Pages

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Gia Tài Của Gaddafi

Đặc điểm giống nhau của các chế độ độc tài là hoàn cảnh chính trị đưa họ lên cũng không khác bao nhiêu với hoàn cảnh chính trị đẩy họ xuống. Cuộc chính biến tại Libya năm 1969 dẫn đến việc Vua Idris bịnh hoạn, nhu nhược bị hạ bệ để đưa Muammar Abu Minyar al-Gaddafi, một viên sĩ quan 27 tuổi, trở thành nhà độc tài lâu năm nhất vùng Bắc Phi cũng không khác gì những gì đang xảy ra hôm nay sắp đẩy Gaddafi ra khỏi dòng lịch sử Libya.

Độc tài và tham nhũng là điều kiện và hệ quả. Libya không có một cơ chế chính trị được phân định và tôn trọng. Chức vụ thủ tướng tại Libya chẳng khác gì một thư ký hành chánh cấp cao.

Hệ thống chính trị tại Libya đặt cơ sở trên “Tư tưởng Gaddafi” được gọi là Sách Xanh, trong đó bao gồm các ý tưởng rời rạc về xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân và luật Hồi Giáo. “Tư tưởng Gaddafi” cũng chỉ là một loại cơ sở lý luận cần phải có để biện minh cho sự tồn tại của chế độ, trên thực tế, chẳng những không bao nhiêu dân chúng Libya biết đó là gì mà cả bản thân Gaddafi sau này cũng không quan tâm đến.

Mục đích mà Gaddafi quan tâm theo đuổi hơn 40 năm qua là quyền lực và quyền lợi. Chế độ độc tài đã giúp cho Gaddafi và chín người con của y trở thành những tỉ phú vùng Bắc Phi.Tài sản khổng lồ của gia đình Gaddafi có được là do ăn cắp từ nguồn thu nhập dầu hỏa phong phú của Libya. Theo ước lượng của báo Guardian, Anh, con số đó lên đến nhiều chục tỉ đô la.

Không giống như Ai Cập tương đối ít tài nguyên, Libya là nước sản xuất dầu hỏa lớn thứ tư tại Phi châu. Dự trử dầu lo tớn trải rộng khắp sa mạc Shahara. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phần lớn thu nhập từ các nguồn lợi dầu hỏa đã bị cha con Gaddafi biển thủ. Gia tài của gia đình Gaddafi được ký thác một cách bí mật trong các ngân hàng ở Dubai, Nam và Đông Á Châu, cũng như tại các quốc gia vùng vịnh Ba Tư. Giáo sư Tim Niblock, một chuyên viên về chính trị Trung Đông tại đại học Exeter, ghi nhận khoảng khác biệt nhiều tỉ đô la một năm giữa thu nhập dầu hỏa của Libya và các khoảng chi tiêu của chính phủ. Theo giáo sư, khoảng khác biệt đó rơi vào túi của cha con Gaddafi.

Thật là khó để biết một cách chính xác bao nhiêu vì các lãnh đạo độc tài thường giấu của cải một cách bí mật tại nhiều nơi, tuy nhiên, theo Niblock, phó chủ tịch của Hội Anh Quốc Nghiên Cứu Về Trung Đông cho biết dù tính cách nào, ít nhất, con số lên đến nhiều tỉ đô la. Nhận xét này cũng được Alistair Newton, nhà phân tích chính trị tại ngân hàng Nhật Nomura đồng ý. Giáo sư Tim Niblock cho rằng phần lớn số tiền của gia đình Gaddafi được ký thác trong các trương mục khó kiểm soát ở Dubai hay các quốc gia Nam Á hơn là tại các nước có thủ tục rõ ràng như ở Anh.

Trong những năm qua, Gaddafis còn chi tiền để nuôi dưỡng các chế độ độc tài ở châu Phi như trong trường hợp Robert Mugabe. Ngoài ra, Gaddafis cũng giúp đở cho nhóm Zaghawan giết người ở Darfur. Các chuyên viên Trung Đông tin rằng chính những lính đánh thuê thuộc bộ lạc Zaghawan là những kẻ đã giết thường dân Libya trong hai tuần qua. Ngoài ra, tại Anh, gia đình Gaddafi cũng có phần đầu tư tại các công ty tài sản cố định bao gồm trung tâm thương mại Portman House nằm trên đường Oxford.

Gia đình đông đúc của Gaddafis thường xảy ra các tranh chấp và lý do chính phát xuất từ việc ăn chia không đồng đều các khoản tiền ăn cắp của nhân dân.

Theo hồ sơ Wikileaks tiết lộ, các nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo có sự xung đột giữa các con của Gaddafi liên quan đến tài sản khổng lồ của gia đình Gaddafi. Vào năm 2009, bản thân của Gaddafi cũng đầu tư 21.9 triệu đô la vào một khách sạn ở thành phố L’Aquila, Ý. Đây chỉ là một đầu tư nhỏ và nhiều người biết, gia đình nhà độc tài Bắc Phi này có phần hùn không thể nào kết toán được trong hầu hết các ngành quan trọng như dầu hỏa, thông tin, xây dựng, khách sạn, truyền thông và mậu dịch. Sự kiện con trai của Moammar Gaddafi cảnh giác một cuộc tắm máu tại Libya cũng chỉ vì phải bảo vệ tới cùng gia tài của gia đình y.

Trong lúc đại đa số nhân dân phải sống khó khăn dưới chế độ độc tài hà khắc, các con của Gaddafi là những ông hoàng. Theo bản tin của báo New York Times, Seif al-Islam el-Qaddafi, con trai của Gaddafi đã trả cho ca sĩ Mariah Carey một triệu đô la chỉ để hát bốn bài hát y thích tại một buổi tiệc ở đảo St. Barts, vùng Nam Mỹ. Khi được báo chí quốc tế hỏi, y đổ thừa cho anh là Muatassim Gaddafi, đương kim cố vấn an ninh quốc gia của Gaddafi cha. Theo hồ sơ Wikileaks, chính Muatassi Gaddafi vào 2008 đã đòi 1.2 tỉ đô la từ công ty dầu hỏa quốc gia Libya để thành lập một quân đội riêng của y với ý định phân chia quyền lực với anh mình là Khamis Gaddafi, đương kim tư lịnh lực lượng đặc biệt ưu tú.

Lịch sử luôn công bằng. Từ Tần Thủy Hoàng đến Mubarak, không có một chế độ độc tài nào tồn tại được lâu dài. Một Ion Antonescu của Rumani hay một Saddam Hussein của Iraq từng nắm trong tay quyền uy tuyệt đối cuối cùng cũng bị bắn hay bị treo cổ. Những gì của nhân dân sớm nay muộn rồi cũng được trả về cho nhân dân, bởi vì quyền sống, quyền tự do vốn là quyền của con người chứ không phải từ tay ai ban phát.

Như Thanh (Dân Làm Báo)

Không có nhận xét nào: