Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Tại sao người giàu lại muốn rời Trung Quốc

Frank ChingThe Korea Times

Diên Vỹ X-Cafe chuyển ngữ
11.11.2011

Vào tháng Tư, công ty tư vấn Bain and Co., và Ngân hàng Chiêu Thương đã công bố một nghiên cứu trong đó cho biết rằng có khoảng phân nửa những người giàu có nhất Trung Quốc đang nghĩ đến việc di dân.
Nghiên cứu này đã thăm dò 2.600 “cá nhân có tài sản lớn” và thấy rằng gần 60 phần trăm những người được phỏng vấn đang nghĩ đến việc di dân qua ngã đầu tư ở nước ngoài hoặc đã đang tiến hành quá trình này.
Giờ đây, một nghiên cứu khác vừa được công bố cũng củng cố mạnh mẽ những kết quả trước đấy. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Học viện Nghiên cứu Hồ Nhuận và Ngân hàn Trung Quốc, đã phỏng vấn 980 cá nhân giàu có từ tháng Năm đến tháng Chín.
Báo cáo cho biết 46 phần trăm những người trả lời, tất cả họ đều có tài sản trên 10 triệu đồng Nguyên, hoặc khoảng 1.5 triệu Mỹ kim, đã nói rằng họ có ý định di dân. 14 phần trăm trong số này đã hoàn thành thủ tục nhập cư. Có khoảng một triệu những nhà triệu phú như thế ở Trung Quốc.

Nghiên cứu cho thấy rằng một phần ba những cá nhân giàu có này đã có sẵn tài sản ở nước ngoài, đa phần là bất động sản. 30 phần trăm khác đang tính đến việc mua những tài sản tương tự trong vòng ba năm tới. Mua sắm tài sản nước ngoài là một bước để tiến đến quá trình làm thủ tục nhập cư bằng cách đầu tư.
Về lý do vì sao những người giàu có lại muốn rời khỏi Trung Quốc, đa phần là để định cư tại Hoa Kỳ hoặc Canada, những nguyên nhân được đưa ra thường là vì họ muốn con cái của mình có được một nền giáo dục tốt hơn ở nước ngoài, vì những quan ngại đến sự an toàn đối với tài sản của mình tại lục địa và điều kiện sống tốt hơn.
Thực tế về một tỉ lệ cao những công dân thành đạt nhất của mình lại muốn rời khỏi đất nước cho thấy một cách rõ rệt rằng họ đã thấy được những vấn nạn tại Trung Quốc. Việc ra đi của họ sẽ chắc chắn gắn liền với việc xuất ngoại một nguồn vốn khổng lồ.
Đây là tiếng gọi cảnh tỉnh đối với chính phủ Trung Quốc. Gần một thập niên trước, dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Đảng Cộng sản đã quyết định kết nạp những nhà tư bản vào tổ chức của mình nhằm giúp những doanh nhân có được tiếng nói lớn hơn trong quá trình soạn thảo chính sách. Đấy là một bước đi đúng hướng.
Tuy nhiên, rõ ràng là cần phải làm nhiều hơn nữa. Những quan tâm về sự an toàn tài sản phản ánh sự lo sợ về những thay đổi trong chính sách của đảng. Ví dụ như mặc dù tài sản cá nhân hiện nay đã được hiến pháp công nhận, những công ty nhà nước vẫn được ưu tiên khi các ngân hàng cho vay vốn. Đây là điều nằm trong sự kiểm soát của chính quyền cần được thay đổi.
Sự hấp dẫn về tiêu chuẩn sống tốt hơn ở nước ngoài thì dễ hiểu, đặc biệt khi những thành phố lớn ở Trung Quốc thường xuyên bị bao phủ bởi khí độc và tình trạng nước dùng không an toàn. Chính quyền thậm chí đã không thành thật trong việc công bố tính nghiêm trọng của tình trạng không khí bị ô nhiễm mà mọi người phải hít thở hàng ngày.
Ví dụ như gần đây, Đại sứ quán Hoa Kỳ, vốn vẫn đo lường chất lượng không khí, đã cho biết rằng hít thở không khí tại Bắc Kinh thì độc hại nhưng chính quyền thành phố lại nói rằng không khí này chỉ bị ô nhiễm ít thôi. Trên thực tế, Trung Quốc thậm chí vẫn không đo lượng những hạt tinh thể nhỏ có tên PM 2.5, quá nhỏ đến nỗi chúng có thể thâm nhập vào phổi.
Hoá ra những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thụ hưởng những chiếc máy lọc không khí đặc biệt tại văn phòng và tư gia của mình. Bên cạnh đó họ còn được cung cấp thức ăn nuôi trồng tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc phân hoá học từ những nông trường nhà nước.
Mặc dù Trung Quốc hãnh diện tuyên bố rằng họ có một “chính quyền vì nhân dân,” họ có vẻ không được tốt đẹp lắm đối với những ai biết được rằng chính quyền đang tự cung cấp cho mình những thứ tốt nhất, bao gồm cả nhà ở, trường học, thức ăn – và thậm chí cả không khí thở.
Đa phần người dân Trung Quốc không có điều kiện để ra đi, nhưng những người giàu thì có thể, và nếu chính quyền muốn ngăn chặn cuộc tháo chạy ra khỏi nước của những công dân tài giỏi và giàu có nhất của mình, nó phải đáp ứng với những đòi hỏi của họ.
Có một số điều không quá khó để làm. Để xoa dịu những lo ngại về những thay đổi trong chính sách, chính quyền nên tăng cường tính minh bạch trong quá trình soạn thảo chính sách và cho phép thông tin được vận chuyển tự do.
Cũng cần tạo khả năng cho phép mở cửa thêm nhiều trường quốc tế với tiêu chuẩn giáo dục cao hơn mà không có sự can thiệp của Đảng Cộng sản. Nếu các phụ huynh cảm thấy rằng con cái mình có được một nền giáo dục tốt tại Trung Quốc tương tự như ở nước ngoài, thì họ có ít lý do hơn để ra đi.
Một bước đi khác có thể là khó khăn hơn: Phá bỏ hệ thống đặc quyền của những nhà lãnh đạo đảng. Bằng cách này, những nhà lãnh đạo sẽ cho thấy họ không đang sống trong lầu son mà đang thật sự chia bùi xẻ ngọt với người dân và hiểu được những gì người dân phải trải qua.
Nếu chính phủ Trung Quốc thực hiện những bước đi này, nó sẽ cho thấy sự tự tin vào chính mình, từ đó sẽ dẫn đến sự tin tưởng hơn ở phía người dân. Nếu nó không thực hiện được, nạn xuất huyết tài sản và tài năng sẽ vẫn tiếp tục.

Không có nhận xét nào: