Pages

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Giải pháp cho hoạt động kinh doanh vàng

RFA photo
Vàng nữ trang và vàng miếng trong một
tiệm ở Hà Nội chụp tháng 8/2011
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-09-07
Những biến động thất thường liên tục gần đây trong việc mua bán vàng bắt nguồn từ chính cơ chế kinh doanh vàng của Việt Nam.




Để tổng hợp về nguồn gốc cũng như những giải pháp vĩ mô cho hoạt động kinh doanh vàng này, Vũ Hoàng có buổi trao đổi với T.S Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội.

Diễn biến phức tạp

Vũ Hoàng: Thưa T.S, để tổng kết lại tình hình khá lộn xộn của hoạt động giao dịch vàng thời gian vừa qua, ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này ạ?

T.S Nguyễn Minh Phong: Vâng, trước hết, dùng từ “lộn xộn” thì có vẻ hơi nặng, chính xác thì nó có những động thái diễn biến phức tạp, và nó thể hiện ở 2 điểm phức tạp. Phức tạp thứ nhất là giãn cách giá giữa thị trường trong nước và nước ngoài không theo mức của thị trường, nói cho đúng là nó chưa đảm bảo sự liên thông trực tiếp giá cả trong và ngoài nước. Khiến cho những lúc giá vàng trong nước cao vượt hơn mức bình thường với giá vàng thế giới, mức thấp và cao này đều không bình thường. Đây là điểm phức tạp nhất.
Nếu là mức bình thường, thì phải như lời ông thống đốc Bình mới nói là bằng với giá của thế giới cộng với 400,000 đồng (tính trên một lượng). Nhưng nếu chúng ta quan sát thì có thể thấy rằng, có lúc giá trong nước rẻ hơn thế giới 500,000 đồng, lúc thì lại cao hơn thế giới 2 -2,5 triệu đồng.
Đầu cơ ở Việt Nam vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là hệ quảcủa quản lý nhà nước khiến giá vàng trong nước tăng.
T.S Nguyễn Minh Phong
Động tác phức tạp thứ hai, yếu tố tâm lý tạo ra vấn đề mua bán rất là không bình thường. Ví dụ, ngay cùng một thời điểm giá vàng, miền Bắc thì ào đi bán, miền Nam thì ào đi mua. Điều này thể hiện một sự nhiễu loạn trong tâm lý của những người tham gia thị trường vàng.
Điều này cũng xuất phát từ việc chưa hoàn thiện của cơ chế thị trường vàng Việt Nam, trong đó có những ảnh hưởng trực tiếp bởi những quyết định cấp quota và cấm nhập vàng của Việt Nam cũng như một số điều quản lý vàng khác.
Vũ Hoàng: Theo T.S hoạt động đầu cơ vàng thời gian qua tác động ra sao đến những biến động này ạ?
T.S Nguyễn Minh Phong: Thực ra thì chúng tôi cho rằng đầu cơ không phải là xấu, thế giới coi đầu cơ là một chất xúc tác để phát triển nền kinh tế và rất nhiều quỹ đầu cơ trên thế giới được thừa nhận một cách công khai. Ở Việt Nam không hoàn toàn cấm đầu cơ, nhưng cấm những hoạt động gây nhiễu loạn, rối loạn thị trường thì cũng bắt đầu được kiểm soát. Và ở Việt Nam thì đầu cơ không thể gây ra tình trạng biến động mạnh như vừa rồi mà chính là những cơ chế quản lý vàng hành chính, mới khiến đầu cơ có đất sống.
Cụ thể là khi giá vàng thế giới tăng, nếu chúng ta không đảm bảo được sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới, và khiến cho vàng bị cấm nhập thì giới đầu cơ sẽ ra tay. Họ sẽ tuyên bố vàng rất thiếu, rất khan, vàng thế giới tăng rất nhanh, rồi từ đó, họ tạo ra những động tác về mặt kỹ thuật, tạo ra những xu hướng tranh mua, tranh bán, tạo ra sự đồn thổi và đẩy giá cao hơn so với mức bình thường. Đầu cơ ở Việt Nam vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là hệ quả của quản lý nhà nước khiến giá vàng trong nước tăng.

Huy động vàng trong dân

Vũ Hoàng: Xin quay lại với Nghị định quản lý vàng sắp được ban hành, thì hiện tại dự thảo có nhắc đến việc huy động vàng của người dân. Vậy theo ông, cách thức huy động vàng ra sao cho hiệu quả, thưa T.S?

vang-hht-250.jpg
Một tiệm vàng ở chợ Hoàng Hoa Thám, SG chụp tháng 7/2011. RFA photo
T.S Nguyễn Minh Phong:
Trước hết, việc huy động vàng ở trong dân tại Việt Nam không phải là một hiện tượng mới. Trong thời kỳ đầu đổi mới, chính phủ Việt Nam đã có kinh nghiệm rất tốt trong huy động vàng và các nguồn lực khác trong dân. Cụ thể là chính phủ đã có những phương thức như gửi tiết kiệm bằng vàng, phát hành trái phiếu bằng vàng hoặc là huy động tiền Việt nhưng lại đảm bảo bằng vàng hoặc đảm bảo bằng giá thóc. Tóm lại là, tất cả những hình thức huy động như vậy khiến người dân tin tưởng vào giá trị của mình được đảm bảo bởi vàng và do đó đã thu được kết quả rất tốt.

Theo tôi có 2 cách thức để huy động vàng trong dân có hiệu quả. Cách thứ nhất và là cách chủ yếu, ngân hàng Nhà nước nên cho phép và thành lập một số tổ chức hoặc là cho phép các ngân hàng hiện nay đang đủ điều kiện huy động vàng trong dân và với lãi suất không cần cao lắm.
Nhà nước có thể thực hiện lại việc huy động tín dụng bằng tiền nhưng đảm bảo bằng vàng. Chúng tôi tin rằng người dân hoan nghênh vì không sợ lãi suất cao hay thấp nữa.
T.S Nguyễn Minh Phong
Theo tôi khoảng trên dưới 1-2%/năm là được. Ngân hàng thương mại sau khi nhận được vàng sẽ dồn tụ về ngân hàng NN, để ngân hàng NN thực hiện đưa vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia coi đây như một nguồn tài sản quốc gia. Ngân hàng NN sẽ trả lãi cho ngân hàng thương mại, cũng như người dân một lãi suất thật hợp lý để đảm bảo nguồn vàng được ổn định trong dân và trong ngân hàng.
Cái thứ hai là, Ngân hàng NN có thể sử dụng một phần nguồn vàng huy động được đó để thế chấp ở ngân hàng nước ngoài vay với lãi suất thấp. Ví dụ, hiện nay, ở Mỹ lãi suất chỉ 2-3%, trong khi ở Việt Nam là 5,6 hoặc 7%, thì rõ ràng có thể dùng vàng đó để thế chấp, vay một nguồn đô la thấp ở nước ngoài và mang về thực hiện đầu tư trong nước. Chúng tôi cho rằng điều này rất khả thi, an toàn về mặt tài chính và có lợi về mặt sử dụng, thay vì để vàng chết ở trong ngân hàng Nhà nước.
Cách thức thứ hai chúng tôi cho rằng, Nhà nước có thể thực hiện lại việc huy động tín dụng bằng tiền nhưng đảm bảo bằng vàng. Chúng tôi tin rằng người dân hoan nghênh vì không sợ lãi suất cao hay thấp nữa.

Minh bạch thông tin

Vũ Hoàng: Xin hỏi T.S câu cuối cùng, để những diễn biến phức tạp mới diễn ra được giảm thiểu, thì theo T.S, chính phủ cần có những biện pháp gì để thị trường vàng ổn định về mặt lâu dài?

vangnutrang-250-rfa.jpg
Kinh doanh nữ trang vàng 9999 tại Hà Nội. RFA photo
T.S Nguyễn Minh Phong:
Giải pháp hàng đầu chúng tôi cho rằng phải đảm bảo liên thông trực tiếp giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. Nói một cách ngắn gọn nghĩa là không có quota gì cả. Hãy để cho một đơn vị hay một nhóm đơn vị có quyền kinh doanh vàng tập trung của Nhà nước thực hiện việc xuất nhập khẩu vàng và nhất là nhập khẩu vàng theo nhu cầu trong nước, để đảm bảo giá vàng trong nước bằng giá vàng quốc tế cộng 400,000 đồng. Tức là không còn một sự chênh lệch nào khác và luôn luôn đáp ứng nhu cầu mua vàng. Với việc này thời gian đầu có thể gây tốn kém lượng tiền để nhập vàng nhưng sau đó nó sẽ đảm bảo cân đối cung cầu và nhất là giảm thiểu các nhu cầu ảo về vàng và đất cho hoạt động của đầu cơ và nhũng nhiễu. Đây là giải pháp quan trọng nhất và lâu dài nhất.

Giải pháp thứ hai là cố gắng kiểm soát và đi đến hạn chế giảm thiểu những hoạt động kinh doanh vàng mang tính chất đầu cơ, tức là chúng ta không tước quyền sở hữu vàng của người dân, mua bán vàng nhỏ lẻ của người dân, nhưng các kiểu đầu cơ hàng nghìn lượng vàng, mua đi bán lại theo kiểu đầu cơ thì nên cấm.
Những hoạt động thông tin, công bố các chỉ số nghiên cứu, các dự báo cũng như các chính sách của nhà nước cần rõ ràng minh bạch.
T.S Nguyễn Minh Phong
Thứ ba, là những hoạt động thông tin, công bố các chỉ số nghiên cứu, các dự báo cũng như các chính sách của nhà nước cần rõ ràng minh bạch. Dự báo được là rất quan trọng để đảm bảo lòng tin của người dân cũng như cắt đi những mờ ảo, để cho những thông tin đồn nhảm và nhiễu loạn cũng như đầu cơ buôn lậu phát triển.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn T.S rất nhiều đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn hôm nay.

Không có nhận xét nào: