Pages

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Ngô Nhân Dụng - Giấc mơ cải tổ của Tập Cận Bình


clip_image010

 Ngày Thứ Hai, 30 Tháng Mười Một, 2015, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) quyết định chấp nhận đồng tiền Trung Quốc làm tiền dự trữ. Từ năm năm nay, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã vận động xin IMF nhưng không được, năm nay mới thành công. Trung Cộng hy vọng đồng nguyên sẽ được nhiều người sử dụng, ngân hàng trung ương nhiều nước có thể giữ trong kho ngoại tệ dự trữ, giống như đô la Mỹ, đồng Euro, bảng Anh, và đồng yên Nhật Bản.

Tại Bắc Kinh, báo đài ca ngợi địa vị mới này, tạo cho dân chúng Trung Hoa một ảo tưởng! Họ nghĩ rằng lâu nay đồng đô la Mỹ chiếm địa vị cao, được nhiều quốc gia sử dụng để giao dịch với nhau và giữ làm dự trữ ngoại tệ; nay đồng nguyên đứng ngang hàng với đô la thì uy thế của Trung Quốc trong kinh tế, tài chánh thế giới cũng cao hơn. Nghĩ như vậy là lẫn lộn nhân với quả. Ðịa vị của đồng đô la là do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ chứ không phải vì đô la mạnh nên kinh tế Mỹ cao hơn. Ðồng nguyên được IMF công nhận vì kinh tế Trung Quốc lớn hàng thứ hai trên thế giới và số lượng hàng xuất nhập cảng lớn, một điều kiện đã được thỏa mãn.

Quyết định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế có một ảnh hưởng chính trị, là thúc đẩy chương trình cải tổ cơ cấu đang được Tập Cận Bình theo đuổi và vẫn bị phe bảo thủ trong đảng ngăn cản. Một trong những cải tổ là cho đồng nguyên được mua bán tự do, điều kiện thứ hai. Quyết định hạ giá đồng nguyên cho phù hợp với giá thị trường trong Tháng Chín năm nay của Bắc Kinh đã giúp đồng nguyên thỏa mãn điều kiện này; như bà Christine Lagarde, chủ tịch IMF ghi nhận việc cải tổ có tiến bộ. Nếu Tập Cận Bình không thể tiếp tục cải tổ thị trường tài chánh để đạt được trình độ minh bạch công khai thì đồng nguyên sẽ mất uy tín và có thể sẽ bị IMF rút ra khỏi kho dự trữ.

Hai năm trước, ngày 15 Tháng Mười Một năm 2013, Cộng Sản Trung Quốc đã công bố việc cải tổ để “thị trường đóng vai trò quyết định” trong nền kinh tế, thay vì chỉ phụ thuộc các quyết định của chính quyền. Một ủy ban cải tổ ra đời do chính Tập Cận Bình cầm đầu, nhằm “thiết lập các quy tắc thị trường công bằng, cởi mở và công khai,” như Tân Hoa Xã loan báo.

Nhưng trong năm qua, Trung Cộng đã đi những bước giật lùi trên con đường cải tổ; tiêu biểu nhất là chính quyền can thiệp một cách “trắng trợn” vào thị trường chứng khoán để giữ giá các cổ phiếu; tiếp theo là những “chương trình kích cầu” để giữ cho tỷ lệ phát triển không xuống dưới 7%. Những biện pháp đó cuối cùng vẫn không thành công. Thủ Tướng Lý Khắc Trường mới lên tiếng chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng 6.9%. Một bản phúc trình của Demand Institute, một cơ sở nghiên cứu uy tín ở New York do hai công ty Nielsen và The Conference Board thành lập, tiên đoán kinh tế Trung Quốc thực sự chỉ tăng được trung bình 4.5% mỗi năm từ năm 2015 tới năm 2020.

Thứ Sáu tuần trước, 27 Tháng Mười Một, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại tụt giá mạnh hơn 6%. Vụ tụt giá này diễn ra sau tin ba công ty đầu tư Citic (Trung Tín, 中信) Haitong (Hải Thông, 海通) và Guosen (Quốc Tín, 国信) bị điều tra về tội lũng đoạn thị trường. Sau đó, trong hai ngày đầu tuần này thị trường vẫn chưa phục hồi, chứng tỏ giới đầu tư không tin tưởng vào tính chất minh bạch, công khai của cả hệ thống vì chính quyền vẫn đóng vai trò chỉ huy. Mặc dù đã can thiệp “vũ bão,” Cộng Sản Trung Quốc không thể “sai khiến” được thị trường. Kể từ ngày 25 Tháng Tám, 2015 khi thị trường xuống thấp nhất, chỉ số giá cổ phiếu Thượng Hải chỉ lên được 17%, sau khi đã tụt giá một phần ba kể từ cao điểm ngày 12 Tháng Sáu.

Cải tổ thị trường chứng khoán và hệ thống tài chánh là việc tương đối dễ, so với việc thay đổi các xí nghiệp quốc doanh. Bởi vì quyền lợi của những người đang được hưởng trong hệ thống hiện hữu quá lớn, và họ sẽ tìm mọi cách cản trở. Giới bảo thủ này rất mạnh vì họ nhân danh quyền thống trị của đảng Cộng Sản.

Một tài liệu tiết lộ từ công ty Cosco (Trung Quốc Viễn Dương Viễn Du Công ty, China Ocean Shipping Company, 中国远洋运输公司) biểu hiện tình trạng này. Trong tuần lễ cuối Tháng Mười, 2015, một bài diễn văn dài 9,000 chữ được công bố trên mạng, trước khi bị tháo gỡ. Bài này ký tên Từ Ái Sinh (Xu Aisheng, 徐爱生), một thanh tra trong ban kiểm soát của đảng bộ Trung Viễn Tập Ðoàn (COSCO group, 中远集团). (Tên Cosco này không có chữ T như tên công ty bán hàng Costco ở Mỹ).

Bài diễn văn có tính chất thời sự vì liên can đến cuộc thương thuyết đang diễn ra để kết hợp hai công ty vận tải đường biển lớn nhất Trung Quốc, Cosco và China Shipping Group (Trung Quốc Hải Vận Tập đoàn, 中国海运集团). Từ Ái Sinh kể rằng ông ta đã chất vấn chủ tịch công ty Cosco là Mã Trạch Hoa (Ma Zehua, 马泽华): “Ông có nhớ rằng ông là bí thư đảng ủy hay không? Tại sao trong bản đề nghị kết hợp các ông không nói một tiếng nào về ‘củng cố quyền lãnh đạo của đảng’? Ông phải tự phê bình!” Từ Ái Sinh còn dọa nếu sai sót này tái phạm, sẽ báo cáo lên ủy ban “Kỷ Luật, Kiểm Tra Trung Ương (中央纪律检查委员会).” Sau đó, chủ tịch họ Mã đã “thành khẩn” nhận lỗi và hứa sửa sai.

Tập đoàn Cosco làm chủ một ngàn công ty nhỏ, hoạt động trên 50 lãnh thổ, tổng cộng thương vụ vào năm 2013 là 66 ngàn tỷ nguyên, hơn 10 ngàn tỷ Mỹ kim nhưng trong ba năm liên tiếp đều bị lỗ tới chục ngàn tỷ đồng nguyên. Từ Ái Sinh khoe đã thắng ông chủ tịch công ty vì mấy ngày trước đó, Trung Ương Ðảng đã ban hành chỉ thị nói việc cải tổ kinh tế phải “tăng cường lãnh đạo của đảng.” Trong bài diễn văn (chắc nói trong nội bộ Ban Kiểm Tra) Từ Ái Sinh còn “mách bu” rằng ngày đầu tiên tới công ty làm việc ông ta hỏi tại sao trong trụ sở công ty không treo cờ đảng. Ông chủ tịch công ty hứa sẽ treo, nhưng cả tuần sau vẫn không thấy. Ông chủ tịch Lý Ngọc Bằng (Li Yupeng, 李玉朋) nói tìm lá cờ hơi khó, nhưng Từ Ái Sinh đã đưa 400 đồng nguyên, sai nhân viên ra phố mua ngay một lá cờ búa liềm, trong vòng nửa giờ.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với chính cái chỉ thị của Trung Ương Ðảng mà ông cầm đầu. Chỉ thị này đi ngược với chủ trương cải tổ các doanh nghiệp nhà nước. Trên nguyên tắc, việc cải tổ sẽ đặt các công ty quốc doanh dưới quyền những hội đồng quản trị, gồm các nhà quản lý chuyên nghiệp, lấy lời lỗ làm tiêu chuẩn. Trong chỉ thị lại nói khác, rằng trong hội đồng quản trị và trong ban giám đốc phải có những đảng viên trung kiên. Quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản được ghi vào trong điều lệ thành lập các công ty, một điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ công khai bắt buộc! Sau phiên họp phê bình kiểm thảo của Từ Ái Sinh, công ty Cosco bắt đầu mời các cán bộ Ban Kỷ Luật và Kiểm Tra tham dự vào tất cả các phiên họp về thăng thưởng nhân viên.

Bản phúc trình về kinh tế Trung Quốc của Demand Institute nhận xét rằng mâu thuẫn giữa “tính đảng” và “ban giám đốc chuyên nghiệp” sẽ khiến Cộng Sản Trung Quốc khó thay đổi cơ cấu kinh tế, khó lòng trở thành minh bạch, công khai và cởi mở. Một nhà báo đã tìm tòi về ủy ban Kỷ Luật Kiểm Tra tại công ty Cosco, tìm ra rằng ủy ban này nhận được báo cáo từ 21,867 người, trong một công ty với 130,000 nhân viên. Mà đây chỉ là một trong nhiều ủy ban của đảng nằm trong guồng máy điều hành công ty! Ủy Ban Kỷ Luật Kiểm Tra thường xuyên tổ chức các buổi họp phê bình và tự phê bình. Trong ba năm qua ủy ban đã tiêu 4 tỷ rưỡi đồng nguyên, tương đương với 800,000 đô la Mỹ trong việc giải trí tại các sân cù (golf).

Tới Tháng Mười Hai năm 2015, việc kết hợp hai công ty Cosco và China Shipping Group vẫn chưa ngã ngũ, sẽ kéo dài qua năm 2016. Với tình trạng hàng chục ngàn người không đóng góp gì vào công việc thực của xí nghiệp nhưng lại nắm rất nhiều quyền chỉ huy, không biết rằng những công ty này sẽ “cải tổ” ra sao! Giấc mơ cải tổ của ông Tập Cận Bình sẽ còn xa vời.

Ngô Nhân Dụng

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: