Trung Quốc đã gửi đi một lời cảnh báo dường như nhắm vào Hoa Kỳ chớ nên có thái độ mà Trung Quốc gọi là “khiêu khích” ở Biển Đông.
Lời cảnh báo được ra sau khi có tin tức hôm qua nói rằng quân đội Hoa Kỳ đang có kế hoạch đưa tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết xây dựng với hy vọng củng cố khẳng định chủ quyền trong vùng biển có tranh chấp.
Theo các bản tin, các giới chức Hoa Kỳ nói họ đang cứu xét việc đưa tàu chiến vào trong khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh nói là sự mở rộng hợp pháp của lãnh thổ họ trong vòng 2 tuần sắp tới.
Cả Ngũ Giác Đài lẫn Tòa Bạch Ốc đều không xác nhận các bản tin. Tháng trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter phát biểu về tình hình ở Biển Đông, ông nói Hoa Kỳ sẽ “đưa máy bay, tàu và hoạt động vào hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như lực lượng Hoa Kỳ vẫn làm trên khắp thế giới.”
Hoa Kỳ không thừa nhận những khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng, mà Philippines, Việt Nam và các nơi khác cũng đòi chủ quyền.
Đáp lại một câu hỏi hôm nay về việc Hoa Kỳ có thể tiến hành các cuộc tuần tra, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh “sẽ không bao giờ cho phép bất cứ nước nào vi phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa, nhân danh việc bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không”.
Chưa rõ Trung Quốc có thể có những biện pháp nào. Một bản tin trên tờ South China Morning Post trích thuật một nguồn tin quân sự ở Trung Quốc gợi ý rằng Bắc Kinh có những chọn lựa “hợp lý về phí tổn cho tình trạng đối đầu như thế chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái để ngăn cản tàu bè.
Không nêu đích danh Hoa Kỳ, bà Hoa nói Trung Quốc hối thúc “các bên liên hệ chớ nên có các hành động khiêu khích, và thực sự có một lập trường có trách nhiệm về hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có các khẳng định chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và trong những năm gần đây đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở bán đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa nằm gần như ngay trung tâm những vụ khẳng định chồng chéo nhau đó.
Hoa Kỳ từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào những vụ tranh chấp lãnh thổ đang tiếp diển, nhưng sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển trong một khu vực thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
Biển Đông là nơi có khoảng 5.000 tỷ đô la giao thương hàng năm và trong chuyến đi mới đây đến Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo không nhắm mục tiêu vào bất cứ nước nào.
Trung Quốc nói việc xây dựng thực ra là để củng cố khả năng của họ đóng góp vào sự an toàn của vùng biển và cung cấp những dịch vụ khác như dự báo thời tiết và hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ.
Tuy nhiên, việc hoàn tất hai phi đạo có khả năng xử lý các máy bay quân sự, và các dấu hiệu xây dựng một phi đạo thứ ba, đã khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác kêu gọi Trung Quốc đình chỉ hoạt động “quân sự hóa” ở các tiền đồn hẻo lánh gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Bill Ide
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét