Khu vực gần bãi đá Xu Bi - Subi Reef.AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
Trong hai tuần lễ sắp tới, Hải quân Mỹ sẽ cho tàu quân sự tiến vào vùng 12 hải lý chung quanh một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trên đây là tiết lộ của một quan chức Mỹ cao cấp, được nhật báo Anh Financial Times tiết lộ ngày 08/10/2015.
Động thái này nhằm khẳng định lập trường của Washington, không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực. Vấn đề cho tàu hải quân áp sát các hòn đảo nhân tạo đã được giới chức quân sự Mỹ gợi lên từ nhiều tháng nay. Nhiều nguồn tin trùng hợp đã xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc giục Nhà Trắng bật đèn xanh cho chiến dịch được gọi là « tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển » này, nhưng chưa được.
Một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ dè dặt, chính là không muốn gây nên sự cố trước chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh giữa hai nước đang có bất đồng nghiêm trọng trên hồ sơ Biển Đông.
Tuy nhiên, cử chỉ hòa hoãn của Washington đã bị Bắc Kinh đáp trả bằng những hành vi khiêu khích công khai ngay trước lúc ông Tập Cận Bình đặt chân lên đất Mỹ. Điển hình là vụ tàu chiến Trung Quốc thâm nhập vùng lãnh hải Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska vào đúng hôm Tổng thống Mỹ ghé thăm tiểu bang này, và vụ chiến đấu cơ Trung Quốc cắt đường bay của máy bay tuần thám Mỹ trên Hoàng Hải.
Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 25/09 cũng không giúp được hai bên giảm bớt bất đồng trên vấn đề Biển Đông, thậm chí trước đông đảo báo giới Mỹ và quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc còn thản nhiên bác bỏ những lời Mỹ chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa khi cho rằng vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ « ngàn xưa ».
Trong bối cảnh kể trên, Nhà Trắng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ, và như tiết lộ của quan chức cao cấp Mỹ là việc tàu quân sự Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc sắp sửa diễn ra.
Câu hỏi đặt ra vào lúc này là tàu Hải quân Mỹ sẽ thâm nhập vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo nào, trong số 7 đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp ? Đây là một vấn đề mà giới chức quân sự Mỹ cần phải cân nhắc vì các thực thể địa lý mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa có quy chế khác nhau trước lúc bị biến thành đảo nhân tạo.
Nếu căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thì bốn bãi ngầm Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Vành Khăn (Mischief), và Xu Bi (Subi) trước lúc được tôn tạo, thuộc diện « bãi cạn lúc chìm, lúc nổi – Low-tide elevations » cho nên chỉ được quyền có hải phận 500 mét bao quanh.
Ba bãi còn lại là Đá Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross) và Gạc Ma (Johnson) thì được xem là « đảo đá – rocks », có thể có lãnh hải 12 hải lý, nhưng không thể có vùng đặc quyền kinh tế.
Trong mọi trường hợp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận đảo nhân tạo là một cơ sở để cho một nước đòi lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế, do đó Trung Quốc không có quyền viện dẫn quy chế đảo của các thực thể vừa bồi đắp, để cản trở quyền tự do lưu thông của tàu thuyền các nước khác.
Theo báo Nhật Bản The Diplomat hôm 04/10, rất có thể là Mỹ sẽ chọn phương án tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể như Xu Bi và Vành Khăn chẳng hạn, vì kể cả trong trường hợp hai thực thể này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh - điều đang trong vòng tranh cãi – với tư cách là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi trước lúc được bồi đắp – các cấu tạo địa lý này chỉ được tối đa 500 mét bao quanh.
Và công việc đó cũng đủ để cho chứng tỏ một cách rõ ràng là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc, một điều mà các nước đang bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông đang chờ đợi. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước này có cùng hành động với Mỹ hay không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét