Hoàng Lan - Xuân Ngọc
Sau khi EVN công bố lương trung bình của nhân viên năm 2009 là 7,3 triệu đồng, nhiều nhân viên của tập đoàn này cho biết, họ phải xoay sở làm thêm mới đủ sống với mức lương chỉ 3-4 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên hành chính làm việc tại một chi nhánh của Tập đoàn điện lực EVN cho biết, với thâm niên 16 năm công tác, lương của chị là 3,5 triệu đồng. Chồng chị cũng trong ngành điện, giữ vị trí trưởng ban điều hành nhưng lương hàng tháng cũng không cao hơn. “Với tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng là 7 triệu đồng, vợ chồng tôi phải cố gắng xoay xở lắm mới có thể lo cho hai đứa con ăn học", chị Hà chia sẻ.
Tiền học của hai đứa con, theo chị Hà tính toán đã hết 2 triệu đồng mỗi tháng, chi phí điện, nước, điện thoại cũng hơn một triệu đồng. Gia đình chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 3 triệu đồng để lo ăn uống, sinh hoạt... “Mang tiếng hai vợ chồng cùng làm trong ngành điện như vẫn phải trông vào lương hưu của bố mẹ chồng mới đủ sống. May nhờ ở chung với ông bà các cháu, chứ phải đi thuê nhà nữa thì chúng tôi không biết tính sao”, chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, đại đa số nhân viên nơi chị làm việc đều chỉ có mức lương đó, không ít người còn thấp hơn. Mỗi năm, chi nhánh của chị tuyển thêm vài chục người với lương khởi điểm ở ngưỡng 2 triệu đồng, sau 3 năm được nâng bậc một lần. “Cậu lính mới hôm trước lĩnh lương được có hơn một triệu đồng, theo thời gian mới nâng dần lên theo hệ số”, chị nói.
Tại nơi chị Hà đang công tác, đồng nghiệp của chị có người chạy xe ôm sau giờ làm hoặc mở cửa hành kinh doanh. Chị tâm sự, nhìn chung đều là dân văn phòng nhưng cuộc sống khá vất vả và hầu như ai cũng phải làm thêm ngoài giờ. Thậm chí, nếu không may bị làm muộn hay không mặc đồng phục, các chị còn bị trừ điểm rồi theo đó khấu trừ lương vài chục nghìn đồng.
Tuy nhiên, chị Hà không tỏ ra bất ngờ và ngạc nhiên với mức công bố mà lãnh đạo EVN đưa ra. “Mình ở chi nhánh, còn lương trên công ty hay tập đoàn đều cao hơn, lấy tổng chia trung bình nên mới ra được mức đó. Còn lương ở chỗ mình chưa đạt ngưỡng bình quân đó”, chị nói.
Một nhân viên thuộc khối văn phòng thuộc EVN Telecom tiết lộ, đối với các khu công nghiệp hoặc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thì mức lương được hưởng khá cao, khu vực ở tỉnh xa lương thấp hơn. Mức lương cao hay thấp còn tùy thuộc vào từng khối.
Đơn cử, theo anh này, khối sản xuất trực tiếp có mức độ nguy hiểm độc hại rất lớn, nhất là ở khu vực trạm điện áp cao nên lương "dễ thở" hơn. Ngược lại, những người làm khối văn phòng thì lương chỉ đủ ăn. Bản thân anh, học đại học 5 năm, thâm niên 7 năm thuộc kỹ sư bậc 3 cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng đã bao gồm tiền phụ cấp ăn trưa 500.000 đồng. Các khoản lương mềm căn cứ vào các khối lượng công việc được giao, mức độ hoàn thành công việc, chất lượng công việc, kỷ luật công việc, điểm ý thức...
"Khoản thưởng sẽ dao động quanh mức 3-5 triệu đồng. Ở thành thị, tiền thuê nhà, điện nước cũng lên tới 2 triệu đồng kèm theo cả tiền xăng xe điện thoại, tiền ăn uống thì mỗi tháng tổng cộng cũng chi tiêu đến 6-7 triệu đồng", anh này chia sẻ.
Còn Anh Tuấn Anh, một nhân viên ngành điện thường xuyên phải đi công tác các tỉnh xa cũng chỉ hưởng lương 5,5 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả tiền trợ cấp và công tác phí. Anh chia sẻ, thường xuyên đi xa nên chi tiêu rất tốn kém. Anh còn mẹ già, vợ và một đứa con đầu lòng ở nhà. Trong khi đó, mỗi tháng anh chu cấp được cho gia đình chưa đến 2,5 triệu đồng.
“Nếu sống ở Hà Nội, ăn cơm nhà, ngủ nhà thì hàng tháng cũng đưa vợ được 4 triệu, nhưng thường xuyên trong cảnh đi triển khai lưới điện, có đợt đi dài vài tháng”, anh nói.
Thời gian gần đây, dư luận bày tỏ sự bức xúc chuyện thu nhập trung bình của ngành điện 7,3 triệu đồng. Người cho rằng đây là mức quá cao, còn lãnh đạo EVN cảm thấy xót xa khi thu nhập của cán bộ ngành mình quá thấp. Còn theo nhân viên nhà đèn, mức lương 7,3 triệu đồng năm 2009 mà lãnh đạo EVN công bố chưa phản ánh đúng bản chất của toàn ngành.
Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thừa nhận, ở nhiều đơn vị lương kỹ sư khoảng 5-6 triệu đồng một tháng còn lương công nhân của ngành điện khoảng 3-4 triệu đồng. Từ chối bình luận thêm về con số lương bình quân 7,3 triệu đồng một tháng năm 2009 nhưng ông Thành cho biết: "Về các số liệu chi tiết, EVN sẽ có báo cáo cụ thể với các bộ ngành sau để tránh việc thông tin không đồng nhất".
Tại phiên chất vấn chiều 24/11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, việc đánh giá thu nhập của một người lao động cần phải dựa vào 3 tiêu chí: mức bình quân lao động cả nước; mức thu nhập của cùng loại hình sản xuất kinh doanh; và mức thu nhập của cùng loại hình doanh nghiệp... "Khi có tiêu chí rõ ràng, chúng ta hãy nhận xét mức lương 7,3 triệu đồng là cao hay thấp còn nếu nhận xét chung chung rồi kết luận cao hay thấp là không thỏa đáng", ông Hoàng thẳng thắn.
Theo ông, điện lực là lĩnh vực đặc thù, nguy hiểm và khá độc hại. Lương trả cho lĩnh vực này có tới 25% được trả cho phụ cấp an toàn, độc hại. Như vậy, mức trung bình 7,3 triệu đồng này có tới 1,9 triệu đồng phụ cấp, còn lại 5,4 triệu đồng là thu nhập ròng.
H. L. – X. N.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét