Pages

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Góp ý cho Dự thảo Văn kiện đại hội XI


Đại hội Đảng XI sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 1/2010




Hồi đầu tháng 10, Hội Khoa học Kinh tế (KHKT) Việt Nam và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia đã tổ chức một cuộc hội thảo với nội dung Góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XI.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XI đã được mang ra xin ý kiến đóng góp của cán bộ đảng viên và người dân.

Nhưng những ý kiến của 24 vị trí thức hàng đầu Việt Nam, đồng thời là đảng viên kỳ cựu này đang khiến dư luận quan tâm, nhất là sau khi một biên bản của cuộc hội thảo được tung ra lưu hành trên mạng internet.

Cuộc hội thảo do Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội KHKT, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ trì và kéo dài trong khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng được mang ra phân tích là Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Cương lĩnh quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội và Chiến lược Kinh tế-Xã hội 2010-2020.

Sau đây là một số ý kiến đóng góp đáng chú ý được nêu ra trong hội thảo.

Nhận thức lại Chủ nghĩa Xã hội
Ý kiến của nhiều vị đại biểu tham gia hội thảo là cần phải "nhận thức lại" về CNXH và các lý luận và nhận thức trong Cương lĩnh Đảng tỏ ra là đã quá lạc hậu.

GS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nói mô thức tổ chức của CNXH như cách hiểu cũ, với ba yếu tố đặc trưng là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, tổ chức xã hội theo kiểu đấu tranh giai cấp và kinh tế công hữu hóa, kế hoạch hóa.. "đã đến lúc phải đoạn tuyệt".

Ông Tiến cũng khuyến cáo muốn có giải pháp đột phá phải nhằm vào cải cách chính trị, chứ không chỉ cải cách kinh tế.

Phó GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, cũng cho rằng cần điều chỉnh những đánh giá sai, mà đáng tiếc, các văn kiện đưa ra lại chưa làm được điều này.

Ông Lược cho rằng những định nghĩa lạc hậu như: doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo và nền tảng là "phi XHCN" và có hại cho đổi mới.

GS Trần Phương, người chủ trì hội thảo, thì nói phải xác định rõ CNXH là gì và bản thân chủ nghĩa Marx-Lenin mà xưa nay vẫn được coi như "nền tảng" cho sự phát triển cũng "có điều đúng, có điều sai".

Những điều hiểu sai và mơ hồ, theo ông Phương, là "tự lừa dối mình và lừa dối người khác".

GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng Bộ môn Kinh tế trường Đảng Nguyễn Ái Quốc thì nhận xét rằng văn kiện Đảng lần này còn "quá ngổn ngang".

Ông Sâm cho rằng không nên nói tới chủ nghĩa Marx-Lenin trong hành trang của Đảng, vì "ta không có nguyên bản, chỉ có du nhập".

Tóm lại, bản Cương lĩnh quá độ lên CNXH sẽ trình Đại hội Đảng XI bị đánh giá là "thất bại" và cần phải viết lại.

Thậm chí, quan điểm của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, là đề nghị không thông qua Cương lĩnh nếu như không kịp sửa.

Đổi mới hệ thống chính trị
Các đại biểu tam dự cuộc hội thảo đã thẳng thắn đặt vấn đề rằng "đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị".

TS Nguyễn Mại, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nói cần phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng của Nhà nước.

Theo ông, Quốc hội hiện nay chưa phải cơ quan lập pháp.

TS Lê Đăng Doanh, một cựu thành viên khác của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng đề xuất rằng cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng và "ngăn chặn lợi ích nhóm".

Ông nói đổi mới thể chế mới là vấn đề then chốt.

Ông Vũ Khoan, cựu Phó Thủ tướng, thì chỉ ra rằng văn kiện thiếu hẳn mảng giải pháp.

Hầu như không có nhận định nào trong văn kiện là đúng sự thật thực tiễn.

Nguyên Phó Thống đốc NHNN Dương Thu Hương
Ông Khoan cũng băn khoăn: "Góp ý chỉ có ta với nhau vì dân có biết gì đâu? Đại hội Đảng bộ các cấp cũng không đóng góp gì".

Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thẳng thắn nhận định rằng "Đảng vẫn đặt dân tộc sau giai cấp" và làm như thế là không thể tập hợp được sức mạnh của toàn dân.

Bà cũng nói hầu như không có nhận định nào trong văn kiện là đúng sự thật thực tiễn.

Vấn đề dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, được cuộc hội thảo dành nhiều thời gian để mổ xẻ.

Giáo sư Trần Phương khẳng định xã hội Việt Nam nhất định cần đi tới chỗ dân chủ và pháp quyền. Đảng làm sai thì cũng phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nói bản thân Tổng Bí thư phải gương mẫu thực hiện công khai minh bạch.

Theo ông, cần có chương trình hành động, có cam kết và giám sát việc thực hiện cam kết của lãnh đạo Đảng.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo được biết đã được chuyển cho Ban Văn kiện của Đảng.

Không có nhận xét nào: