Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Philippines muốn Mỹ tăng hiện diện quân sự

Trả lời báo chí trên khoang Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan tháng 8/2011 ở Hong Kong
Họp báo trên tàu USS Ronald Reagan 08/2011: Hoa Kỳ tham gia
 mạnh vào an ninh châu Á
Philippines công bố những kế hoạch cho phép Hoa Kỳ tăng sự hiện diện quân sự ở nước này trong bước đi được giới quan sát cho là nhằm ngăn chặn xu thế đi lên của Trung Quốc trong vùng.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu hôm 27/1 rằng Philippines muốn có thêm các cuộc tập trận với nước từng nắm thuộc địa Philippines.

Manila cũng muốn có thêm quân Mỹ luân chuyển qua nước họ nhằm "phát huy tối đa liên minh với Hoa Kỳ", theo lời ông del Rosario.

Hôm 26/1, nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland nói hội đàm hai ngày với phái đoàn Philippines ở Washington tuần này là để phát triển các ý tưởng được Ngoại trưởng Hillary Clinton bàn với lãnh đạo Philippines khi bà thăm Manila tháng 10/2011.
Trong hai ngày họp, kết thúc hôm nay 27/1, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell và quyền Thứ trưởng Quốc phòng Peter Lavoy đã gặp các quan chức cấp Philippines, gồm Thứ trưởng Ngoại giao Erlinda Basilio và Thứ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino.
Nhưng những gì nêu ra tại hội đàm cho thấy Hoa Kỳ không muốn trở lại đóng quân tại Philippines như từng làm tới năm 1992, khi quân đội Mỹ phải đóng cửa căn cứ tại vịnh Subic có từ thời Chiến tranh Việt Nam.
Mặt khác, luật của Philippines yêu cầu phải có hiệp ước riêng nếu muốn đưa quân đội nước ngoài vào mở căn cứ trên lãnh thổ của họ.
Sẵn sàng ứng chiến
Hội đàm tuần này phát triển ý tưởng hợp tác quân sự Mỹ - Philippines từ chuyến thăm của bà Clinton đến Manila hơn hai tháng trước
Vì thế, các kế hoạch này sẽ nhằm tăng tính di động và phòng ngừa tác chiến hơn là chiếm một vị trí cụ thể.
Kế hoạch của Hoa Kỳ tại Philippines nằm trong chiến lược chuyển trọng tâm quân sự sang vùng Đông Á được nêu ra cùng thời gian Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố cắt giảm bộ binh để nhấn mạnh đến các lực lượng khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng nhắc đến kế hoạch thiết kế 'căn cứ nổi' trên biển cho các loại phi cơ tàng hình và lực lược đặc nhiệm tuy không nói rõ là ở đâu.
"Philippines muốn phát huy tối đa liên minh với Hoa Kỳ"
Ngoại trưởng Albert del Rosario
Tuy ông del Rosario không nêu ra Trung Quốc là lý do thúc đẩy Philippines muốn có thêm sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ nhưng ông nói đến "tranh chấp lãnh thổ".
Vấn đề cấp bách nhất với Manila chính là chuyện Trung Quốc đòi một phần lớn vùng biển Đông Nam Á, mà họ gọi là Nam Hải, còn Philippines gọi là Biển Tây.
Theo AP, trong năm ngoái, cả Philippines và Việt Nam đều than phiền về các hành động hung bạo của Trung Quốc trên vùng biển này.
Trong phát biểu hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Albert del Rosario nói sự hiện diện tăng lên của quân đội Mỹ trong vùng sẽ "giúp tăng cường an ninh khu vực".
Các nhà bình luận đánh giá rằng sau quyết định tăng tàu tuần tiễu và trực chiến tại Singapore và đưa tới 2500 thủy quân lục chiến sang tạm trú tại miền Bắc Úc, Hoa Kỳ muốn có thêm một điểm thứ ba là Philippines để kiểm soát vùng biển có các tuyến hải hành trọng yếu này.
Ý định thực sự
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Philippines tập trận tại Zambales tháng 10/2011
Các báo nước ngoài cũng cho rằng việc Việt Nam để hải quân Hoa Kỳ có thể cho tàu cập cảng nhằm bảo trì, sửa chữa cũng nằm trong chiến lược của Mỹ muốn có một loạt vị trí cơ động để kiểm soát Biển Đông thay vì đóng ở một vài căn cứ.
Trung Quốc đã lên tiếng phê phán kế hoạch tập trận chung giữa Philippines và Hoa Kỳ tại vùng biển hiện có nhiều tranh chấp chồng lấn chưa dễ giải quyết.
Đợt tập trận hải quân được loan báo sẽ tiến hành trong khoảng giữa tháng Ba và tháng Tư tới, trong vùng biển Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 23/1 nói kế hoạch tập trận chung này làm "nảy sinh các câu hỏi về ý định thực sự" của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương.
Mới hồi tháng 10/2011, thủy quân lục chiến Mỹ và Philipines đã diễn tập đổ bộ trên đảo San Antonio, tỉnh Zambales nằm về phía Bắc Manila.

Không có nhận xét nào: