Việt-Long- RFA
2011-11-03
Trung Quốc cảnh cáo các công ty ngoại quốc không được can dự vào việc khai thác tài nguyên trong khu vực biển mà Trung Quốc gọi là có tranh chấp. Bắc Kinh có hành động đó trong lúc Thủ tướng Việt Nam đang thăm chính thức Nhật BảnLại cảnh cáo
Trung Quốc lên giọng sau khi công ty ExxonMobil loan báo phát hiện khí hydro carbon ở lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, hồi tháng 8.Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Tokyo họp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, ký kết nhiều hiệp ước quan trọng với tư cách đối tác chiến lược về kinh tế, quốc phòng, thương mại và đầu tư.
Liệu Trung Quốc có thể gây áp lực khiến các nước hợp tác với Việt Nam phải rời bỏ các hợp đồng dầu khí ở biển Đông?
Câu trả lời là KHÔNG. Trước đây công ty BP của Anh đã cuốn gói ra đi vì Bắc Kinh doạ sẽ không cho họ làm ăn tại Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không làm được như thế với Ấn Độ và công ty Exxon của Hoa Kỳ. Ấn Độ đã phản đối thẳng thắn, nói là công việc của Ấn hoàn toàn hợp pháp và khu vực ký hợp đồng với Việt Nam hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Phía Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo về ngoại giao và quốc phòng nhiều lần cảnh cáo Bắc Kinh không được xâm phạm quyền tự do lưu thông hàng hải cũng như quyền khai thác kinh tế trong lãnh hải Việt Nam ở biển Đông.
Tóm lại có thể nói rằng mặc cho Trung Quốc nói gì làm gì, quốc tế vẫn không chấp nhận sự xác lập chủ quyền vô lý đó. Bắc Kinh đã ngang ngược quá đáng, khi vạch đường lưỡi bò chỉ cách bờ biển Cam Ranh không đầy 75 hải lý, trong khi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là 200 hải lý theo Công Ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Rồi theo lãnh hải đường lưỡi bò của chính họ đặt ra, Bắc Kinh đòi được quyền khai thác chung trong khu vực gọi là “trùng lặp, có tranh chấp” ở sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giữ thế hoà, tìm đối tác
Phía Việt Nam không thể nhượng bộ trong vấn đề này. Hà Nội vẫn tiến hành ký kết với các ty ngoại quốc, cùng lúc, vẫn hứa hẹn và đạt thoả thuận với Trung Quốc là sẽ “hai bên bàn bạc giải quyết theo cách dễ trước khó sau”.Trong chuyến thăm Tokyo của ông Nguyễn Tấn Dũng hai vị Thủ tướng không phát biểu điều gì trực tiếp liên quan đến vấn đề Trung Quốc hay mối tranh chấp giữa Bắc Kinh với Hà Nội hay Tokyo. Bên ngoài khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Yoshihiko Noda nói với báo Financial Times rằng các nước châu Á cần hợp tác chặt chẽ với nhau hầu thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến những vấn đề trên biển, thay vì tìm cách sử dụng những biện pháp quân sự. Tuy nhiên có một số hoạt động của Thủ tướng Việt Nam liên quan gián tiếp đến tư thế của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Một số việc có ý nghĩa đã diễn ra tại Tokyo trong chuyến công du này. Việt Nam và Nhật Bản thoả thuận tiếp tục tăng cường đối thoại hợp tác chiến lược về quốc phòng, kinh tế, thương mại, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Đặc biệt nhất, hai nước nhấn mạnh công tác tăng cường đối thoại chiến lược với việc khởi động vòng đối thoại về chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng.
Bên cạnh những thoả thuận và cam kết về quốc phòng, trong những lãnh vực hợp tác khác, việc các nước ngoài đầu tư để có quyền lợi dồi dào và vững chắc trên lãnh thổ Việt Nam là điều có ý nghĩa đáng kể liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.
Bảo vệ chung
Khi Exxon khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì với đôi mắt canh giữ từ xa của hải quân Mỹ sau những lời cảnh báo nghiêm khắc từ Washington, Trung Quốc sẽ không muốn xâm phạm vùng biển nơi đó. Và khi Nhật Bản đầu tư vào các nhà máy năng lượng nguyên tử ở Ninh Thuận và khai thác đất hiếm ở cách biên giới Việt Trung chưa đầy 30 km thì Trung Quốc cũng khó lòng đưa quân đội hay công nhân vào xâm lấn vùng đất ấy như họ đã làm tại khu khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay đưa tàu lui tới trong lãnh hải bên ngoài khu vực nhà máy hạt nhân do Nhật cung cấp và điều hành.
Việt Nam dường như có chủ ý mời gọi nhiều nước khác liên quan vào các dự án đầu tư trong lãnh hải, lãnh thổ biên giới của mình. Khi nhiều nước có quyền lợi trong công cuộc hợp tác với Việt Nam ở trong lãnh hải, lãnh thổ xứ này, thì những nước ấy sẽ lên tiếng đầu tiên để giúp bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam.
Công ty BP của Anh quốc rời bỏ Việt Nam vì quyền lợi của họ với Trung Quốc, thì Hà Nội kéo Ấn Độ vào thay, vì Ấn Độ không cần phải kiêng nể một lời nói, hành vi nào của Bắc Kinh. Trước khi ký hợp đồng thăm dò khai thác trong biển Đông, New Delhi đã cho tàu chiến đến dạo chơi trên mặt biển này, mục đích là gì nếu không phải là gióng tiếng chuông cảnh giác với những đám “tàu lạ” hải khấu từng bức hiếp Việt Nam?
Đối với ExxonMobil cũng vậy, công ty này có thể đã không sợ mất quyền lợi gì đối với Trung Quốc, và sẽ có chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ hợp đồng của họ trong lãnh hải của Việt Nam, nên lời doạ dẫm hay bắn tiếng xa gần của Bắc Kinh không thể có được tác dụng như những nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản anh em với đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét