Pages

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Nhân dân ta rất anh hùng!

Năm xưa khi người CS miến Bắc toàn thắng ở miền Nam, thay vì bị đi học tập tại các trại tập trung trong rừng thiêng nước độc như những người lính VNCH, chúng tôi được học tập ngay tại trường. Dù rằng vẫn phải họp tổ hàng tuần, sau kỳ thi chuyên môn cuối năm, chúng tôi đều được tập trung học tập chính trị, hình như là khoãng một tháng… mỗi năm.
Sau tháng 4 năm 1975, suốt thời gian gần một năm chúng tôi chủ yếu là chỉ học tập chính trị để cải tạo tư tưởng. Nói về học tập chính trị thì phải nói là người CS rất bài bản và thống nhất. Bài bản và thống nhất đến độ 2 cán bộ giảng ở 2 trường đại học khác nhau đều nói rất giống nhau như từ những bài đã phải được học thuộc lòng.
Sở dĩ tôi biết như vậy vì ngay cả vào thời điểm đó tôi vẫn còn cố gắng thi cho xong cái chứng chỉ Hoá Học cuối cùng của chương trình Cữ Nhân Hóa Học tại trường Khoa Học Sài Gòn trong khi đang là sinh viên năm thứ nhất của trường Y… Vì thế tôi phải học chính trị ở cả 2 trường… một ngoại lệ và cũng là một chứng minh rằng không phải cái gì “nhà nước ta cũng biết hết rồi, nên khai thật hết đi”… Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật là “ngây thơ” một cách ngu ngốc. Kẻ “trí thức” thường hay trọng bằng cấp (?) mà quên mất rằng nếu cả cuộc đời cũng không có thì một mãnh bằng còn làm được gì? 5 năm sau, khi chỉ còn vài tháng nữa là ra trường, tôi đã tìm được cơ hội vượt biên, chấp nhận để lại sau lưng những kỹ niệm của học đường dù rằng phía trước, cả một đại dương bao la cũng không là một hứa hẹn vững chắc nào cả…
Nếu tôi nhớ không lầm thì bài giảng đầu tiên cho sinh viên chúng tôi là bài “Nhân dân ta rất anh hùng”. Lúc còn nhỏ từ Tiểu Học đến Trung Học chúng tôi cũng đã được học lịch sữ của quê hương mình, của một dân tộc mà hầu như là suốt quá trình dựng nước và giữ nước qua cả mấy ngàn năm là quá trình đấu tranh chống lại tham vọng xâm lăng từ phương Bắc. Trong niềm tự hào đó, nhiều lúc tôi quên mất cái gía phải trả của tiền nhân, có khi xương phải chất thành núi, và máu, nước mắt đã chảy thành sông… có khi phải ôm hận như hai Bà Trưng, trước cảnh nước mất nhà tan mà đành phải nhảy xuống sông Hắc Giang tự vẫn…
Trong lịch sữ cận đại, “dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, nhân dân dân ta đã anh dũng chiến thắng cả hai thực dân và đế quốc lớn nhất của toàn cầu là Pháp và Mỹ… Với chiến thắng chống Mỹ vừa qua, Việt-Nam đã trở thành lương tâm của thời đại, là ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc Phi Châu…” Với những thành quả như vậy, người Việt-Nam nào mà không tự hào về tính anh hùng của dân tộc mình?
Dạo ấy có một người sinh viên, trong thành khẩn học tập đã nêu một câu hỏi cũng “rất thành thật” : chúng tôi là những người miền Nam, đã từng theo Mỹ Ngụy trước đây thì lấy gì mà hãnh diện trong công cuộc chống Mỹ cứu nước vừa qua? Câu hỏi đã được chính thức trả lời qua thảo luận tổ của một đoàn viên tiên tiến như sau: sự nghiệp chống Mỹ cứu nước là một sự nghiệp vẽ vang của dân tộc mà là con người, ai cũng có quyền hãnh diện… Ôi! thật là một khoan hồng của “cách mạng” – nhất là cho những phó thường dân, những công dân hạng hai được “lưu dụng” như chúng tôi. Biết như thế để thành tâm mà ăn năng làm người…
36 năm đã trôi qua, một thời gian đủ dài để nước Nhật hồi phục sau thế chiến thứ Hai và trở thành một siêu cường kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. 36 năm đã trôi qua, một thời gian đủ dài để Đại Hàn, Đài Loan trở thành những cường quốc kinh tế ở Châu Á. 36 năm, một thời gian đủ dài để chứng minh Việt-Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN đã trở thành quốc gia đứng hạng… bét ở Đông Nam Á, sau cả Thái Lan, Singapore, Phi luật Tân, Indonesia…
Thế còn nhân dân anh hùng của ta thì đang ở đâu? Tôi quả thật bàng hoàng khi xem một video clip chiếu cảnh ngư dân Việt-Nam, ngay trong lãnh hải của nước mình, phải lạy lục hải quân Trung Cộng để xin tha mạng trong khi chính nhà cầm quyền của họ thì chỉ cho phép gọi những tàu này là những “tàu lạ” của “nước lạ”.
Trong khi nhà cầm quyền Việt-Nam hoàn toàn im lặng thì chính nhà cầm quyền Trung Cộng đã cho phát tán video quay cảnh hải quân Việt-Nam đứng trầm mình trong nước tại Trường Sa để làm bia tập bắn cho hải quân Trung Cộng. Trên bộ, trong khi nhà cầm quyền Việt-Nam giữ im lặng thì trên trang mạng chính thức của Trung Cộng đã cho đăng tải chi tiết trận đánh chiếm nuí Lão Sơn của Việt-Nam trong đó có đoạn lính Trung Cộng đã dùng lữa đốt cháy cả những hang động có quân đội Việt-Nam tử thủ… Từ những khu làng tự trị trên lãnh thổ Việt-Nam, nhân công Trung Cộng mua hàng không trả tiền còn ùa ra, dùng gậy đánh đập dân làng Việt-Nam mà nhà cầm quyền Việt-Nam vẫn phải giả lơ không có hành động gì… Đó phải chăng là cái giá mà nhân dân Việt-Nam anh hùng phải trả cho những chiến thắng vĩ đại ?
Hôm qua, 2 tháng 9, những nhà lãnh đạo CSVN lại tổ chức kỹ niệm ngày họ tuyên bố độc lập với một bản tuyên ngôn được cắt dán từ hiến pháp của cả hai nước “thực dân và đế quốc” Pháp – Mỹ. Người CSVN đã hãnh diện dương cả 2 ngọn cờ: Độc lập dân tộc và CNXH. 36 năm đã qua cũng đủ để cho chúng ta kiễm nghiệm thế nào là độc lập dân tộc và thành quả của CNXH dưới sự lãnh đạo của họ.
Có cái độc lập nào mà nhà cầm quyền không những ngậm miệng trước những thách đố xấc xược của ngoại bang mà còn cấm đoán, bắt buộc người dân cả nước cũng phải ngâm miệng theo mình?
Trong khi toàn bộ CNCS đang tan rã trên toàn thế giới thì Việt-Nam vẫn cương quyết lê lết tiến lên theo con đường vô định này. Trước những nghịch lý khó hiểu nỗi, có lúc tôi phải tự hỏi thật ra ngay ở giai cấp lãnh đạo CSVN có bao nhiêu người thật sự được học hỏi một cách tự do cái lý thuyết dù đã lỗi thời này? Chả trách một ông Chủ Tịch Quốc Hội, trong rách nát của ý tưởng vẫn ngạo nghễ tuyên bố Việt Nam cương quyết sẽ cùng nhân dân Trung Quốc tiến lên CNXH… Ông không biết(?) chỉ ít lâu sau đó, thống kê do nhà nước Trung Cộng giật dây cho hay 85% dân chúng Trung Cộng cho rằng cần phải dạy cho Việt-Nam một bài học về những “phản bội” của họ…
Cách đây một tuần, nhóm sinh hoạt của chúng tôi có đề cập đến một bài diễn văn của ông Steve Jobs, cựu chủ tịch công ty điện toán Apple, đọc tại đại học Standford trong buổi lễ ra trường của sinh viên vào năm 2005. ”Drop out” từ trường Reed College vì không tin những gì người ta dạy mình có thật sự giúp gì được cho những “khát khao” của chính mình hay không, ông Jobs đã dám tự mình đi con đường mà ông đã chọn. Thành lập công ty Apple từ một nhà kho (garage) rồi có lúc bị đá ra khỏi công ty của chính mình, ông đã trở lại để vực công ty này lên từ nguy cơ phá sản rồi làm nó trở thành một công ty có cổ phiếu lớn nhất nước Mỹ, hơn cả công ty Microsoft của ông Bil Gates…
Gần đây, ông quyết định từ chức chủ tịch công ty Apple có lẻ vì lý do sức khoẻ như ông đã có tiền căn là Ung Thư Tụy Tạng (Pancreas cancer). Với thành tựu to lớn như thế và phải đối diện với căn bệnh ngặc nghèo của chính mình, ông Steve Jobs có đủ tư cách để nói về sự thành công và nỗi chết?
Trong niềm tự tin về những thành quả của chính mình ông đã nói gì? :” Thời giờ của bạn là có giới hạn. Vì thế đừng phung phí mà sống với cuộc đời của kẻ khác. Đừng để bị mắc bẩy bởi những giáo điều – nghĩa là sống với kết quả của những suy nghĩ của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào của kẻ khác lấn áp tiếng nói từ bên trong của chính bạn và quan trọng hơn cả, hãy can đãm đi theo (tiếng gọi của) con tim và trực giác của bạn. “Chúng nó”, bằng một cách nào đó đã biết bạn thật sự muốn gì. Tất cả những gì còn lại đều chỉ là thứ yếu… (Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life. Don’t be trapped by dogma — which is living with the results of other people’s thinking. Don’t let the noise of others’ opinions drown out your own inner voice. And most important, have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary”).
Trong khi tôi ca ngợi nét tự chủ trong tư duy của ông Jobs thì một người bạn trong nhóm lại thán phục hơn quan điểm về cái chết của ông này. “… Không một ai muốn chết – ngay cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để được đến đó. Và còn nữa - chết là nơi đến của mọi người. Không ai có thể trốn chạy nó. Và cũng như nó nên là – bởi vì chết rất giống như là cái phát minh đơn giản và tốt đẹp nhất của cuộc đời. Nó là tác nhân thay đổi cuộc đời. Nó tẩy xoá cái củ để dọn đường cho cái mới… (No one wants to die. Even people who want to go to heaven don’t want to die to get there. And yet death is the destination we all share. No one has ever escaped it. And that is as it should be, because Death is very likely the single best invention of Life. It is Life’s change agent. It clears out the old to make way for the new. )”
Tôi có một số bạn theo Công Giáo và đã từng chứng kiến vài người trong bọn họ ra đi… Niềm tin sẽ được rướt về nước Chúa đã giúp họ có những can đãm phi thường để đối diện và chấp nhận cái chết. Là một người có khuynh hướng Phật Giáo, tôi nghĩ cái địa ngục sâu thẵm có lẻ là nỗi ám ảnh khũng khiếp của cái chết. Nhưng nếu người ta hiểu luật nhân quả một cách rõ ràng thì dù đến đâu phải chăng cũng chỉ là những vay – trả công bằng của con người?
Từ hố thẵm của nỗi sợ hãi về cái chết con người đã rẽ khúc trong suy tư: gấp rút thụ hưởng hay thao thức đi tìm một ý nghĩa để không uổng phí một đời người. Ở giữa những suy nghĩ như thế này vẫn có một loại người cho đến chết vẫn không biết mình đang sống cho cái gì…
Cũng trong nỗi sợ hải của người dân Việt-Nam mà chế độ CS tồn tại và những nhà lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục ngạo nghễ, thách thức lương tri của con người. Rồi Việt-Nam sẽ đi về đâu hay cứ để cho nó phát triễn tự nhiên như thời kỳ nô lệ đã trải qua hàng ngàn năm của lịch sữ loài người?
Thật là bi thãm! – chẳng lẽ phải qua đấu tranh đẫm máu để con người tìm lại những giá trị nhân bản của chính nó? – như một người dân Bắc Phi đã nói khi chấp nhận đấu tranh : “ Tôi chỉ muốn được quyền sống như một con người”….
Nhân dân Việt-Nam anh hùng này sẽ đi về đâu hay vẫn còn mù mịt như trong cơn mưa đầu mùa đang trở lại thành phố này? – như ở bên kia bờ đại dương cũng có người đã nói:
Tôi đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên lá cờ đỏ…
Võ Trang
San Diego Sep. 3 2011

Không có nhận xét nào: