Pages

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

VNTB - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay “phận mỏng cánh chuồn”

Lê Tuấn (VNTB) Ở một khía cạnh nào đó, bản thân tác giả quý ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này có vẻ điên rồ, nhưng quả thực là vậy, trong một xã hội tư bản đỏ như hiện nay, mà ông vẫn giữ phẩm chất trung kiên về mặt lý tưởng cộng sản là điều đáng trân trọng. Cũng như trong một thể chế đầy bi đát như hiện nay, mà có một công dân Trần Nhật Quang vẫn vững tin lý luận XHCN, xóa bỏ TBCN vậy. 


Tiếc rằng, cả hai ông đều sinh nhầm thời, bởi lý luận XHCN đã thiếu mất đi tính thực tiễn của thời đại, đại họa hơn nó đang cản đường đi của cả 1 dân tộc. 



Khi ông Tổng đề cập về việc, chức vụ Tổng bí thư là phải do người miền Bắc và phải có lý luận, hẳn rằng, ông đang muốn đảm chắn hơn về việc, 5 năm sau nữa, thì ông và những người đồng chí của mình vẫn tiếp tục dịp để “ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng”, và Đảng phải tiếp tục được trường tồn theo một tư duy rất cứng – đảng duy nhất cầm quyền Việt Nam. 

Nhưng ông đang đứng ở ngã ba đường khi mà tính thống nhất trong đảng – nội bộ đảng (điều ông hằng muố`n) vẫn ngày ngày bị phân rã, và dường như lý luận miền Bắc theo cách cổ điển, bám chặt vào Mac-Lênin đã không thể kiểm soát được tình hình. 

Trong lời phát biểu bế mạc Đại hội Đảng khóa X, ông – lúc đó là Tân Tổng bí thư đã từng nhấn mạnh rằng, “Sự thống nhất ý chí của Đại hội biểu thị quyết tâm của Đảng ta là tiếp tục nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, để nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại”. [1] 

VNTB - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và “phận mỏng cánh chuồn”. Ảnh: AFP
Nhưng nay, vào thời điểm người đứng đầu Đảng ở trong giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, thì các yếu tố như “sự thống nhất ý chí; sức chiến đấu của Đảng; nước công nghiệp hóa hiện đại” đã bị phá sản hoàn toàn. 

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 13, BCH T.Ư Đảng khóa XI vừa qua, ông tiếp tục kêu gọi sự “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Đây là chỉ đạo rất hay, rất cương quyết, chỉ thiếu mỗi vế là làm bằng cách nào để hiện thực những điều đó? 

Câu trả lời chỉ có thể là gắn liền với đề dẫn “đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng của Đảng”. Tức là cần đổi mới về mặt lý luận trước khi đề cập đến tính tăng cường tư tưởng hay đúng hơn là mở rộng lý luận dân chủ trong tư tưởng đảng đi đôi với tăng cường kỷ luật trong Đảng.

Một khi ông Tổng và Đảng còn chưa dám đối mặt với điều kiện cần và đủ như trên, thì hình tượng Mikhail Sergeyevich Gorbachev vẫn xuất hiện như một hồn ma đầy ám ảnh. Trong khi đó, ông Tổng và Bộ chính trị hoàn toàn biết rõ ràng, một Gorbachyov không phải là nguyên nhân thúc đẩy sự tan rã của một thể chế, ngay cả khi ông này xuất hiện tại Việt Nam, mà đó là bộ máy quan liêu không còn được kiểm soát bởi lý luận thể chế. 

Do đó, cái tiêu đề mà báo Đại Đoàn Kết đặt ra trong loạt bài gần đây mang tên “Mikhail Gorbachev: Phản bội trên đỉnh Olympus” [2] thực tế ra là một sự lừa dối về mặt nhận xét bản chất của lịch sử, nó né tránh bài học gốc rễ về sự sụp đổ, và chặn đường sự cởi mở về lý luận của lãnh đạo. 

Trở lại với vấn đề thống nhất trong nội bộ Đảng, liệu ông Tổng có giải pháp nào khả thi, khi chính ông lại là một phần trong vấn đề đấu đá, xung đột nội bộ thượng tầng đó? Lý luận miền Bắc về XHCN, về kiên định con đường đi lên XHCN đã làm được bao nhiêu, đến đâu trong giải quyết vấn đề sống còn về mặt thống nhất Đảng và con đường phát triển của dân tộc? Hay nó càng khiến cho nội bộ đảng chia thành nhiều phe cánh, giữa một bên là giữ bằng dược chế độ XHCN, và giữa một bên là cải cách thể chế để đáp ứng sự hội nhập sâu về kinh tế, và trung lập hơn về chính trị với người láng giềng miền Bắc. 

Bởi chính “lý luận miền Bắc” theo kiểu làng quê – che chắn bởi lũy tre và đường hào đã khiến cho cả dân tộc này qua 30 năm (1986 – 2016) vẫn chưa thể đi ra biển lớn. Sự lỗi thời về mặt lý luận cũng chính là nguyên nhân gốc dẫn đến sự tha hóa, tham nhũng, quan liêu trong bộ phận cán bộ, đảng viên ngày hôm nay. 

Thành ra, mới có chuyện lãnh đạo cấp cao của Đảng phải thừa nhận từ một bộ phận nhỏ, đến “một bộ phận không nhỏ đảng viên” suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...” – quan trọng nhất là chưa được (hay không thể) ngăn chặn và đẩy lùi. Dù rằng, ông Tổng cố vớt vát lại bằng cách lý luận rất Bắc “phần lớn cán bộ, đảng viên rất tốt” nhưng những giọt nước mắt lề đảng của ông rơi đã phần nào cho thấy, cái “phần lớn” đó là sự hư ảo, một niềm tin hoài vọng. 

Trong một sự kiện có liên quan, nếu có thể đối sánh, thì cả chế độ này giống hệt như cách thức bầu bán, điều hành chính quyền tại xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) khi Đại hội Đảng bộ địa phương nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra trong “dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm” đã khiến chính quyền xã Hạ Sơn trở thành một gia đình trị, với 10 người là họ hàng, ruột thịt của Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã được sắp xếp vào cơ quan công quyền [3]. Đi từ trường hợp “dân chủ cơ sở” lên Trung ương, thì sẽ dễ dàng nhìn ra tính chất bầu bán, chia chác quyền lợi (lợi ích nhóm) giữa những người “đồng chí” với nhau. 

Do đó, cái gọi là tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ và bầu cử trong Đảng trong đó nhấn mạnh loại bỏ những cá nhân “cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm…” [4] ra khỏi danh sách ứng cử T.Ư là điều phi thực tế. 

Ông Tổng hiểu, Bộ chính trị hiểu hơn ai hết về “một bộ phận những người từng đi theo tư tưởng cộng sản nhưng rồi tha hóa dần và trở thành những kẻ phản bội” không còn dành cho một nhóm người, mà nó trở thành một đại bộ phận – chính đại bộ phận xơ cứng về lý luận này đang tàn phá sức chiến đấu của Đảng. Và diễn giải một cách hình tượng thì chính quyền xã Hạ Sơn là tập hợp của một Gorbachev. 

Ai cũng biết, ai cũng hiểu, vấn đề là không dám nhìn thẳng vào sự thật, mà vẫn còn tìm cách nói giảm – nói tránh. 

Ở một cách nói đỡ chua xót khác, theo hướng “văn học hóa” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng dùng (lẩy Kiều), thì sau 5 năm, một người miền Bắc, có lý luận như ông Tổng cũng chỉ là phận mỏng cánh chuồn trong bầy sâu bọ được nuôi dưỡng bằng quyền lực tuyệt đối XHCN và vật chất tuyệt đối TBCN, dĩ nhiên, đã không còn thể xoay chuyển khuôn vuông tròn thể chế. 

"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay" 

Hẳn là tâm tư lắm chứ! 

Do đó, sự phân định, “Tổng bí thư là người miền Bắc, và phải có lý luận” của ông vì thế chỉ đúng một nửa. Miền Bắc hay Nam gì không quan trọng, quan trọng là phải có lý luận. Nhưng lý luận đó phải được hiểu là sẽ giải quyết đường đi để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, và thống nhất về nội bộ. Một trong các cách đó là xóa bỏ tầm nhìn “mù tịt” kiểu “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”, và thừa nhận rõ rằng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình viễn tưởng, và rằng, “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. 

Chỉ khi khơi thông về mặt lý luận, dám nhìn thẳng vào sự thật như cách mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thể hiện trong ĐH Đổi mới 1986, thì chúng ta mới giải quyết được hàng loạt “hàng loạt vấn đề trên thực tế, như doanh nghiệp nhà nước ngày càng lớn, chi tiêu công phình to, số công chức trong hệ thống nhà nước không thể tinh giản, phân bố nguồn lực ngày càng lệch lạc...” [5] 

Trở lại với câu nói kinh điển của ngươi Cộng sản Việt Nam, "muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN", thì giờ đây, muốn xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, trước hết cần một người có lý luận đổi mới thực sự. Bởi thực tiễn là thước đo của chân lý, là sự phán xét đối với lý luận, chứ không phải là ngược lại. 

Còn nhớ, năm 2011, báo chí Việt Nam giựt tít chuyện ông đi đi xe máy đến thăm thầy cũ của mình, đó là điều đáng trọng. Cái chữ Trọng đối với Thầy cũng giống như cái Trọng đối với lý tưởng của một GS chuyên ngành Xây dựng đảng vậy, nhưng rõ ràng, dân tộc Việt Nam cần được đặt lên một chiếc ô-tô để tăng tốc phát triển, thay vì trên chiếc xe máy để thể hiện cái tôi cá nhân, cái lý tưởng hẹp hòi của 1 đảng phái đang khiến đảng bế tắc lý luận và dân tộc bần cùng phát triển. 

Chú thích: 

[1] vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/6738/ong-nguyen-phu-trong-dac-cu-tong-bi-thu.html 

[2] daidoanket.vn/chuyen-de/mikhail-gorbachev-phan-boi-tren-dinh-olympus/82117 

[3]baophapluat.vn/diem-nong/vu-20-nguoi-ho-hang-cunglam-quan-bo-nhiem-dung-quy-trinh-242716.html 

[4]vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/282605/khong-dua-vao-danh-sach-ung-cu-nguoi-tham-vong-quyen-luc.html 

[5] thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loi-giai.html 


* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả 

Không có nhận xét nào: