Pages

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá?

Tỷ giá VND/USD đỡ giao động mạnh hơn
 so với các tháng trước.
Tiền đồng của Việt Nam ở thế kẹt và bị coi là kém hấp dẫn nhất châu Á mặc dù Ngân hàng Nhà nước có động thái dùng nguồn dự trữ ngoại hối để giữ giá, hãng Reuters nhận định trong bài phân tích ngày 06/09.
Thực trạng tiền đồng yếu kinh niên làm nản các nhà đầu tư nước ngoài và cản trở chính phủ Việt Nam trong nỗ lực khắc phục nền kinh tế yếu kém vốn từng được coi là một trong những nền kinh tế triển vọng nhất châu Á cách đây 5 năm.

 
Cho đến khi Việt Nam gây dựng lại niềm tin thông qua các biện pháp khống chế lạm phát kỷ lục và thu hẹp thâm hụt ngân sách và thâm hụt mậu dịch thì rủi ro của việc giữ tiền đồng có khả năng vẫn nhiều hơn lợi thế giữ VND, bất kể Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục làm gì đi nữa, giới phân tích và các nhà đầu tư cho hay.
Tiền đồng vào lúc này mạnh hơn hồi tháng Hai khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phá giá tiền đồng 8,5%.
"VND khó có thể duy trì được như mức hiện nay "
Dominic Bunning, HSBC
Tuy nhiên, tiền đồng đã bị mất giá hơn 20% kể từ giữa năm 2008 trong bối cảnh lạm phát chóng mặt, tăng trưởng tín dụng cao và thâm hụt lớn bào mòn lòng tin vốn đã ở mức thấp.
Kể thời điểm đó, tiền đồng bị mất giá hơn tất cả các đồng tiền khác ở châu Á.
"VND khó có thể duy trì được như mức hiện nay về lâu dài trong bối cảnh môi trường kinh tế vào lúc này " Dominic Bunning, chuyên viên chiến lược ngoại hối tại ngân hàng HSBC cho hay.
Trong nỗ lực kết thúc một chu kỳ phá giá tiền đồng nhỏ giọt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đi bước lớn nhằm ổn định tiền tệ vào ngày 11/02 khi phá giá tiền đồng một lần lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi 1997-8, với mức phá giá VND là 8,5%.
'Có kết quả ngắn hạn'
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước bắt các công ty nhà nước bán ngoại tệ cho họ để tăng dự trữ ngoại hối, dùng công an để dẹp thị trường chợ đen, siết chặt kinh doanh vàng khiến nhu cầu đôla tăng mạnh.
Giá vàng tại VN có thời điểm tăng hơn cả triệu VND so với giá vàng thế giới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tăng tỷ lệ dự dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng lên ba lần.

Trong một vài tháng, các biện pháp này mang lại kết quả.
Hồi cuối tháng Hai tỷ giá hối đoái không chính thức lên quá 22.000 VND/ 1 đôla và trong tháng Tư đã trở lại xuống ngang tầm với hối đoái liên ngân hàng ở mức 20.900 VND/ 1 đôla và giao dịch trong biên độ Ngân hàng Nhà nước ấn định.
Nhưng vào đầu tháng Tám, tiền đồng lại trượt giá ngoài biên độ ấn định khi có cơn sốt giá vàng và cán cân mậu dịch thâm hụt trở lại sau khi có thặng dư hiếm hoi vào tháng Bảy.
Điều này làm nảy sinh các câu hỏi về tính bền vững của các chính sách Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Các nguồn tin cho biết kể từ giữa tháng Tám, Ngân hàng Nhà nước bán đôla một cách có chọn lọc đối với một số ngân hàng lớn.
"Không ai tin vào tiền đồng và lãi suất không đủ cao để bù đắp cho sự chờ đợi của người ta về thực trạng tiền đồng mất giá"
Jonathan Pincus, Chương trình Fulbright tại Tp HCM
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và các quan chức Ngân hàng Nhà nước từ chối bình luận về tin này.
Các bước của Ngân hàng Nhà nước "dường như để trì hoãn vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, bởi họ không có đủ nước ngoại hối để trao đổi theo tỷ giá chính thức", kinh tế gia Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP HCM cho biết.
Và ông nói đó một phần là kết quả của nỗ lực của nhà chức trách vừa muốn kiểm soát cả tỷ giá lẫn lãi suất.
"Về cơ bản, họ phải chọn một," ông nói.
"Không ai tin vào tiền đồng và lãi suất không đủ cao để bù đắp cho sự chờ đợi của người ta về thực trạng tiền đồng mất giá”.
Các ngân hàng đang trả lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng là 14%. Mức này nghe có vẻ cao, nhưng lạm phát tại Việt Nam tới ngưỡng 23% vào tháng Tám, là mức cao nhất trong 33 tháng.
'Cần làm nhiều hơn'
Lạm phát phi mã khiến lãi tiền gửi cũng chẳng đủ đề lo cuộc sống.
Giới đầu tư nước ngoài và các nhà phân tích cho rằng chính phủ cần làm nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế.
Mark Mobius, Tổng giám đốc Tập đoàn Templeton Emerging Markets nói kế hoạch ổn định "lâu dài" cần phải cắt giảm chi tiêu chính phủ, huy động dự trữ ngoại hối và nỗ lực lớn nhằm tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, là khu vực hút tín dụng nhà nước nhiều nhất trong khi sử dụng vốn tương đối không hiệu quả.
"Những biện pháp này sẽ tăng lòng tin," Mobius cho biết.
"Các chính sách điều chỉnh tiền tệ chóng mặt làm giới đầu từ khó ra quyết định”.
Trong khi đó Benedict Bingham, đại diện cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, cảnh báo rằng các niềm tin vào tiền đồng trong năm nay là "tích cực nhưng cũng mong manh."
"Chính sách điều chỉnh tiền tệ chóng mặt làm giới đầu từ khó ra quyết định"
Mark Mobius, Templeton Emerging Markets Group

"Bất kỳ việc nới lỏng nào về chính sách tiền tệ quá sớm đều có thể làm suy yếu rằng tâm lý trên thị trường ngoại hối ", ông nói.
ANZ trong một ghi chú đã điều chỉnh lại dự báo tỷ giá với mức cho cuối năm là 21.000 VND/ 1 đôla thay vì 20.835 VND/1 đôla hiện nay.
Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam được coi là bí mật nhà nước và Ngân hàng Nhà nước không công bố con số hiện thời.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết sụt xuống khoảng 7-8 tỷ đôla vào đầu năm nay từ mức 23 tỷ đôla trong năm 2008.
Khi tiền đồng tiền được bình ổn giá sau lần phá giá hồi tháng hai, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 6 tỷ USD để tăng cường dự trữ ngoại hối, theo báo cáo của Chính phủ.
"Hầu hết các nhà quan sát nghĩ rằng trong các cuộc khủng hoảng ngoại hối trước đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần can thiệp với số tiền khoảng 2 tỷ USD để phục hồi lại sự ổn định ", công ty môi giới chứng khoán VinaSecurities cho biết trong một ghi chú tuần trước.
"Đạn dự phòng mà Ngân hàng Nhà nước có hiện nay đã tăng gấp ba lần con số hai tỷ này”.

Không có nhận xét nào: