Pages

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

8 000 công nhân Trung Quốc đình công

Công nhân TQ biểu tình trước nhà máy LG tại Nam Kinh
Reuters
Thụy My

Ngày 28/12/2011, China Labour Watch cho biết 8.000 công nhân một nhà máy của tập đoàn LG Hàn Quốc tại Nam Kinh, miền đông Trung Quốc đã ngưng làm việc từ ngày 26/12/2011. Vụ đình công này diễn ra trong bối cảnh nhiều phong trào phản kháng của công nhân Trung Quốc nổi lên từ vài tuần qua.
Theo tổ chức phi chính phủ China Labour Watch có trụ sở tại New York, các công nhân của nhà máy LG tại Nam Kinh khẳng định là những nhân viên người Hàn Quốc được lãnh tiền thưởng cuối năm cao hơn họ. Phong trào đình công diễn ra một cách hòa bình, tuy một số công nhân đã lật đổ bàn ghế trong căng-tin. Những người có trách nhiệm của nhà máy LG tại Nam Kinh đã từ chối trả lời hãng thông tấn AFP.

Một đoạn video được đưa lên internet cho thấy trong một cuộc họp với người trung gian hòa giải được chính quyền cử đến, những người lao động tại đây nói rằng công đoàn là « vô dụng ». AFP nhắc lại : đảng Cộng sản Trung Quốc luôn lo ngại việc thành lập các công đoàn độc lập sẽ đe dọa đến sự chi phối của đảng, nên chỉ cho phép một công đoàn duy nhất hoạt động, tổ chức này có sự chỉ đạo của chính quyền.
Từ tháng 11 đến nay, hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc đã đình công để phản đối tình trạng lương thấp, thậm chí bị hạ lương và điều kiện làm việc tồi tệ do các xí nghiệp tiết giảm chi phí trong tình hình kinh tế thế giới đang trì trệ.
Các cuộc đình công trong những tuần lễ gần đây hầu hết diễn ra tại Quảng Đông, một trong những trung tâm kỹ nghệ của Trung Quốc. Nhưng tại các thành phố thương mại lớn như Thượng Hải cũng đã xảy ra các phong trào phản kháng. Hàng trăm công nhân một nhà máy của tập đoàn điện tử Singapore Hi-P International tại Thượng Hải đã ngưng làm việc hồi cuối tháng 11 để phản đối phương thức di dời nhà máy sản xuất đi nơi khác.
Những người đấu tranh nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc thường có khuynh hướng lắng nghe những lời than phiền của công nhân các nhà máy do các tập đoàn nước ngoài làm chủ và ít chú ý đến lời kêu ca từ công nhân các nhà máy của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: