Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tái cấu trúc nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng

RFA photo
Một cao ốc văn phòng cho thuê tại Hà Nội.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
Nghị quyết quốc hội về tình hình phát triển kinh tế 5 năm vừa được chính thức thông qua hôm 8/11 với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong đó tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Cải cách khối DNNN

Mặc dù là một phạm trù rất rộng và bao quát, tái cấu trúc nền kinh tế, được các đại biểu quốc hội khóa 13 trong kỳ họp thứ hai vừa qua thống nhất là sẽ tập trung vào 3 điểm chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và đặc biệt là tái cơ cấu khối doanh nghiệp Nhà nước.
Trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi về chủ đề tái cấu trúc nền kinh tế, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cần chuyển sang một nền kinh tế sử dụng trí tuệ nhiều hơn, cải cách thể chế bộ máy hay các nhóm lợi ích và ông cũng không quên đề cao việc cải cách mạnh mẽ khối doanh nghiệp Nhà nước:


“Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tập đoàn và các Tổng công ty Nhà nước sử dụng nhiều tiền vốn, đất đai, tài nguyên, nhưng lại tạo ra một tổng sản phẩm thấp và trong đó có một số tập đoàn và DNNN kém hiệu quả đến mức bị thua lỗ nặng, như Vinashin. Vì vậy, trong thời gian tới, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam bao gồm cả việc cải cách mạnh mẽ hệ thống DNNN, cổ phần hóa, đặt DNNN dưới sự kiểm tra, kiểm soát và công khai minh bạch để nâng cao hiệu quả nguồn vốn của các DN đó."
Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam bao gồm cả việc cải cách mạnh mẽ hệ thống DNNN, cổ phần hóa, đặt DNNN dưới sự kiểm tra, kiểm soát và công khai minh bạch để nâng cao hiệu quảnguồn vốn của các DN đó.
T.S Lê Đăng Doanh
Cũng nhớ lại hồi cuối tháng 9, chính T.S Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn chỉ ra “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế – xã hội nước ta đang ở trong tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay” và ông đề nghị Việt Nam cần phải đổi mới lần 2. Ông cho rằng cuộc đổi mới lần đầu tiên, Việt Nam đã tự do hóa được các năng lực tiềm tàng của người dân, sản xuất ra ra được của cải và đầu tư. Điều đó đã đem lại cho Việt Nam những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đến giờ thì những động lực đó không còn đủ nữa mà cụ thể ở đây là nhiều chính sách của chính phủ đầu tư không có hiệu quả dẫn đến việc khối doanh nghiệp NN trở thành một lực cản.
Chuyện cải cách DNNN hay cổ phần các DNNN chắc hẳn không còn gì là mới mẻ, nhưng vấn đề trọng tâm này một lần nữa được đưa ra thành Nghị quyết và có đến 90% đại biểu quốc hội thông qua đủ chứng tỏ rằng khối doanh nghiệp này vẫn là một thách thức rất lớn đối với một nền kinh tế đang vận hành theo quy luật cung - cầu chứ không phải xin – cho như trước đây.
Vấn đề lớn thứ hai trong tái cơ cấu nền kinh tế đó là tái cơ cấu đầu tư. Trả lời phỏng vấn báo chí trong nước, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Sự mất cân đối này bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, trong khi hiệu quả lại thấp. Vì thế, càng tăng trưởng, các mất cân đối càng nghiêm trọng. Ông đưa ra kết luận, đầu tư dàn trải đó đang tạo ra một “nền kinh tế méo mó khủng khiếp.”
Vốn đầu tư ở đây có thể được hiểu dưới hai hình thức chính là từ tiền đầu tư của chính phủ hay đầu tư, chi tiêu công, còn khoản thứ hai là tiền đi vay từ nước ngoài.
Nhận xét về tình hình đầu tư trong nước, T.S Vũ Văn Hoá, Trưởng khoa Kinh tế, trường Quản lý Kinh doanh Hà Nội cho biết:
"Trong điều kiện một nền kinh tế quốc dân tương đối thấp chỉ trên dưới 100 tỷ đô la/ năm nhưng cơ cấu này dành cho đầu tư hơi nhiều. Cho nên cái này làm cho tình hình cân đối của nền kinh tế bị mất cân đối. Đầu tư nhiều nhưng dàn trải, cho nên nhiều công trình và nhà máy trọng điểm bị kéo dài thời gian xây dựng ra, cho nên nó không phát huy được tác dụng ngay trong một thời gian ngắn."

Đầu tư dàn trải

Sự dàn trải về các dự án đầu tư này được thể hiện qua các con số 100 cảng biển, 22 sân bay, hàng trăm công ty tài chính chứng khoán, 260 khu công nghiệp và hơn 600 cụm công nghiệp được xây dựng ồ ạt, thiếu trọng tâm trong thời gian qua tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội mới đưa ra hồi giữa tháng trước cho thấy, chi tiêu cho đầu tư phát triển tăng hơn 15% so với dự toán, tương đương 23,000 tỷ đồng, đây được xem là mức tăng lớn, đặc biệt là khi Việt Nam đang thực hiện chính sách tài chính thắt chặt. Điều khiến giới chuyên gia đau đầu chính là việc cắt giảm và đình hoãn các dự án mới chưa được thực hiện một cách rốt ráo và không đồng bộ giữa trung ương và địa phương.

Cong-truong-xay-dung-cong-nhan-250.jpg
Một công trình xây dựng ở Hà Nội. RFA photo
Ngay trong phiên họp hôm 8/11, một lần nữa vấn đề phát hành trái phiếu cũng được thảo luận sôi nổi. Điểm nhấn ở đây là nhu cầu để xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn rất cao, tuy nhiên việc sử dụng vốn từ trái phiếu chính phủ không có hiệu quả và dàn trải, dẫn đến việc tổng số trái phiếu chính phủ tăng rất nhanh nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu cho những dự án cần thiết đã được phê duyệt vì thế không tạo ra được những lợi ích như xã hội mong muốn. Nhiều đại biểu cho rằng điều họ rất quan tâm là hiệu quả của việc sử dụng trái phiếu Chính phủ vì hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế xác định trách nhiệm người lập dự án, thẩm định cũng như phê duyệt dự án đầu tư công.

Điểm cuối cùng trong tái cấu trúc nền kinh tế được nhận định là cải cách hệ thống tài chính ngân hàng. Về điểm này, T. S Vũ Văn Hoá một lần nữa nhận xét:
"Trong điều kiện của một nền kinh tế thu nhập quốc dân như trên, nhưng hệ thống ngân hàng phát triển không cân đối, số ngân hàng thương mại quá lớn, các tổ chức tài chính quá nhiều, nó cồng kềnh và luật pháp điều chỉnh cho các tổ chức này cũng chưa đồng bộ cũng như hiệu quả điều chỉnh chưa sát. Vì thế sự bất ổn có thể nảy sinh nếu không có sự quản lý chặt."
Về con số cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, với một quy mô của nền kinh tế như hiện nay thì có đến 80 tổ chức tín dụng là thừa và cần phải đào thải những ngân hàng yếu kém.
Nhiều chuyên gia cho rằng những yếu kém hiện nay của hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam là sự tăng trưởng một cách không cân đối. Tăng nhanh về quy mô và vốn trong khi các thiết chế quản lý chưa theo kịp. Sự mất cân đối thể hiện ở tăng trưởng tín dụng quá nhanh, quản lý các dòng tiền vào ra còn hạn chế và đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại lên rất cao.
Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng thương mại năm 2010 là hơn 2% thì trong 6 tháng đầu năm nay là hơn 3% trong đó nhóm nợ sẽ mất vốn chiếm đến gần 50%. PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Uỷ viên UB Kinh tế quốc hội thì lại cho rằng muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại thì phải giải quyết tình trạng dư nợ bất động sản. Vì vốn đọng trong lĩnh vực này lớn và có nhiều rủi ro tiềm tàng và cũng là nhóm dẫn đến tỷ lệ nợ xấu lớn.
Như chúng tôi đã trình bày, khái niệm tái cấu trúc nền kinh tế là một khái niệm rất rộng và bao trùm, vì thế, việc tổng hợp và trình bày chỉ có thể dừng lại ở một số điểm chính. Tuy nhiên, ngay khi thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được bài viết của một thính giả là ông Lê Anh Hùng từ Quảng Trị gửi cho chúng tôi với tựa đề “Tái cấu trúc”: “Ai” tái cấu trúc “ai”? có một phần viết mà chúng tôi thấy khá thú vị và muốn được trích nguyên văn và sử dụng làm phần kết luận cho bài viết của mình. Ông viết:
"Cụm từ“ tái cấu trúc nền kinh tế” mà ngày ngày vẫn xuất hiện trên các mặt báo và nằm ở cửa miệng của nhiều người, nhiều giới ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là cách nói khiên cưỡng thôi. Chính nền kinh tế thị trường, tuân theo các quy luật của riêng nó, sẽ tự (tái) cấu trúc nó. Và nếu có một tác nhân “tái cấu trúc” nào ở đây thì đấy là chính nền kinh tế thị trường: nó đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục “tái cấu trúc” chính phủ theo nghĩa hẹp và hệ thống thể chế của một quốc gia theo nghĩa rộng nhằm đạt tới một trật tự chính trị tối ưu, tạo điều kiện cho sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế. Nếu chính phủ không tự chủ động thay đổi, đi trước mở đường cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế thì sớm muộn gì nó cũng bị thị trường “tái cấu trúc”, mà đến lúc ấy thì đất nước đã phải trả một cái giá không hề nhỏ."

Không có nhận xét nào: