi QĐ trong tay đảng sử dụng. Đó có lẽ cũng là lý do lộ rõ vì sao đảng rất coi trọng và một mực đòi QĐ phải trung thành với mình. Nếu chỉ để QĐ thực thi đúng thiên chức là bảo vệ Tổ Quốc, thì chẳng cần phải nêu nhiệm vụ trung thành với đảng lên hàng đầu.
Trong Hiến pháp sửa đổi 2013, đảng cũng đã “thành công” trong việc đưa vào HP một điều khoản xác định nhiệm vụ của QĐ trước tiên là bảo vệ đảng. Hơn thế, đảng còn không chấp nhận quan điểm phải phi chính trị hóa QĐ. Nghĩa là đảng “buộc” QĐ phải có màu sắc chính trị. Nói cách khác, cụ thể hơn: đảng coi (hay biến) quân đội thành vật sở hữu của riêng mình.
Chúng ta đều biết, quân đội được sinh ra là để bảo vệ quốc gia, Dân Tộc. Mà quốc gia, Dân Tộc hay Tổ Quốc, nói gọn lại là Nhân Dân.
Trong các triều đại phong kiến, quân đội là của triều đình. Quân đội không chỉ được sử dụng vào việc bảo vệ Đất Nước, cương vực lãnh thổ, (đương nhiên), mà còn được sử dụng vào việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Nhân Dân nữa. Như vậy, dưới các triều đại phong kiến, quân đội không chỉ làm đúng chức năng thiên chức là đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, mà nó còn được sử dụng để đàn áp các phong trào yêu nước của chính Nhân Dân. Nhân Dân đứng lên khởi nghĩa, hòng lật đổ triều đình khi mà triều đình, hoặc phạm tội bán nước, hèn hạ trước giặc ngoại xâm, hay nhũng nhiễu ăn chơi đàng điếm trên nỗi thống khổ của dân đen sẽ bị QĐ trung thành tuyệt đối với nhà vua thẳng tay đàn áp…
Khi có chính biến, một triều đình hợp lòng dân bị một thế lực bất chính lật đổ, hay một cuộc khởi nghĩa của Nhân Dân thành công, lật đổ một triều chính đã thối nát… trong cả hai trường hợp trên, quân đội được “làm lại” trên phông nền của triều đại mới, trong tay của thế lực mới lên nắm quyền. Những sự thanh trừng, trả thù đẫm máu, tàn bạo vô độ, tàn sát biết bao người, trong đó có những nhân tài quân sự của triều đại trước, mà triều đại mới lên không muốn và không bao giờ “dùng”…
Lại nữa, có những “trung thần”, dù biết triều đình mà mình phục vụ đã thối nát, đã bị Nhân Dân vùng lên lật đổ, vẫn một lòng “trung thành tuyệt đối” với triều đình cũ đến mức không quy hàng, mà “tuẫn tiết”!
Trong mọi trường hợp, dù bị trả thù, hay “tuẫn tiết”, đều là sự lãng phí nhân tài không cần thiết.
Có điều này, là bởi vì đâu? Là bởi lòng “trung” không được đặt đúng chỗ chăng?  Không xác định đúng đối tượng để mà “trung”, ấy là thảm trạng.
Trong một cơ chế đã được thể chế hóa, được hiến pháp hóa như ngày nay đối với quân đội, là QĐ phải tuyệt đối trung thành với đảng, QĐ không được phi chính trị hóa…người ta thấy nó là thứ bản sao của quân đội triều đình phong kiến. Và vì QĐ bị buộc chặt vào sự sinh tử của triều đình (chứ không phải buộc vào sinh tử của Dân Tộc), khiến người ta thấy thấp thoáng những sự thanh trừng nồi da xáo thịt trong QĐ khi có chính biến dưới các chế độ cộng sản…
Vài năm trước, “Mùa xuân Ả Rập” nổ ra, như một phản ứng dây chuyền, kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ độc tài ở khu vực này. Sự thay đổi chính trị tại đây không mấy đổ máu, và là sự ghi dấu tiến bộ của một bộ phận nhân loại, có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân quyền biểu tình của nhân dân không bị tước bỏ như dưới các chế độ độc tài cộng sản, còn có một nguyên nhân khác. Đó là QĐ đã đứng về phía nhân dân, hay chí ít nó cũng không chịu sự điều khiển tuyệt đối của chế độ, không nổ súng vào dân.  Nghĩa là, nó “phi chính trị hóa”.
QĐ là tài sản của quốc gia. Trong một chế độ chính trị văn minh được thiết lập, thì QĐ nhất thiết phải xác định mục tiêu là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chứ không phải bảo vệ bất cứ đảng phái nào. Nói một cách hình ảnh, thì quân đội trong những chế độ dân chủ là thanh kiếm không thuộc quyền sở hữu của bất cứ cá nhân, tổ chức, đảng phái nào, mà nó chỉ thuộc về nhân dân. “thanh kiếm” này sẽ được nhân dân trao vào tay chế độ dân cử cho tới khi chế độ này hết vai trò lãnh đạo, cũng là lúc chấm dứt vai trò quyền sử dụng “thanh kiếm” này… Hiểu cách nôm na hơn nữa, thì QĐ là kho vũ khí của quốc gia. Đảng nào lên nắm quyền, thì được quyền mở kho vũ khí, sử dụng cho tới cuối nhiệm kỳ, để rồi nhường lại quyền sử dụng cho đảng khác thắng cử tiếp tục sử dụng.
Người ta chưa quên cảm xúc mạnh khi quân đội Ai Cập tuyên bố không nổ súng vào các cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân nước này vài năm trước. QĐ đóng vai trò trung lập khi tuyên bố để cho hai phe tự dàn xếp, vãn hồi trật tự và chỉ can thiệp, sẽ can thiệp nếu hòa bình không được vãn hồi.
Trong một chế độ dân chủ, người ta thấy không chỉ QĐ thuộc về nhân dân, mà ngay lực lượng công an cảnh sát hay bất cứ lực lượng vũ trang nào cũng không thuộc một đảng nào hết. Nó chỉ thuộc về nhân dân, thuộc về nơi sinh ra nó, và đương nhiên nó chỉ phục vụ “đấng sinh thành”. Ấy cũng là đạo lý!
Buộc QĐ trung thành tuyệt đối và trước hết với đảng, với nhà nước của đảng, khiến người ta liên tưởng tới những viên tướng và bộ sậu của mình phải hy sinh đến cùng để bảo vệ bạo chúa, ngay cả khi bạo chúa đang bị truy đuổi gắt, phải chui ống cống. Nó cũng khiến người ta liên tưởng tới những người hầu nữ bị chôn sống cùng trong nấm mồ của một quân vương, bởi họ đã thuộc quyền sở hữu, như những đồ vật tùy vào cách sử dụng, mà một người cho đến chết  vẫn có nguyên quyền sử dụng (!?). Đó đích thị là bước thụt lùi của lịch sử nhân loại. 
Nhà nước cộng sản VN, cũng như các nhà nước khác, nó cũng có quân đội. Chỉ khác là, trong khi mang tên Quân Đội Nhân Dân, nhưng QĐ đó trước hết không thuộc về Nhân Dân!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

DƯỚI CHẾ ĐỘ CS CÂU CHỮ MAH MĨA NHẤT LÀ " NHÂN DÂN " CÁI GÌ CŨNG NHÂN DÂN NHƯNG KHO BẠC LÀ CỦA NHÀ NƯỚC ,ĐẢNG .HẾT THỜI GIAN ,ĐẠO DIỄN PHIM HÀI CƯỜI RA NƯỚC MẮT RỒI ĐCS ƠI .NHÂN DÂN ĐÃ NHÌN RA BỘ MẶT ĐỂU CÁNG BA QUE XỎ LÁ CỦA MÀY RỒI .