Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010
.KHI CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG THIẾU TÍNH NHÂN VĂN
Hằng năm chúng ta có hàng chục công trình giao thông được hoàn tất, được đưa vào sử dụng. Có những công trình lớn, rất lớn, thậm chí rất vĩ đại, như đại lộ Thăng Long chẳng hạn, làm cho bộ mặt đất nước đổi thay, chất lượng cuộc sống được gia tăng rõ rệt. Rất đáng mừng.
Tuy nhiên có một băn khoăn lớn, cũng là nỗi lo thường trực của người dân, rằng ở đâu có công trình giao thông được đưa vào sử dụng là ở đó cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhiều bất cập nảy sinh do chính công trình đó gây ra.
Thử đọc lướt qua các tiêu đề báo chí cũng đã thấy rất rõ. Ví dụ Đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương: Ngày đầu thông xe đường cao tốc TP HCM – Trung Lương: Dân bỡ ngỡ, cán bộ mệt nhoài -Sợ hãi trên đường cao tốc xịn nhất nước-Thêm nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương …v.v. Ví dụ Đại lộ Thăng Long: Bì bõm ‘bơi ao’ lên đại lộ hiện đại nhất VN- Cảnh bi hài trên đại lộ dài nhất Việt Nam -Bát nháo giao thông trên Đại lộ Thăng Long. v.v.
Rất dễ thấy nguyên nhân căn bản gây ra những “ hỗn loạn”, “bát nháo” nói trên. Đấy là khi xây dựng, các nhà chức trách chỉ quan tâm đến công trình mà không quan tâm đến việc công trình đó sẽ sống với dân như thế nào, tức tính nhân văn của công trình bị thiếu vắng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là không có.
Đơn cử Đại lộ Thăng Long chẳng hạn, đấy là đại lộ lớn nhất, hiện đại nhất, đường cao tốc tốt nhất, với tổng kinh phí trên 7.500 nghìn tỉ, tuồng như gây cho dân nhiều thất vọng nhất. Khi đại lộ được đưa vào sử dụng thì hầu hết các tuyến đường huyết mạch của các địa phương dẫn lên Đại lộ Thăng Long đã biến thành những bài lầy…Lý do là nhà thầu đã sử dụng các tuyến đường này để vận chuyển vật liệu xây dựng cho công trình. Khi thi công xong công trình, nhà thầu dường như đã “quên” trả lại mặt đường, cũng như hoàn thiện các tuyến đường gom dân sinh.
Các nhà thiết kế Đại lộ thì quên mất Đại lộ đi qua vùng dân sinh, ở đó dân phải qua đường ra đồng, ngày thường chỉ mất vài trăm mét, bây giờ muốn ra đồng người ta phải đi vòng chỗ thì ba bốn cây số, chỗ thì chín mười cây số, lại còn phải gồng gánh, dắt trâu bò nữa. Đó là lý do các rào chắn bị phá, dân tự mở lối ra đồng, gây nguy hiểm vô cùng trên đường cao tốc.
Đó cũng là lý do khiến dân đổ trộm đồ phế thải suốt một dọc dài hàng chục km. Những bãi phế thải xuất hiện sau một đêm trên Đại lộ, đường gom bên cầu vượt Phú Đô, tại nút giao thông Đại học Tây Nam, bên cầu chui đê hữu sông Nhuệ, ngay các hầm qua đường cũng được tận dụng làm nơi đổ phế thải… chẳng những gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp cảnh quan mà con gây tai nạn giao thông rất nguy hiểm trên tuyến đường cao tốc này.
Các nhà thi công cũng quên mất mình đang thi công qua vùng dân sinh nào, dân trí đến đâu, đời sống kinh tế thế nào để tính toán việc bảo vệ các thiết bị cho Đại lộ. Đó là lý do Đại lộ chưa kịp đưa vào sử dụng đã thấy xuất hiện việc “chôm chỉa” tôn lượn sóng (hàng rào bảo vệ hai bên đường), nắp hố ga, cáp điện chiếu sáng… Có thể nói Đại lộ đã hỏng ngay khi nó chưa được sinh ra.
Rồi các biển báo từ kí hiệu đến vị trí lắp đặt được nhà thầu cho lắp đặt chỉ để nhà thầu hiểu chứ không phải cho dân hiểu. Thậm chí nhiều nơi khi công trình được đưa vào sử dụng cả tháng rồi vẫn không thấy có biển hiệu, trong khi trên một chặng đường dài ba chục km không có một trạm CSGT nào để giúp dân chúng làm quen với Đại lộ nhiều làn đường này. Đó là lý do ô tô tải, ô tô bán tải, ô tô con, xe mô tô, xe đạp, xe thồ… đủ loại chạy ngược chiều chạy bát nháo trong những tuần đầu Đại lộ mới khai trương., gây ra cảnh bi hài cười chảy nước mắt trên Đại lộ lắm cái nhất này.
Khi được hỏi vì sao, các nhà chức trách thường đổ lỗi cho dân, rằng do dân trí thấp, ý thức người dân không cao, người dân xem thường luật lệ giao thông… vân vân và vân vân. Điều đó không sai. Nhưng chính các công trình thiếu tính nhân văn, tức thiếu tính vì dân, mới là nguyên nhân đầu tiên cần phải nói đến. Tiếc thay không một nhà chức trách nào dám đứng ra thú nhận.
Nguyễn Quang Lập
Nguồn: Blog Quê Choa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét